Hiểu tổng quan về tỉnh Quảng Ninh - cửa ngõ hội nhập thế giới của vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ.
Tóm
tắt nội dung
Quảng Ninh, vùng đất phía Đông Bắc Việt Nam, tự hào với sự pha trộn hoàn hảo giữa thiên nhiên hùng vĩ và di sản văn hóa phong phú của con người, nơi có Vịnh Hạ Long - kỳ quan thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận và bảo vệ. Quảng Ninh cũng là đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, đồng thời là một trong 4 trung tâm du lịch lớn của Việt Nam.
Thuộc vùng đất phía Đông Bắc Việt Nam, Quảng Ninh là nơi giao nhau của các tuyến giao thông quốc gia quan trọng gồm: Quốc lộ 4, Quốc lộ 18A, Quốc lộ 18C, Quốc lộ 279, cửa khẩu quốc tế Móng Cái sang Trung Quốc. Diện tích tự nhiên của Quảng Ninh là 6.120,79 km², địa hình đa dạng với 80% là đồi núi, còn lại là trung du và đồng bằng ven biển. Đặc biệt, Vịnh Hạ Long - kỳ quan thiên nhiên 2 lần được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới về thẩm mỹ và địa chất địa mạo, nằm trọn trong địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển kinh tế và du lịch, Quảng Ninh đã trở thành một trọng điểm kinh tế, một đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, đồng thời là một trong bốn trung tâm du lịch lớn của Việt Nam.
Bản đồ hành chính tỉnh Quảng Ninh
Nguồn: invert.vn
1. Lịch sử hình thành và phát triển
Tiền sử Quảng Ninh được biết sớm nhất là ở các địa điểm thuộc Văn hóa Soi Nhụ. Mặc dù các nhà khoa học gặp nhiều khó khăn trong quá trình nghiên cứu, song với khối tư liệu thu được sau cuộc khai quật di chỉ Đầu Rằm, có thể nói rằng từ tiền sử tới sơ sử Quảng Ninh là một quá trình phát triển liên tục, không hề có bất cứ một đứt đoạn nào. Việc phát hiện các di tích sơ sử tại Quảng Ninh cũng đã góp phần khẳng định rằng vào thời Hùng Vương, Quảng Ninh đã thực sự là một bộ phận của quốc gia Văn Lang. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng, ngay từ thời Hùng Vương, đất nước ta đã được chia thành 15 bộ, trong đó có các bộ Ninh Hải, Lục Hải, trung tâm của Ninh Hải, Lục Hải chính là khu vực tỉnh Quảng Ninh bây giờ.
Lịch sử Ninh Hải - Lục Châu và sau này là Hải Đông là cả một thời kỳ dài liên tục đấu tranh chống ngoại xâm và xây dựng, phát triển. Trong thời phong kiến độc lập, tự chủ, có lẽ rất hiếm có một vùng đất nào mà hai nhiệm vụ, cũng là hai sự nghiệp ấy lại thể hiện rõ ràng như trên mảnh đất địa đầu Tổ quốc này. Trong suốt mười thế kỷ ấy, đất Hải Đông đã ghi dấu với những chiến công lừng lẫy, đó là ba lần chiến thắng trên sông Bạch Đằng, là sự phát triển của trung tâm giao thương lớn và quan trọng Vân Đồn...
Đến khi quốc gia phong kiến độc lập không trụ nổi trước sức mạnh xâm lược của tư bản phương Tây, Việt Nam trở thành một thuộc địa dưới sự đô hộ của thực dân Pháp, thì vùng đất Đông Bắc giàu tài nguyên than đá này lại trở thành một vùng điển hình của tội ác khai thác thuộc địa. Nhưng từ nỗi thống khổ bị áp bức và bóc lột, vùng đất này đã kế tục mạnh mẽ truyền thống yêu nước, tinh thần bất khuất kiên cường của mấy nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, đã viết nên những chương sử mới. Đó là thời kỳ Vùng Mỏ trở thành cái nôi sinh thành đội ngũ công nhân và những trang đấu tranh oanh liệt lại bắt đầu.
Ngày 30-10-1963, Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã quyết định hợp nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng thành tỉnh Quảng Ninh. Từ ngày 1-1-1964, tỉnh Quảng Ninh đi vào hoạt động chính thức, tạo thành một thể liên hoàn cả về chính trị, kinh tế, quân sự, phát huy được sức mạnh tổng hợp của vùng Đông Bắc rộng lớn của Tổ quốc. Đó là một dấu mốc rất quan trọng để giai cấp công nhân và nhân dân các dân tộc Quảng Ninh bước vào thời kỳ cách mạng mới.
