DJC

Đã đánh giá tài liệu

Cảm ơn bạn đã phản hồi

Giới thiệu Phan Tộc Việt Nam

Tài liệu miễn phí

GIỚI THIỆU PHAN TỘC VIỆT NAM

Trên lãnh thổ đất nước Việt Nam có hàng trăm tộc họ, trong đó, 10 dòng họ lớn nhất Việt Nam đã chiếm đến gần 90% dân số cả nước. Đang đứng ở vị trí thứ sáu những dòng họ phổ biến nhất chính là họ Phan với khoảng trên ba triệu đồng bào, chiếm 4,5% dân số nước ta.

Họ Phan là một họ tiêu biểu của các nước Việt Nam, Trung Quốc, Triều Tiên. Ở Triều Tiên, họ này đọc là “Ban”. Theo chữ Hán, họ Phan được viết là 潘, ghép từ ba chữ Thái (采), Điền (田) và bộ Thủy (氵). Tương truyền rằng, vào đầu thời nhà Chu ở Trung Quốc, có một bộ tộc sống ở phía Nam sông Trường Giang, thuộc vùng đất Việt Thường, bộ tộc này được lãnh đạo bởi một người tù trưởng giỏi nghề cấy lúa, thông thạo việc thủy lợi, tránh được hạn hán, làm cho mùa màng tươi tốt, nhân dân no đủ nên ai ai cũng mến phục. Vua Chu nghe được tin ấy liền cho mời vị tù trưởng đó về kinh để giúp đỡ thần dân của nhà vua, làm cho thiên hạ thái bình. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, vị tù trưởng đó trở về cố hương, Vua Chu không quên ơn liền ban thưởng cho ruộng lộc, gọi là “Thái Điền” và đặt tên họ cho bộ tộc ấy ghép từ hai chữ Thái, Điền với ba chấm Thủy, đọc là chữ “Phan”. Họ Phan của Trung Quốc bắt đầu ra đời từ đấy.

Ở Việt Nam, họ Phan đã ra đời cách đây hàng ngàn năm lịch sử. Chuyện xưa kể rằng, vào thời Hùng Vương thứ 18, ở đất Ái Châu (thuộc vùng sông Mã, Thanh Hóa) có ông Phan Tây Nhạc, là Lạc tướng trong triều đình Văn Lang, được phong là Tây Nhạc Đại Vương. Hiện nay có đền thờ ông ở làng Hòe Thị, phường Xuân Phương, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Từ những ghi chép về ông Phan Tây Nhạc trong các bộ chính sử thì có thể khẳng định dòng dõi họ Phan ở Việt Nam có từ thời Hùng Vương thứ 18 và ông Phan Tây Nhạc chính là Thủy tổ của dòng họ này. Từ đây, lịch sử và truyền thống của họ Phan bắt đầu. Dòng họ đã trải qua đủ mọi thăng trầm của lịch sử, góp công khai sơn phá thạch, mở rộng đất đai, chống ngoại xâm, phát huy và gìn giữ truyền thống dân tộc. Những trang sử vàng đã ghi nhận và vinh danh rất nhiều người con ưu tú, nhân tài hào kiệt mang dòng máu họ Phan Việt Nam, họ là những danh nhân, văn thần, võ tướng, nhà khoa bảng, nhà bác học, chiến sĩ cộng sản xuất sắc đã góp phần làm rạng danh dòng họ, rạng danh Tổ quốc Việt Nam.

Trong suốt chiều dài lịch sử, gần như thời kỳ nào cũng xuất hiện hình bóng con cháu họ Phan đóng góp công sức vào sự hưng thịnh của quốc gia, dân tộc. Dưới thời phong kiến, trong công cuộc trị nước bình thiên hạ, các vua chúa của các triều đại Hậu Lê, Tây Sơn, Nguyễn đã nhận được sự phò tá đắc lực của các danh thần như Phan Huy Cẩn, Phan Phu Tiên, Phan Huy Ích, Phan Thanh Giản… Tài trí và sự cần mẫn của những vị quan đó đã góp phần giúp cho đất nước ổn định, quốc thái dân an. Đây cũng là thời kỳ họ Phan nở rộ về truyền thống khoa bảng khi đã có rất nhiều con cháu của dòng họ đỗ đạt vinh hiển. Theo các số liệu thống kê, họ Phan có đến 64 vị đỗ đại khoa trong các kỳ thi Nho học từ năm 1075 đến năm 1919, xếp thứ 06 về thành tích trong số rất nhiều họ tộc. Nhiều vị được khắc tên trên văn bia ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám để đời đời lưu danh.

