Vinamilk thay đổi logo - Bước đi táo bạo trong việc tuyên bố hướng đi mới
| 9317 lượt xem | Thư viện số 100 năm
Có những thời điểm, cuộc chạy đua tranh giành thị phần trở nên khốc liệt, nhất là khi có quá nhiều công ty đối thủ ra đời. Hoặc có thể sau một thời gian dài không tạo ra điểm nhấn, doanh nghiệp cần một cú hích “ra trò”. Ở giai đoạn đó, việc thay đổi bộ nhận diện thương hiệu, logo - đơn cử như Vinamilk vừa chính thức công bố - là một bước đi táo bạo. Sẽ có những tranh cãi. Sẽ có những ý kiến đồng tình. Dẫu sao, việc tạo được dư luận nghĩa là đã thành công về mặt quảng bá, làm nóng lại thương hiệu.
Tất nhiên, để thay đổi logo, doanh nghiệp cần rất nhiều lý do cụ thể; bởi quyết định này sẽ phát sinh rất nhiều chi phí. Như trường hợp của Vinamilk, thay logo tức là phải làm lại toàn bộ hệ thống bảng quảng cáo lớn, biển quảng cáo nhỏ tại khu vực bán lẻ… Thế nên, khi quyết định thay đổi logo, doanh nghiệp thường đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho bước tiếp theo của chiến lược.
Thu hút sự quan tâm của nhiều người tất nhiên là khía cạnh quan trọng trong mọi chiến dịch marketing. Tuy nhiên, để chiến dịch marketing thành công, khi quyết định thay đổi logo thì doanh nghiệp nhất thiết phải đi kèm lời thông báo tại sao họ lại thay đổi. Cùng với đó phải là định hướng rõ ràng về bước đi tiếp theo, như một cách tái giới thiệu hình ảnh của doanh nghiệp đến với người tiêu dùng.
Như đã nói, việc thay logo thường đi kèm với hướng đi mới của thương hiệu. Và thực tế thì lãnh đạo Vinamilk cũng khẳng định “nỗ lực tái định vị đánh dấu bước đầu tiên của doanh nghiệp để hiện đại hóa trải nghiệm và tạo đà bứt tốc trong tương lai”. Nên, có thể thấy, thay đổi logo là bước đi cần thiết của Vinamilk lúc này, để báo hiệu sự điều chỉnh chiến lược trong thời gian tới của doanh nghiệp.
Xét đến khía cạnh thu hút truyền thông, rõ ràng, Vinamilk đã làm rất hiệu quả. Trong nước và cả quốc tế từng có những trường hợp tương tự; và, hầu hết những trường hợp đó đều thành công. Tại Việt Nam, có thể kể đến Ngân hàng Quân đội MBBank và Viettel. Chiến lược thay đổi logo để thu hút sự quan tâm của người dùng thành công trên thế giới, có thể kể đến trường hợp của Yahoo.
Tuy nhiên, như trên đã nói, thu hút sự quan tâm của nhiều người chỉ là bước đầu tiên, là một khía cạnh trong bức tranh toàn cảnh của chiến lược marketing tiếp sau đó. Nếu xét từ ba doanh nghiệp vừa ví dụ ở đây, thì Yahoo thực chất chỉ thành công ở mặt chiến dịch truyền thông. Phải nói thêm rằng, Yahoo thay đổi logo nhiều lần và lần nào cũng thu hút sự quan tâm của dư luận; đó là sự thành công về mặt chiến dịch; và đó cũng là cơ sở để thấy, rõ ràng, thay đổi logo có thể áp dụng như một chiến dịch trong tổng thể chiến lược. Nhưng đến cuối cùng, kết cuộc của Yahoo thế nào, tất cả chúng ta đều đã biết.
Riêng MBBank và Viettel lại hoạt động hiệu quả sau lần quyết định đổi logo. Vì sao? Vì họ có chiến lược tốt và mỗi chiến dịch trong chiến lược ấy đều hoàn hảo. Còn nhớ, sau thời gian thay đổi logo và trở nên lớn mạnh, Viettel và MBBank đã nhận được những lời khen từ các chuyên gia marketing, rằng, người dùng thật sự chỉ quan tâm doanh nghiệp làm việc thế nào chứ ít ai quan tâm logo ra sao. Chính chiến lược của họ tăng trưởng nên doanh nghiệp mới có thể tăng trưởng.
Thế nên, với Vinamilk, việc thay đổi logo có thể tạo ra những tranh luận trước mắt nhưng về lâu dài, điều quyết định đến thành công vẫn là định hướng chiến lược của ban lãnh đạo doanh nghiệp. Thực tế, Vinamilk lợi thế về mặt thương hiệu đã được định vị lâu năm và có chỗ đứng trên thị trường. Người tiêu dùng thực chất không bị ảnh hưởng bởi logo; họ chỉ quan tâm đến tên doanh nghiệp, tên sản phẩm - Vinamilk. Nên, có thể nói, việc thay đổi logo ở thời điểm hiện tại của Vinamilk là một bước thu hút sự quan tâm của công chúng, bởi giá trị cốt lõi của họ đã lan tỏa được ra diện rộng từ rất lâu.
Mở rộng thêm về mặt thiết kế, logo mới của Vinamilk theo trường phái tối giản. Đây là một xu hướng thiết kế không bao giờ lỗi thời, nhất là khi người tiêu dùng phải tiếp xúc với những thứ phức tạp mỗi ngày. Bên cạnh đó, chọn kiểu chữ dày nét, với màu sắc cơ bản là màu sáng, tươi, logo mới của Vinamilk tạo ấn tượng mạnh trong việc nhận diện thương hiệu.
Theo giải thích từ phía Vinamilk, chữ “Vinamilk” được viết nét tay mạnh mẽ, phóng khoáng; tổng thể logo đơn giản mà táo bạo, ấn tượng và mang bản sắc “luôn là chính mình” như tinh thần mới của thương hiệu. Nét cười trên chấm chữ “i” làm tăng cảm giác thân thuộc về một thương hiệu chăm sóc tinh thần và tầm vóc Việt. Hình ảnh giọt sữa ở phần bụng chữ cái “a” trong Vinamilk cùng dòng chữ “Est 1976” gợi nhắc về sản phẩm cốt lõi và năm thành lập của công ty.
Như vậy, có thể thấy, thông điệp và ý đồ của Vinamilk là rất rõ ràng thông qua logo mới này. Hy vọng những bước tiếp theo trong chiến lược marketing của Vinamilk cũng sẽ thành công như chiến dịch thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng lần này.
BTV: Thanh Thùy