DJC

Đã đánh giá tài liệu

Cảm ơn bạn đã phản hồi

Giới thiệu Đào Tộc Việt Nam

Tài liệu miễn phí

GIỚI THIỆU ĐÀO TỘC VIỆT NAM

“Ngàn năm văn hiến đã qua

Họ Đào sáng mãi sử ca tuyệt vời

Con cháu vinh hiển ngàn đời

Tinh thông văn võ đất trời nước Nam”

Đây là những câu thơ của nhà thơ Đào Tiến viết về dòng họ của mình với một niềm tự hào lớn lao và đó cũng như một lời đúc kết thành tích của một trong những dòng họ có truyền thống vẻ vang nhất của nước Việt. Đó là dòng họ Đào.

Từ hàng ngàn năm qua, họ Đào Việt Nam đã hiện diện trên lãnh thổ Việt Nam và đồng hành với dân tộc trong mọi thăng trầm của lịch sử, đóng góp cho sự phát triển văn hóa - xã hội của đất nước. Khởi nguồn từ những vùng đất trù phú ở Bắc Bộ, họ Đào đã lưu giữ và phát triển những giá trị truyền thống tốt đẹp, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Theo sử sách, họ Đào Việt Nam là một dòng họ xuất hiện sớm trong lịch sử Việt Nam. Những người họ Đào đầu tiên được sử sách nêu danh như Đào Nồi, Đào Đống, Đào Vực đều là những người có công giúp Hùng Vương đánh thắng giặc Ân, xả thân vì nước ngay từ thời kỳ đầu lập quốc. Theo dòng lịch sử, họ Đào đã sản sinh ra hàng trăm danh nhân, tướng sĩ có công lao với nước được ghi vào sử sách và rất nhiều người được nhân dân tôn thờ là Thành hoàng trong các làng quê Việt Nam. Chỉ tính riêng ở Hà Nội đã có đến 16 di tích đền thờ, lăng mộ danh nhân họ Đào có công lao, được nhân dân suy tôn là Thành hoàng để hộ quốc an dân.

Mặc dù không phải là dòng họ quá phổ biến ở Việt Nam, chỉ chiếm tỷ lệ dân số khiêm tốn nhưng  họ Đào là một dòng họ có rất nhiều nhân tài, sử sách đã ghi nhận nhiều danh thần, võ tướng mang họ Đào đã trở thành biểu tượng của sự kiên trung, tài ba, một lòng vì nước vì dân. Ở thế kỷ đầu Công nguyên có danh tướng Đào Tam Lang theo Hai Bà Trưng khởi nghĩa; chiến thắng Bạch Đằng năm 938 có dấu ấn không nhỏ của tướng quân Đào Nhuận - người chỉ huy việc đóng cọc nhọn và dẫn đầu quân tiên phong của Ngô Vương nhử giặc Nam Hán vào trận địa cọc ngầm; thời nhà Lý có đại thần Đào Cam Mộc, vị quan khai quốc của Vương triều Lý, có công phò tá Vua Lý Thái Tổ lên ngôi Thiên tử… Đến thời hiện đại có Đào Duy Tùng, Đào Phúc Lộc, Đào Nguyễn Quyết, Đào Đình Luyện… là tướng lĩnh, anh hùng đảm trách nhiều vị trí quan trọng của bộ máy lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

Ngoài ra, dòng họ Đào còn tự hào về truyền thống hiếu học trứ danh của mình. Kể từ khi nền khoa cử phong kiến nước nhà được hình thành vào năm 1075 cho đến khi kết thúc vào năm 1919, trải qua 187 khoa thi Tiến sĩ, họ Đào đã có tới 47 vị đỗ đại khoa, trong đó, nổi bật nhất là hai vị Trạng nguyên Đào Tiêu và Đào Sư Tích. Tiếp nối truyền thống vẻ vang ấy, bước sang thế kỷ XX, đã có rất nhiều vị Tiến sĩ, Giáo sư, Nhà khoa học của họ Đào có những đóng góp to lớn cho sự phát triển về giáo dục, văn hóa, khoa học nước nhà trong thời kỳ đất nước đang vươn mình để sánh vai với bạn bè năm châu. Đó là Nhà sử học, địa lý, từ điển học Đào Duy Anh, một cây bút xuất sắc, người mở đầu cho nhiều ngành khoa học xã hội Việt Nam; hay Giáo sư - Nhà giáo Nhân dân Đào Văn Tiến, người có nhiều công trình trong lĩnh vực Động vật học, được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ, cùng vô số tên tuổi lỗi lạc khác.