Họ Phan cũng là một dòng họ anh hùng, giàu truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh khi nói về truyền thống yêu nước của dân tộc ta có nêu bốn nhân vật tiêu biểu trong phong trào ái quốc cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, đó là Hoàng Hoa Thám, Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh. Họ Phan đã chiếm đến ba vị trong câu nói của Bác, đây là một niềm tự hào và vinh dự lớn lao của dòng họ.

Cuộc khởi nghĩa Hương Khê - đỉnh cao của phong trào Cần Vương chống Pháp cuối thế kỷ XIX gắn liền với tên tuổi của vị thủ lĩnh họ Phan là Phan Đình Phùng. Bước sang thế kỷ XX, ở nước ta có hai phong trào ái quốc rộng lớn, được đông đảo quần chúng nhân dân hưởng ứng là phong trào Đông Du và phong trào Duy Tân. Lãnh tụ của hai phong trào đó cũng là hai vị sĩ phu yêu nước họ Phan là Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh. Ngoài ra còn có rất nhiều người con họ Phan đã đứng lên chống Pháp, chiến đấu anh dũng, không ngại hy sinh gian khổ để đòi lại độc lập dân tộc từ tay giặc ngoại xâm.

Trong thời đại Hồ Chí Minh, phát huy truyền thống của dòng họ, họ Phan tiếp tục đóng góp nhiều tấm gương yêu nước tiêu biểu, chiến đấu dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, ghi công trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là những trí thức, những nhà cách mạng lỗi lạc như Phan Đăng Lưu, Phan Kế Toại, Phan Đình Giót, Phan Văn Khải, Phan Trọng Tuệ… và đặc biệt, có rất nhiều nhân vật mang gốc gác họ Phan mà rất có thể nhiều người chưa được biết đến. Đầu tiên phải kể đến “ba anh em họ Phan” là Lê Đức Thọ (tên thật là Phan Đình Khải), Đinh Đức Thiện (tên thật là Phan Đình Dinh) và Mai Chí Thọ (tên thật là Phan Đình Đống), họ đều là những chính trị gia, nhà quân sự có công lao to lớn trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Hay cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tên khai sinh là Phan Văn Hòa, người được mệnh danh là vị “kiến trúc sư trưởng” của công trình thế kỷ Đường dây 500kV Bắc - Nam, đặt nền móng cho nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững trong tương lai… Bên cạnh đó là hơn 100 Liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân mang họ Phan đã được Đảng và Nhà nước vinh danh, tên tuổi của nhiều vị đã được đặt cho những con đường, tuyến phố, trường học ở nhiều địa phương trên cả nước để nhân dân Việt Nam đời đời ghi nhớ công ơn.

Đó là những đặc điểm và những truyền thống quý báu của dòng họ Phan - một trong những dòng họ có bề dày lịch sử và truyền thống lâu đời, đã ghi dấu ấn đậm nét trong nhiều giai đoạn phát triển của đất nước. Xuất phát từ thời kỳ Hùng Vương, họ Phan đã cống hiến không ngừng cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Những người mang họ Phan đã để lại nhiều dấu ấn đáng tự hào trong các lĩnh vực như chính trị, văn hóa, quân sự và khoa học. Tinh thần kiên cường và trí tuệ của họ Phan vẫn tiếp tục phát huy trong xã hội hiện đại, góp phần làm rạng danh dòng họ và dân tộc Việt Nam.