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 tạo một bước ngoặt lịch sử đưa nước ta bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, tiến lên chủ nghĩa xã hội. Cùng với cả nước, nhân dân Quảng Ninh đã bước vào một giai đoạn mới với nhiều thuận lợi. Quán triệt sâu sắc đường lối đổi mới đất nước và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội do các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc từ lần thứ VI tới lần thứ XI nêu ra, trong thời gian từ năm 1986 đến nay, các kỳ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành đánh giá tình hình về mọi mặt với sự nhìn nhận đầy đủ, khách quan, đúng sự thật những ưu điểm và khuyết điểm, trên cơ sở đó đề ra chủ trương, nhiệm vụ cụ thể của địa phương, hướng đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.
Tính đến năm 2022, dân số Quảng Ninh là gần 1.398.732 người, với 22 thành phần dân tộc, song chỉ có 6 dân tộc có hàng nghìn người trở lên, cư trú thành những cộng đồng và có ngôn ngữ, bản sắc dân tộc rõ nét. Ðó là các dân tộc Việt (Kinh), Dao, Tày, Sán Dìu, Sán Chỉ, Hoa. Như các địa phương khác trên toàn lãnh thổ Việt Nam, cư dân sống ở Quảng Ninh cũng có những tôn giáo, tín ngưỡng để tôn thờ. Đạo Phật là tôn giáo có lịch sử lâu đời nhất với nhiều ngôi chùa nổi tiếng như Thiền viện trúc lâm Yên Tử, Chùa Ba Vàng (Uông Bí), Chùa Long Tiên, Chùa Lôi Âm (Hạ Long), Chùa Cái Bầu (Vân Đồn). Tín ngưỡng phổ biến nhất trong cư dân sống ở Quảng Ninh là thờ cúng tổ tiên, thờ các vị tướng lĩnh nhà Trần có công với dân với nước, các vị Thành hoàng, các vị thần (Sơn thần, Thuỷ thần), thờ các mẫu (Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải)…
2. Đơn vị hành chính
Quảng Ninh có 13 đơn vị hành chính trong đó có 4 thành phố, 2 thị xã và 7 huyện. Ngoại trừ 2 huyện Đầm Hà và Đàm Hải, các đơn vị hành chính còn lại của tỉnh Quảng Ninh đều có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển kinh tế du lịch.
Thành phố Hạ Long: Thành phố Hạ Long, trước đây là thị xã Hòn Gai, là trung tâm văn hoá, kinh tế, chính trị của tỉnh Quảng Ninh. Thành phố Hạ Long nằm hai bên Cửa Lục, phía đông Hạ Long là khu vực phát triển công nghiệp và tập trung hầu hết các cơ quan hành chính của tỉnh. Khu vực phía tây thành phố Hạ Long (Bãi Cháy) là khu du lịch hoạt động sôi động. Vịnh Hạ Long nổi tiếng ở trong và ngoài nước và được công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới với hàng nghìn hòn đảo tự nhiên kỳ vĩ và sống động. Với nhiều công trình đền, miếu, di tích lịch sử văn hoá (đền Đức Ông, chùa Long Tiên...), phong cảnh Hạ Long càng trở nên hữu tình, nên thơ. Kinh tế của thành phố ngoài lĩnh vực du lịch là sôi động nhất, còn có các hoạt động khác như: thương mại, cảng biển, công nghiệp khai thác khoáng sản (than đá), và chế biến hải sản, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất bia…
Thành phố Cẩm Phả: Thành phố Cẩm Phả nằm ở phía đông thành phố Hạ Long. Cẩm Phả có một số di tích và thắng cảnh rất nổi tiếng như đền Cửa Ông, đảo Rều (đảo Khỉ), đảo Thẻ Vàng, Hòn Hai, di tích Vũng Đục, động Hang Hanh… Công nghiệp khai thác than chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của Cẩm Phả.