Có một điều rất đặc biệt về họ Đào là dòng họ này rất có duyên với nghệ thuật. Từ thời xa xưa đã xuất hiện rất nhiều nhân vật họ Đào có những công lao to lớn cho sự phát triển của nền văn hóa, nghệ thuật nước nhà như Đào Duy Từ, Đào Tấn... Vì thế mà có thể nói rằng, họ Đào chính là cái nôi của nhiều hình thức nghệ thuật dân gian, bên cạnh đó là những câu chuyện về lòng yêu nước của những nghệ nhân họ Đào được lưu truyền rộng rãi.

Chuyện xưa kể rằng, khi giặc Minh sang đô hộ nước ta, ở làng Đào Đặng, thuộc huyện Tiên Lữ, Hưng Yên có một ca nương họ Đào vẫn thường hay đến doanh trại quân Minh để ca hát, mua vui cho bọn chúng. Lâu dần, quân giặc đã tin tưởng và không đề phòng gì cô cả. Sau mỗi tối chè chén say khướt, chúng thường chui vào các túi ngủ để tránh muỗi và nhờ cô Đào buộc đầu túi lại. Nhân cơ hội đó, nàng đã nghĩ ra kế diệt giặc. Nàng bí mật hẹn trai tráng trong vùng, cứ hằng đêm khi nàng buộc chặt túi ngủ của lũ giặc thì các tráng sĩ đến khênh chúng đem đi quăng xuống sông. Cứ thế, quân số của giặc ngày càng hao hụt mà không có lý do, khiến chúng tưởng rằng đã mạo phạm phải thần linh, sợ hãi mà bỏ đi. Từ đó, dân làng Đào Đặng được trở về làm ăn sinh sống yên bình. Ngày nay vẫn còn Đền Mẫu hay đền Đào Nương để tưởng nhớ đến người con gái họ Đào năm xưa và đền đã trở thành một trong 17 di tích lịch sử văn hóa quốc gia của huyện Tiên Lữ.

Đến thế kỷ XVI, nước Việt xuất hiện một nhân vật tên là Đào Duy Từ. Ông vốn là con của một hát xướng tên là Đào Tá Hán. Đào Duy Từ nổi tiếng là người học rộng tài cao, hiểu biết thời cuộc. Ông là quân sư cho Chúa Nguyễn Phúc Nguyên, giúp họ Nguyễn ở Đàng Trong gây dựng lực lượng để đối đầu với họ Trịnh, xây dựng nên công trình “Lũy Thầy” nổi tiếng và được người đời ca ngợi là chiến lược gia đại tài không thua kém gì Gia Cát Lượng bên Trung Quốc. Ông cũng được suy tôn là ông tổ của nghề hát tuồng Việt Nam. Sau này, hậu duệ của ông là Đào Tấn đã có công phát triển nghệ thuật “Tuồng” lên đến đỉnh cao. Đào Tấn đã để lại hơn 1000 bài thơ, từ, 40 vở tuồng kinh điển, trong đó có tập sách lý luận sân khấu mang tên Hý trường tùy bút, cùng nhiều tác phẩm nghệ thuật khác. Trong các tác phẩm tuồng cổ ấy, có một vở vô cùng nổi tiếng, kể về một nhân vật hư cấu họ Đào là Nữ tướng Đào Tam Xuân, được rất nhiều người yêu thích.

Ngày nay, người họ Đào sinh sống trên khắp lãnh thổ đất nước Việt Nam, tiếp tục đóng góp công sức cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Những truyền thống tốt đẹp của dòng họ cũng tiếp tục được người họ Đào gìn giữ và phát huy. Đó là tinh thần đấu tranh bất khuất để bảo vệ quê hương, đất nước; thanh lịch, ôn hòa, tình cảm trong quan hệ gia đình, thân tộc, xã hội; hướng về tổ tiên, cội nguồn, hiếu thảo với ông bà cha mẹ, gìn giữ nếp sống gia giáo, tự phấn đấu vươn lên… Với những giá trị cốt lõi và tinh thần phấn đấu không ngừng, họ Đào sẽ tiếp tục là một trong những dòng họ có ảnh hưởng và đóng góp quan trọng trong lịch sử và xã hội Việt Nam.

LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN CỦA DÒNG HỌ ĐÀO VIỆT NAM

Khởi nguyên của dòng họ

Họ Đào có một quá trình hình thành và phát triển gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của người Việt. Đến nay, tuy vẫn chưa thể xác định được ai là Thủy tổ của dòng họ nhưng có một điều chắc chắn là họ Đào có mặt ở nước ta từ rất sớm và là một dòng họ thuần Việt. Theo các thần tích, thần phả cùng các di tích lịch sử cho thấy họ Đào xuất hiện từ thời Hùng Vương dựng nước Văn Lang. Đây cũng là thời điểm người Việt cổ bắt đầu sử dụng họ và các dòng họ bắt đầu hiện hữu ở nước ta. Dưới thời Hùng Vương, nhân dân Lạc Việt không chỉ cùng nhau cày cấy, lao động sản xuất, đắp đê trị thủy mà còn đoàn kết để chống giặc ngoại xâm, tiêu biểu là cuộc kháng chiến chống giặc Ân (tức nhà Thương ở Trung Quốc) dưới thời Hùng Vương thứ sáu. Nhiều tài liệu cổ ghi chép lại đã nhắc đến tên của những người họ Đào với những tên gọi rất Việt Nam như Đào Nồi, Đào Đống, Đào Vực… Đây là những người họ Đào đầu tiên xuất hiện trong lịch sử và góp công vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc ngay từ buổi ban sơ.

Nước Văn Lang được hình thành cũng là lúc chế độ công xã thị tộc tan rã, làng xã đã được tổ chức và trở thành đơn vị cư trú, hành chính quan trọng của người Việt cổ. Một làng gồm có nhiều gia đình sinh sống trong một cương vực nhất định. Trong các làng của người Việt, quan hệ huyết thống vẫn được bảo tồn và củng cố, tạo thành kết cấu vừa làng vừa họ, trở thành nét đặc trưng của làng xã Việt Nam. Vì có mối quan hệ họ hàng với nhau trong cùng một địa bàn cư trú nên cư dân Việt cổ thường lấy họ của mình đặt tên cho làng và thêm chữ “Xá” ở sau với ý nghĩa rằng đây là ngôi làng của những người mang họ này. Bằng chứng là trong cuốn sách Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX của Viện nghiên cứu Hán Nôm, nghiên cứu lịch sử tên gọi của các làng xã thuộc các tỉnh từ Nghệ - Tĩnh trở ra, đã liệt kê rất nhiều ngôi làng có tên như Nguyễn Xá, Hoàng Xá, Đặng Xá, Lê Xá, chứng tỏ thói quen đặt tên làng theo họ của người Việt cổ. Trong đó, người họ Đào cũng sớm xuất hiện và có một địa bàn cư trú khá rộng khi có đến 12 ngôi làng có tên là Đào Xá, ngoài ra còn có các ngôi làng như Đào Đặng, Đào Tân, Đào Trường, Đào Lâm, Đào Viên… đều có liên quan đến họ Đào. Đó còn chưa kể đến một số làng như làng Thổ Khối ở Gia Lâm, làng Tú Đôi ở Kiến Thụy, Hải Phòng, làng Cổ Am huyện Vĩnh Bảo xưa thuộc Hải Dương nay là Hải Phòng, đều do họ Đào có công sáng lập hoặc người họ Đào cũng chiếm đa số cư dân trong làng.

Phát tích của dòng họ Đào được xác định là tỉnh Nam Định, thuộc vùng châu thổ đồng bằng Bắc Bộ, ngoài ra còn có một ngôi làng có tên là Đào Xá ở huyện Tam Thanh (nay là huyện Tam Nông và Thanh Thủy) của tỉnh Phú Thọ đã tìm thấy di chỉ trống đồng Đông Sơn và một ngôi đình cổ cho thấy có dấu vết người họ Đào đã từng sinh sống ở đây. Đó vốn là những địa bàn sinh tụ chủ yếu của cư dân Lạc Việt cổ, sau đó là nước Âu Lạc. 

Đến thời kỳ Bắc thuộc, người họ Đào đã tỏa đi định cư ở nhiều địa phương, là những nơi đặt trụ sở của chính quyền đô hộ như Giao Châu, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam. Những vùng đất ấy nay là các tỉnh Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Sơn Tây, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Có thể thấy rằng, từ khi hình thành, họ Đào đã nhanh chóng phát triển địa bàn cư trú của mình ra khắp các tỉnh thành ở nước ta thời bấy giờ.