SƠ LƯỢC VỀ LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN CỦA PHAN TỘC VIỆT NAM

Họ Phan là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam, có một lịch sử lâu đời gắn liền với lịch sử Việt Nam từ thời cổ đại đến nay, và góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát triển tinh hoa văn hóa dân tộc, đánh giặc bảo vệ quê hương,  mở mang đất nước, góp phần xương máu cùng các tộc họ khác xây dựng một nước Việt Nam tươi đẹp và giàu mạnh.

Theo các tài liệu cổ sử cũng như các truyền thuyết dân gian thì tổ tiên của họ Phan Việt Nam xuất hiện từ thời Văn Lang, cụ thể là vào đời Hùng Vương thứ 18 có vị Lạc tướng Phan Tây Nhạc là người gốc Ái Châu (Thanh Hóa) được phong tước là Tây Nhạc Đại Vương và được hậu thế suy tôn là Thủy tổ của dòng họ Phan ở Việt Nam.

Tương truyền rằng, ở vùng đất Hà Trung, Ái Châu có một gia đình họ Phan giàu có nhưng mãi mà chưa có con nối dõi tông đường. Hai vợ chồng thường chăm lo làm điều nhân nghĩa, chia phát tiền gạo cứu giúp người nghèo và chăm đi cầu tự các nơi đình đền chùa miếu để động lòng trời cao mà ban cho một mụn con. Thế rồi vào một hôm, người vợ nằm mộng thấy một vị thần xuất hiện và nói rằng “Vợ chồng nhà ngươi là người lương thiện hiền lành, có âm đức, ta sẽ cho một thằng bé xinh xắn để làm rạng rỡ tổ tông, phát huy danh tiếng trong thiên hạ”. Cụ bà tỉnh mộng, cho đó là điềm lành. Quả nhiên sau đó bà có thai rồi hạ sinh một bé trai kháu khỉnh, mặt vuông tai lớn, đặt tên là Tây Nhạc.

Lớn lên, Phan Tây Nhạc có sức khỏe địch được muôn người, tinh thông võ nghệ nên được Hùng Vương trọng dụng. Phan Tây Nhạc là một vị tướng tài, có công lớn đánh giặc giữ nước nên được phong là Tây Nhạc Đại Vương. Đến thời Vua An Dương Vương lên ngôi, lập ra nước Âu Lạc, nhà vua đã cho xây dựng, sửa sang đền miếu thờ cúng liệt thánh có công đức thời Vua Hùng, trong đó có đền thờ Tây Nhạc Đại Vương ở phường Xuân Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội ngày nay. Các vua chúa của các triều đại kế tiếp như Ðinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, Nguyễn đều có chiếu gia phong Phúc thần, ban phong sắc mệnh cho danh tướng Phan Tây Nhạc.

Từ đây, họ Phan bắt đầu hình thành và phát triển nhanh chóng. Trong thời kỳ Âu Lạc, người họ Phan với kinh nghiệm về sản xuất cấy lúa nước đã tích cực khai khẩn đất hoang ở quanh lưu vực sông Hồng biến những nơi đó trở nên tươi tốt, trù phú, nhân dân cư tụ ngày càng đông. Người Việt đang sống yên ổn thì năm 179 TCN, nhà Triệu đem quân thôn tính Âu Lạc, rồi đến năm 111 TCN nhà Hán thay nhà Triệu đô hộ nước ta, bắt đầu thời kỳ Bắc thuộc kéo dài hơn 1.000 năm. Dưới ách áp bức bóc lột nặng nề của các triều đại phong kiến phương Bắc, đời sống nhân dân vô cùng cơ cực. Người Việt ngoài việc chịu thuế khóa nặng nề còn phải tìm kiếm các loại cống vật quý hiếm như ngà voi, sừng tê giác, lông chim trả, đồi mồi, ngọc trai… để cống nạp cho bọn chúng. Không cam chịu sự giày xéo của quân xâm lược, năm 40, ở đất Mê Linh, hai chị em Trưng Trắc - Trưng Nhị phất cờ khởi nghĩa. Đây là ngọn cờ đấu tranh tiên phong và là một trong những cuộc đấu tranh tiêu biểu nhất của nhân dân chống lại chính quyền phương Bắc để đòi lại nền độc lập tự chủ. Hai anh em danh tướng Phan Cung, Phan Lượng quê ở Nam Định đã hưởng ứng cuộc khởi nghĩa, gia nhập hàng ngũ nghĩa quân Mê Linh cùng nhân dân đánh đổ ách thống trị, lập nên vương triều của Trưng Nữ Vương. Nhân dân ta sống trong cảnh thái bình, độc lập được ba năm thì đến năm 43, tướng nhà Hán là Mã Viện lại kéo quân sang đánh. Đại quân của Hai Bà thất bại ở hồ Lãng Bạc. Trên đà thắng thế, Mã Viện kéo quân tấn công Nam Định là nơi hai vị tướng họ Phan đang trấn giữ. Hai anh em Phan Cung, Phan Lượng đã anh dũng chống trả quyết liệt, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và đã hy sinh trên mảnh đất Nam Ðịnh. Tưởng nhớ tấm gương anh dũng của hai vị anh hùng, nhân dân đã lập đền thờ hai ông ở làng Vĩnh Tường (Nam Ðịnh).