Thành phố Móng Cái: Móng Cái là mảnh đất địa đầu vùng Đông Bắc của Việt Nam, cách thành phố Hạ Long 185 km. Phía bắc thị xã Móng Cái là biên giới với Trung Quốc dài 70 km, nơi có cửa khẩu Móng Cái - điểm giao thương rất thuận tiện giữa Việt Nam và Trung Quốc. Các di tích văn hoá lớn được xếp hạng tập trung hầu hết ở khu vực Trà Cổ, đó là đình Trà Cổ, nhà thờ Trà Cổ, chùa Linh Khánh, chùa Xuân Lan. Bãi tắm Trà Cổ là một trong những bãi tắm đẹp nhất của Việt Nam (có chiều dài 17 km). Kinh tế của thị xã theo mô hình thương mại - du lịch - nông - ngư nghiệp.
Thành phố Uông Bí: Uông Bí nằm trong vùng tam giác động lực phát triển miền Bắc là Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, là điểm đến thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đặc biệt trên địa bàn có khu di tích lịch sử văn hóa và danh thắng cấp Quốc gia Yên Tử (Kinh đô Phật giáo - Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam), Đình Đền Công; các khu di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh như: Hang son, Ba Vàng, Chùa Phổ Am và các khu du lịch sinh thái như: Hồ Yên Trung, Lựng Xanh... Uông Bí có nguồn tài nguyên khoáng sản than rất lớn (khu vực có trữ lượng than lớn nhất Quảng Ninh) đang được khai thác. Đây là ngành công nghiệp quan trọng thúc đẩy các ngành công nghiệp điện, cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng. Thành phố có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh, là tuyến phòng thủ phía Đông Bắc của Tổ quốc.
Thị xã Đông Triều: Thị xã Đông Triều nằm cửa ngõ phía tây của tỉnh Quảng Ninh. Đông Triều là huyện có nhiều di tích lịch sử và danh thắng được xếp hạng quốc gia, như khu đền và lăng mộ nhà Trần, chùa Quỳnh Lâm, chùa Bắc Mã... Ngoài ra còn có chùa Hồ Thiên; đền thờ An Sinh vương Trần Liễu; thắng cảnh núi Con Mèo... Kinh tế của Đông Triều theo mô hình công - lâm - nông nghiệp. Hiện nay, thị xã đang tập trung đưa những giống cây có hiệu quả kinh tế cao về trồng như vải thiều, dâu (nuôi tằm). Công nghiệp khai thác than, nghề gốm nổi tiếng từ lâu đời ở Đông Triều.
Thị xã Quảng Yên: Quảng Yên là một thị xã trung du ven biển nằm ở phía Tây Nam tỉnh Quảng Ninh. Thị xã Quảng Yên nằm giữa tam giác 3 thành phố Hạ Long, Uông Bí, Hải Phòng. Tài nguyên du lịch tự nhiên Quảng Yên khá phong phú với nhiều khu vực cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn như hai cây lim Giếng Rừng, Thác Mơ - hồ Yên Lập, đảo Hoàng Tân có núi đá vôi và một số hang động cổ. Trên địa bàn thị xã Quảng Yên có khoảng hơn 200 di tích lịch sử văn hoá, trong đó có 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 40 di tích quốc gia, 12 di tích cấp tỉnh. Cùng với đó, Quảng Yên còn có khá nhiều lễ hội, trong đó có 3 lễ hội lớn được tổ chức hàng năm, là Lễ hội Bạch Đằng, lễ hội Tiên Công, lễ hội Xuống đồng. Quảng Yên có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển, công nghiệp.
Huyện Ba Chẽ: Ba Chẽ là huyện miền núi nằm ở phía bắc tỉnh Quảng Ninh, cách Hạ Long 65 km. Cách huyện lỵ 6 km là thác Chúc, một kỳ quan về điêu khắc của tạo hoá. Kinh tế của huyện theo mô hình lâm - nông nghiệp. Ba Chẽ là huyện có diện tích rừng lớn nhất của tỉnh Quảng Ninh. Rừng ở đây là nguồn thu lớn nhất của huyện, đặc biệt ở đây có cây trầu một lá là cây dược liệu quý hiếm.