Chính vì định cư ở nhiều nơi như thế nên người họ Đào sớm có ý thức về lãnh thổ, đoàn kết với cộng đồng các dòng họ khác để bảo vệ vùng đất sinh sống của mình. Ngay từ những năm đầu Công nguyên, khi nhà Hán đô hộ nước ta, người họ Đào đã có ý chí phản kháng đánh đuổi quân xâm lược. Trong lực lượng của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng có rất nhiều tướng lĩnh, binh sĩ mang họ Đào. Đó là năm anh em họ Đào là Đào Công Dung, Đào Công Tùng, Đào Công Mai, Đào Công Cúc, Đào Công Chúc theo Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa ở Mê Linh, sau này được tôn thờ làm Thành hoàng làng tại nghè Đồn, xã Nam Hồng, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương; hay Đào Tam Lang, tên thật là Đào Kỳ, quê ở Cửu Chân (Thanh Hóa), con của một Lạc hầu yêu nước, vì căm ghét sự hà khắc của nhà Hán nên ông đã dẫn theo hơn 100 người nhà đến gia nhập nghĩa quân Hai Bà Trưng, được cử trông nom dải đất Đông Ngàn - Bắc Đuống.

Cuộc chiến đấu của nhân dân ta chống lại ách đô hộ của phong kiến phương Bắc kéo dài ngót 1.000 năm và kết thúc bởi chiến thắng trên dòng Bạch Đằng năm 938, mở ra một thời kỳ độc lập tự chủ cho dân tộc Việt Nam. Chiến thắng lịch sử đó có sự đóng góp to lớn của những nhân tài, anh kiệt, trong đó danh tướng Đào Nhuận đã được lịch sử ghi chép và ca ngợi công lao. Cụ Đào Nhuận là người làng Gia Viên (nay thuộc thành phố Hải Phòng), từ nhỏ đã tinh thông võ nghệ và rất am hiểu sông nước trong vùng. Khi Ngô Quyền bàn kế chống giặc và quyết định chọn sông Bạch Đằng làm nơi quyết chiến với quân Nam Hán, nhà vua đã tin tưởng giao cho Đào Nhuận nhiệm vụ cắm cọc dưới lòng sông. Đến khi thuyền của quân Nam Hán vừa đến nơi, đội binh thuyền cảm tử do Đào Nhuận dẫn đầu đã lao đến khiêu chiến, nhử địch vượt qua bãi cọc, dấn thân vào cạm bẫy mai phục của quân ta. Và rồi, khi thủy triều rút cũng là lúc quân Nam Hán phải bỏ mạng trên dòng sông này. Tưởng nhớ đến công lao của ông, nhân dân Hải Phòng đã suy tôn ông là “Đức Thánh” và lập đền thờ phụng.

Thời đại vàng son của dòng họ

Sau khi thoát khỏi ách nô lệ của ngoại bang, nước Việt bước thời kỳ phong kiến độc lập với gần 600 năm phát triển, trải qua các triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ, Hậu Lê. Đây cũng là thời kỳ đánh dấu bước vươn mình mạnh mẽ của dòng họ Đào khi đã sản sinh ra những danh nhân kiệt xuất. Vị thế và uy tín của họ Đào cũng từ đó được nâng lên một tầm cao mới. Trong thời kỳ vàng son ấy, họ Đào đã trở thành dòng họ có nhiều đóng góp quan trọng cho giang sơn xã tắc Đại Việt và đưa đất nước bước vào thời kỳ phát triển cường thịnh bậc nhất trong lịch sử.