Vào thời Đông Ngô cai trị nước ta, ở quận Cửu Chân (Thanh Hóa) có người họ Phan tên là Phan Hâm, trong một lần đến tiệc rượu chúc thọ bố vợ của Đam Manh là Thái thú quận Cửu Chân đã xảy ra xô xát, bị Đam Manh sai người sát hại. Em của Phan Hâm là Phan Miêu vốn đã căm tức giặc Đông Ngô tàn bạo, lại có thêm thù nhà nên đã kêu gọi nhân dân tổ chức khởi nghĩa, giết chết tên Thái thú Đam Manh, giành lấy chính quyền. Đây là một cuộc khởi nghĩa lớn đến nỗi Thái thú quận Giao Chỉ là Sĩ Nhiếp kéo quân từ Bắc Bộ vào cũng không đánh nổi, phải rút quân về. Mãi về sau, vào khoảng năm 231, Thứ sử Giao Châu là Lữ Ðại từ Phiên Ngung kéo đại quân vào đánh, mới dẹp được.

Cũng vào thời kỳ Bắc thuộc, do sự áp bức bóc lột nặng nề, đời sống nhân dân cực khổ nên nhiều người Việt phải phiêu tán đến nơi khác để xây dựng cuộc sống mới, họ Phan cũng có nhiều người di cư đến khai hoang ở các vùng Hải Dương, Hà Bắc, Sơn Tây, Vĩnh Phú, Nghệ An và nhiều nơi khác. Thời kỳ này cũng là lúc nhiều người từ phương Bắc di chuyển sang, trong đó có những người họ Phan gốc Trung Quốc, đã làm cho số lượng cư dân của dòng họ được tăng lên đáng kể.

Năm 905, Khúc Thừa Dụ lật đổ sự thống trị của nhà Đường, tự xưng là Tiết Độ sứ, xây dựng nền độc lập tự chủ. Nền độc lập ấy đã được Dương Đình Nghệ và Ngô Quyền bảo vệ thành công trước sự xâm lược của quân Nam Hán. Đến năm 939, Ngô Quyền xưng vương, lập ra nhà Ngô, từ đây, lịch sử Việt Nam bước sang một giai đoạn mới, giai đoạn độc lập lâu dài và xây dựng nền quân chủ phong kiến.

Trải qua các triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, nước Đại Việt có sự phát triển vượt bậc và trở thành một thế lực ở khu vực Đông Nam Á. Từ thời nhà Lý, các Vua Lý đã bắt đầu quan tâm đến dải đất phía Nam Đại Việt. Năm 1030, Vua Lý Thái Tông sáp nhập Châu Hoan và Châu Diễn làm Châu Nghệ An và cử người em là Lý Nhật Quang vào làm Tri Châu với chủ trương tăng cường lực lượng về người và của ở biên giới phía nam. Vùng Hoan Diễn hồi này đa số là người Mường và người thiểu số nên Lý Nhật Quang đã chiêu tập người dân ở phía Bắc vào khai khẩn đất đai làm nương rẫy, đồng ruộng. Số lượng người dân di cư vào Nghệ An ngày càng đông, trong đó, họ Phan là một trong những dòng họ tiên phong đi mở mang đất đai, lấn biển lập làng. Những người họ Phan đã cùng chung sống, canh tác giúp đỡ lẫn nhau và lập nên các làng xã mới, họ đã lấy tên họ của mình để đặt tên cho nơi định cư mới này như làng Phan Xá, Phan Thôn ở xã Ngô Trường, huyện Châu Lộc hay tổng Phan Xá thuộc huyện Nghi Xuân…  Những địa danh ấy đến nay vẫn còn, thuộc hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.