Huyện Bình Liêu: Bình Liêu là một huyện miền núi, nằm ở phía đông bắc tỉnh Quảng Ninh và cách thành phố Hạ Long khoảng 130 km. Người dân ở huyện Bình Liêu còn lưu giữ nhiều nét văn hoá của riêng mình. Đặc sắc hơn là ở đây có hội An Pò của người Sán Chỉ, lễ hội tổ chức vào hai ngày 15 và 16 tháng 3 (âm lịch) hàng năm. Thắng cảnh ở Bình Liêu có thác Khe Vằn chảy thành ba tầng độc đáo. Núi Cao Ba Lanh nổi tiếng với đá "thần", khi gõ vào một phiến đá, tạo thành âm thanh cộng hưởng cùng các phiến đá khác như tiếng nói đầy huyền bí của các thần linh... Mô hình kinh tế của huyện Bình Liêu là nông - lâm nghiệp. Trẩu, sở, hồi, quế là bốn loại cây công nghiệp được quan tâm phát triển trên địa bàn huyện. Thương mại đang được khai thác với Trung Quốc qua cửa khẩu Hoành Mô.
Huyện Cô Tô: Huyện Cô Tô cách tỉnh lỵ 100km về phía đông bắc Vịnh Bắc Bộ. Huyện Cô Tô là một quần đảo với gần 50 đảo lớn nhỏ, trong đó có ba đảo lớn: đảo Cô Tô, đảo Thanh Lân và đảo Trần. Cô Tô gần ngư trường khai thác hải sản lớn của cả nước (ngư trường quanh vùng biển Bạch Long Vĩ); Đảo Trần nằm ở vị trí Đông Bắc của huyện, cách khu kinh tế mở Móng Cái khoảng 35 km, nằm trong khu vực cửa khẩu, cách đường Hàng hải quốc tế Hải Phòng - Bắc Hải 30 km. Quần đảo Cô Tô có vị trí chiến lược, đặc biệt quan trọng về an ninh quốc phòng để làm cơ sở vạch đường cơ bản khi hoạch định đường biên giới trên biển của nước ta. Huyện Cô Tô còn có vị trí quan trọng tạo thành điểm kết nối và tuyến du lịch, giải trí Hạ Long - Cửa Ông - Vân Đồn – Cô Tô.
Huyện Đầm Hà: Đầm Hà là huyện miền núi ven biển nằm trên trục Quốc lộ 18A ở phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh. Đầm Hà có vị trí đặc biệt - nằm sát tổ hợp Công nghiệp - Đô thị - Cảng biển Hải Hà; khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái và khu kinh tế Vân Đồn. Đây là cơ hội lớn cho phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, thương mại dịch vụ, nhất là dịch vụ cung cấp nông sản, thực phẩm và nguồn lao động. Huyện Đầm Hà hiện có 3 di tích được xếp hạng cấp tỉnh là cụm di tích Đình – Chùa – Miếu Đầm Hà, Rừng Cò - Núi Hứa và Tượng đài anh hùng liệt sỹ Hà Quang Vóc; 5 di tích đã kiểm kê, phân loại là: đình Tràng Y, đồn Đen, chùa Sâu, Miếu Cửa sông và Nhà thờ xứ đạo Hà Lai.
Huyện Hải Hà: Hải Hà là một huyện nằm ở phía đông của tỉnh Quảng Ninh. Hải Hà cũng có đá "thần" ở núi Tài Chi. Khác với đá "thần" ở Bình Liêu, khi gõ vào tạo thành âm thanh nghe rùng rợn làm rung động cả núi rừng. Hai đảo Núi Miều và Cái Chiên là những thắng cảnh du lịch hấp dẫn của huyện. Hải Hà là một trong ba trọng điểm lúa của tỉnh. Cây quế, sa mộc, hồi... mang lại cho Hải Hà những nguồn thu đáng kể. Nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản phát triển mạnh ở đây. Công nghiệp khai thác đá làm gạch chịu lửa, khai thác nguyên liệu sản xuất sứ cách điện, sứ cao cấp, phụ gia xi măng, đồ mỹ nghệ, gạch ốp lát cũng đang được đẩy mạnh.
Huyện Tiên Yên: Tiên Yên là huyện nằm ở trung tâm của miền đông bắc tỉnh Quảng Ninh. Trên đất Tiên Yên có di tích Chùa Dâu là một ngôi chùa nhỏ ở xã Đông Hải. Điểm đặc biệt của ngôi chùa này là hoàn toàn xây bằng đá phiến khá lớn; lễ hội Chùa Dâu được tổ chức vào rằm tháng giêng âm lịch hàng năm. Gần thị trấn Tiên Yên còn lại một nhà tù từ thời thuộc Pháp. Hiện nay di tích này còn gần như nguyên vẹn, chỉ có chiếc máy chém được chuyển về bảo tàng của tỉnh. Mô hình kinh tế của huyện Tiên Yên là nông - lâm - ngư nghiệp.