Đến thời Vua Trần Anh Tông, sau khi gả em là Công chúa Huyền Trân cho Vua Chiêm là Chế Mân năm 1306 để đổi lấy hai châu Ô, Lý thì Vua Trần có chủ trương khuyến khích người Việt vào vùng này để khai khẩn đất hoang. Họ Phan một lần nữa Nam tiến vào khai thác vùng đất mới này và lập nên các làng họ Phan như dòng họ Phan ở Ðà Sơn, tỉnh Quảng Nam.

Thời kỳ này, nhiều người họ Phan đã xuất hiện trên chính trường Đại Việt, trở thành những danh thần, mưu sĩ phò tá cho các triều đại Lý, Trần.

Thời nhà Lý có Thiền sư Phan Trường Nguyên, quê ở làng Trường Nguyên, huyện Tiên Du, tỉnh Hà Bắc (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh). Thiền sư là một người hay chữ có tiếng được Vua Lý Anh Tông vời vào kinh để giúp việc cho vua, nhưng Thiền sư đã khéo léo từ chối vinh hoa bổng lộc để ẩn cư, tu đạo tại chùa Sóc Thiên Vương, thuộc huyện Sóc Sơn, Hà Nội ngày nay. Thiền sư viên tịch vào lúc 56 tuổi tại nơi tu hành, để lại sự kính nể lớn đối với chư tăng Phật giáo.

Vào cuối đời Lý có ông Phan Lân ở Thái Bình đã có công giúp đỡ Hoàng tử Lý Sảm (tức Vua Lý Huệ Tông sau này) khi Hoàng tử chạy khỏi kinh thành Thăng Long để lánh nạn Quách Bốc. Sau đó, ông cùng anh em họ Trần giúp Vua Lý đánh dẹp các thế lực chống đối và đưa Hoàng tử Sảm lên ngôi vua. Nhờ công lao phò tá, Phan Lân được phong là Thượng tướng quân, chỉ huy một đạo quân triều đình.

Ở làng Kẻ Mía, tổng Cam Giá, trấn Sơn Tây (nay thuộc xã Đường Lâm, Thị xã Sơn Tây, Hà Nội) có ông Phan Cụ một lòng tận trung với nhà Lý, chống lại họ Trần đang khuynh đảo triều chính. Năm 1220, ông tình nguyện đem quân đi dẹp loạn Hà Cao ở Tuyên Quang, chẳng may tử trận, Vua Lý Huệ Tông rất thương tiếc, truy tặng ông tước Minh Tín Vương.

Ðến thời nhà Trần, họ Phan có ông Phan Hách ở làng Thu Hoạch, này là xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh là người hay chữ, được Vua Trần tín nhiệm giao cho trọng trách dạy học cho các Hoàng tử của nhà vua. Cuối triều Trần có ông Phan Nghĩa làm Lang trung bộ Lễ đời Vua Trần Nghệ Tông, ông đã soạn tập Bảo Hòa di bút gồm 08 quyển để dạy lễ nghĩa, kiến thức trị quốc cho Vua Trần Phế Ðế (tư liệu này sau bị nhà Minh lấy mất). Ông Phan Hách được Vua Trần ban cho chức danh Vương phó sư Trần triều và trở thành Thủy tổ của chi họ Phan Tùng Mai ở Hà Tĩnh. Dòng họ Phan Tùng Mai cũng nối đời khoa bảng khi có bảy vị được khắc tên trên bia đá ở Văn miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) và Văn Miếu Huế qua các triều đại; thời hiện đại có 22 vị Giáo sư, Tiến sĩ nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước. Ngày nay, tại nhà thờ họ Phan Tùng Mai có ban thờ cụ Thủy tổ Phan Hách của chi họ.

Năm 1427, sau 10 năm khởi nghĩa chống giặc Minh từ đất Lam Sơn, vị chủ tướng Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, tức Vua Lê Thái Tổ, kiến lập triều Hậu Lê, mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử Việt Nam. Những vị khai quốc công thần đã kề vai sát cánh cùng Vua Lê Thái Tổ trong những năm tháng chiến đấu gian khổ đều được ban thưởng phong tước. Trong số đó có Tướng quân Phan Vân là người có công trong chiến dịch tiến công Nghệ An, vây hãm thành Trà Lân, hạ thành Diễn Châu, tạo tiền đề cho nghĩa quân tiến công ra Bắc giải phóng hoàn toàn đất nước. Đến khi định công, Vua Lê phong cho Phan Vân tước Bái Dương Hầu.

Trong triều đình nhà Lê lúc bấy giờ còn có một danh thần nổi tiếng là Phan Phu Tiên. Ông sinh ra ở làng Đông Ngạc, nay thuộc quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Phan Phu Tiên vốn thi đỗ Tiến sĩ cuối thời Trần, đến khi Vua Lê Thái Tổ lập quốc tiếp tục tổ chức khoa thi tuyển chọn nhân tài, ông đi thi một lần nữa và đứng thứ ba trong số những người đỗ đạt. Phan Phu Tiên đã góp công lao khôi phục phần nào văn hóa Lý - Trần đã bị giặc Minh cướp phá, đốt hủy trong những năm tháng Đại Việt bị nhà Minh đô hộ. Theo nhà sử học đời Lê Trung hưng là Lê Quý Đôn thì Phan Phu Tiên đã cùng với một số danh sĩ nhà Lê sơ cất công sưu tầm các sách vở thời Lý - Trần may mắn thoát khỏi bàn tay phá hoại của giặc Minh, thu thập, nhặt nhạnh từng tờ giấy, thư tịch, tư liệu quý giá của triều đại trước lưu lạc thất tán trong dân gian, giúp thần dân Đại Việt có cơ hội tìm hiểu về di sản văn hoá của giai đoạn Lý - Trần rực rỡ. Ngoài ra, ông còn là tác giả biên soạn bộ sử Đại Việt sử ký tục biên, là bộ chính sử tiếp nối cuốn Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu đời Trần, chép từ đời Vua Trần Thái Tông cho đến khi quân Minh rút về nước, tiếc rằng bộ sử ấy đã thất lạc. Ông cũng là người biên soạn Việt âm thi tập - tập thơ được mệnh danh là “Bộ hợp tuyển thơ văn đầu tiên của nước Việt”.

Kể từ thời Hậu Lê, quá trình mở rộng lãnh thổ về phương Nam của Đại Việt được đẩy mạnh, người họ Phan cũng theo đó đã mở rộng địa bàn sinh sống của mình. Bắt đầu từ thời kỳ này, một số dòng họ từ Nghệ An vào khai phá vùng Tân Bình, Thuận Hóa. Họ Phan cũng theo vào đất đó từ năm 1428, trong đó có ông Phan Chí Cực từ Nho Lâm, Lạc Mai, Diễn Châu là người khai phá lập dòng họ Phan ở Diên Sanh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị; hoặc các ông Phan Bao, Phan Ngư, Phan Nội năm 1438 đã từ Hà Tĩnh cùng vào khai phá ở Thừa Thiên. Năm 1558, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào miền Nam lập nghiệp, đã tuyển mộ nhiều người từ Thanh - Nghệ - Tĩnh vào, trong đó có nhiều người họ Phan. Trải qua mấy trăm năm, các đời Chúa Nguyễn đều khuyến khích dân chúng khai hoang lập ấp, lãnh thổ nước Việt đã chạm đến vùng Nam Bộ. Ở đó đã hình thành nên những thôn xóm mới của người họ Phan và xuất hiện những chi họ mới như dòng họ của tổ tiên người anh hùng Phan Công Hớn ở Bà Điểm, huyện Hóc Môn, Gia Định hay họ Phan Đức ở Định Phước, Thủ Dầu Một…