Huyện Vân Đồn: Vân Đồn là một huyện đảo, huyện lỵ cách thành phố Hạ Long khoảng 50km. Vân Đồn gồm hai khu đảo chính là Kế Bào và Vân Hải, với hàng trăm đảo đá nhấp nhô ven bờ vịnh Bái Tử Long xinh đẹp. Mặc dù huyện Vân Đồn mới được thành lập nhưng lịch sử vùng đất này đã có từ rất lâu đời. Thương cảng Vân Đồn có từ thời Lý. Biển Vân Đồn đã từng ghi dấu ấn chiến công chống giặc ngoại xâm của Trần Khánh Dư (võ tướng đời Nhà Trần). Kinh tế của Vân Đồn theo mô hình ngư - nông - lâm nghiệp. Cảnh sắc thiên nhiên của Vân Đồn rất hùng vĩ, như một chiến luỹ chắn biển Đông. Biển Vân Đồn tiềm ẩn nhiều hải sản quý; nhiều bãi tắm đẹp trên các đảo Quan Lạn, Ngọc Vừng; nhiều hang động kỳ ảo từng quyến rũ bao du khách trong và ngoài nước.
3. Di sản văn hóa Quảng Ninh
Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có có 609 di tích, cụm di tích lịch sử – văn hoá và danh thắng, trong đó có: 5 di tích quốc gia đặc biệt (01 di sản thiên nhiên Thế giới là Danh lam thắng cảnh vịnh Hạ Long), 52 di tích cấp quốc gia, 78 di tích cấp tỉnh, 474 di tích đã được kiểm kê, phân loại (cập nhật đến tháng 02/2018). Các di tích được phân bố trên địa bàn toàn tỉnh; mật độ trung bình khoảng 43,4 di tích/huyện, thị xã, thành phố. Bên cạnh đó, các loại hình văn hoá phi vật thể có tổng số 362 di sản với các chủ thể văn hoá khác nhau, diễn ra tại các địa điểm trên toàn tỉnh Quảng Ninh đã được phân loại bao gồm: Loại hình tiếng nói, chữ viết (7 di sản); Loại hình ngữ văn dân gian (24 di sản); Loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian (25 di sản); Loại hình tập quán xã hội (165 di sản); Loại hình lễ hội truyền thống (75 di sản); Loại hình nghề thủ công truyền thống (26 di sản); Loại hình tri thức thời gian (50 di sản). Một số di sản văn hóa có thể kể đến:
Vịnh Hạ Long - Di sản thế giới được UNESCO công nhận có diện tích trên 434 km² với 788 đảo, có giá trị đặc biệt về văn hoá, thẩm mỹ, địa chất, sinh học và kinh tế. Trên vịnh có nhiều đảo đất, hang động, bãi tắm, cảnh quan đẹp thuận lợi cho phát triển nhiều điểm, nhiều hình thức du lịch hấp dẫn. Vịnh Hạ Long cùng với đảo Cát Bà là khu du lịch trọng điểm quốc gia, động lực phát triển vùng du lịch Bắc Bộ.
Tại Quảng Ninh có các di tích lịch sử lâu đời, đây là những điểm thu hút khách thập phương đến tham quan với các loại hình du lịch văn hoá, tôn giáo, nhất là vào những dịp lễ hội: Bãi cọc Bạch Đằng thuộc thị xã Quảng Yên; Thương cảng Vân Đồn với trận thủy chiến chống quân Nguyên Mông của tướng Trần Khánh Dư, nay thuộc khu vực đảo Quan Lạn và Minh Châu, huyện Vân Đồn; Khu quần thể di tích lăng các vua Trần, nơi ở của tổ tiên Vương triều Trần trước khi di cư xuống vùng Thái Bình, Thiên Trường thuộc địa phận thị xã Đông Triều; Núi Yên Tử, nơi phát tích thiền phái Trúc Lâm do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập thuộc địa phận thành phố Uông Bí. Hiện nay Quần thể di tích danh thắng Yên Tử thuộc 2 tỉnh Bắc Giang và Quảng Ninh đang được lập hồ sơ đề nghị công nhận di sản thế giới.
4 di sản đã được đưa vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, gồm: Nghi lễ then cổ của người Tày (Bình Liêu), hát nhà tơ – hát (múa) cửa đình, lễ hội đền Cửa Ông (Cẩm Phả), lễ hội miếu Tiên Công (Quảng Yên).
Ý kiến (0)