Đến thời nhà Nguyễn, người họ Phan di cư vào Nam Bộ khá đông và đã có mặt ở hầu hết sáu tỉnh Nam Kỳ. Trong đó, có nhiều chi phái làm ăn thịnh vượng, có chi đông đến 200 - 300 người và cũng đã sản sinh nhiều nhà yêu nước, khoa bảng có tên tuổi, nhất là vào thời Pháp xâm lược Nam Bộ, như Phan Thanh Giản (1796-1867) thi đỗ Tiến sĩ và sinh được hai con Phan Tôn, Phan Liêm đều là những anh hùng chống Pháp; hay những người anh hùng Phan Công Tông (1818 - 1867), Phan Văn Trị (1830 - 1910), Phan Văn Ðạt (1828 - 1861), Phan Văn Hớn (1830 - 1886), Phan Xích Long (1893 - 1916), Phan Ngọc Hiển (1910 - 1941)...

Bước sang thời kỳ hiện đại, họ Phan đã đồng hành cùng nhân dân cả nước, chung lưng đấu cật, chia ngọt sẻ bùi để cùng người dân cả nước vượt qua những nghịch cảnh, làm nên thắng lợi của hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại là kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ. Họ Phan là một trong những dòng họ có nhiều tấm gương Anh hùng, Liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng như Liệt sĩ Phan Đình Giót - người đã dùng thân mình lấp lỗ châu mai trong trận mở đầu chiến dịch Điện Biên Phủ 1954; Liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Phan Thị Ràng - người là nguyên mẫu của nhân vật “Chị Sứ” trong tác phẩm Hòn Đất của nhà văn Anh Đức, nổi bật với phẩm chất anh hùng, bất khuất, trung dũng, đảm đang… Hơn 100 Anh hùng, Liệt sĩ họ Phan đã được Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Hơn 400 bà mẹ họ Phan đã được phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh Hùng. Hàng chục ngàn Liệt sĩ, thương bệnh binh họ Phan đã góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Năm 1986, đất nước bước vào công cuộc “Đổi mới”. Từ đó, con cháu họ Phan trên mọi miền đất nước không ngừng lao động sáng tạo, đóng góp to lớn vào công cuộc dựng xây, kiến tạo quê hương. Và nhằm nâng cao tinh thần đoàn kết bền chặt trong nội bộ con cháu họ Phan, củng cố uy tín, vị thế của Phan tộc Việt Nam, ngày 20 tháng 03 năm 2005, tại Thủ đô Hà Nội, Hội đồng họ Phan Việt Nam chính thức được thành lập, do Giáo sư Phan Hữu Dật làm Hội trưởng đầu tiên. Kể từ khi được thành lập, Hội đồng đã giúp đỡ Hội đồng họ Phan ở các tỉnh, thành phố xây dựng và phát triển đến các cấp huyện xã, gắn kết con cháu để cùng làm ăn kinh tế, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn và phát huy truyền thống anh hùng của dòng họ. Hội đồng họ Phan Việt Nam đã lấy đền thờ Thủy tổ Phan Tây Nhạc là trung tâm hội tụ tâm linh của con cháu họ Phan cả nước.

Xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc, họ Phan có đóng góp lớn trong công cuộc gìn giữ độc lập, cống hiến trên mọi lĩnh vực. Sự lớn mạnh của họ Phan ngày hôm nay đã khẳng định sức sống trường tồn của dòng họ. Các thế hệ con cháu họ Phan ngày nay vẫn luôn tự hào, biết ơn tổ tiên và luôn giữ vững niềm tin vào sức vóc, trí tuệ để tiếp tục lập nên những công trạng mới, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của dòng họ Phan, một dòng họ khoa bảng, văn hiến nổi danh trong lịch sử nước Nam.

Tổng quan về dòng họ Phan Việt Nam

60 Lượt xem
other
Tặng đá Báo cáo
Chia sẻ

Ý kiến (0)