Một trong những sự kiện nổi bật nhất trong lịch sử Việt Nam vào thế kỷ X đó là “Loạn 12 sứ quân”. Cuộc biến loạn quân sự này thực sự là một mối nguy hiểm tiềm tàng với đất nước khi khối đoàn kết dân tộc bị chia rẽ, nếu không chấm dứt thì nguy cơ về một cuộc xâm lược sẽ nổ ra khi đất nước mới giành độc lập chưa lâu. Sứ mệnh thống nhất đất nước đã được đặt lên vai người anh hùng cờ lau Đinh Bộ Lĩnh và chỉ trong vòng chưa đầy hai năm, ông đã thu giang sơn về một mối, rồi lên ngai vàng lập ra nhà Đinh. Trong đại nghiệp thống nhất giang sơn kỳ vĩ đó, Vua Đinh Tiên Hoàng có sự góp công không nhỏ của những danh tướng họ Đào. Ở Ái Châu có danh tướng Đào Liên Hoa vì hâm mộ tài năng của Vua Đinh Tiên Hoàng nên đã đem quân giúp sức. Ông được phong làm Tây Vị Đại Vương và có nhiều đóng góp trong việc gây dựng, lập ra làng Sủi ở Gia Lâm, Hà Nội, nên được dân ở đây tôn vinh là Thành hoàng làng. Ở Hải Dương có ông Đào Ngọc Sâm dẫn theo 2.000 tinh binh, trai tráng đi giúp nhà vua. Ngoài ra còn có Đào Công Thắng ở Thường Tín (Hà Nội), Đào Lang ở Yên Định (Thanh Hóa), Đào Đình Quế ở Bình Giang (Hải Dương)...

Đến khi Vua Đinh Tiên Hoàng băng hà, ngôi báu được truyền lại cho Thập đạo tướng quân Lê Hoàn, người được ba quân tướng sĩ và quần thần cùng nhau hô vang hai chữ “Vạn tuế” để lãnh đạo nhân dân chống giặc Tống. Những người họ Đào năm xưa giúp Vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn nay lại tiếp tục cầm vũ khi đứng lên, phò tá triều đại mới, xả thân vì nước trong cuộc chiến chống lại đạo quân xâm lược từ phía Bắc tràn sang. Trong trận chiến này, một lần nữa, sông Bạch Đằng được lựa chọn là nơi mồ chôn quân thù. Trong trận thủy chiến kinh thiên động địa năm 981, rất nhiều tướng lĩnh mang dòng máu họ Đào đã hăng hái đánh giặc, lập nhiều công trạng. Trong đó, Thượng tướng quân Đào Trực là người dẫn quân tiên phong Đại Cồ Việt lao vào trận địa giáp chiến với quân Tống. Đặc biệt, tướng Đào Công Mỹ người làng Dịch Sứ (Bắc Ninh) là người có công giết tướng giặc Hầu Nhân Bảo khiến quân Tống như rắn mất đầu, rồi thất bại hoàn toàn.

Đâu chỉ lập công trên chiến trường, người họ Đào còn đóng vai trò rất quan trọng trong nền chính trị Đại Cồ Việt ở đầu thế kỷ X, thậm chí còn là dòng họ có tác động không nhỏ đến ngai vàng của nước Việt. Đó là khi nhà Tiền Lê mất, ngôi báu rơi vào tay họ Lý. Sự kiện Lý Công Uẩn lên ngôi năm 1009 là một cuộc đổi ngôi không đổ máu, người người quy phục và việc nhà Lý lên ngôi êm đẹp như thế có công lao rất lớn của một người họ Đào, đó là Đào Cam Mộc.

Khi vị vua cuối cùng của nhà Tiền Lê là Vua Lê Long Đĩnh băng hà, ngai vàng của đất nước đang vô chủ bởi con của Vua Lê Long Đĩnh còn quá bé và người người cũng không còn quy phục họ Lê nữa. Đứng trước bối cảnh đó, Đào Cam Mộc - một người có uy tín trong triều đình Tiền Lê bấy giờ đã chủ trương đưa Lý Công Uẩn, một người trung hậu, khoan dung, nhân từ lên ngôi Hoàng đế. Ông đã vận động, thuyết phục các đại thần và được mọi người đồng ý. Và rồi, tháng 11 năm 1009, Lý Công Uẩn lên ngôi, hiệu là Vua Lý Thái Tổ, Vương triều Lý được thành lập. Với công lao phò tá, Đào Cam Mộc được nhà vua phong làm Nghĩa Tín hầu và gả Công chúa An Quốc cho ông. Trong những năm đầu nhà Lý xây dựng vương triều, Đào Cam Mộc đã có nhiều công lao xây dựng triều chính, nhất là việc dự thảo “Chiếu dời đô” giúp Vua Lý Thái Tổ. Vốn xuất thân từ võ quan nhưng Đào Cam Mộc cũng rất tinh thông kinh sử, thiên văn, địa lý, am hiểu vận trời đất nên các quan trong triều kính nể và nhân dân tôn vinh ngài là “Đào Trạng Văn Quan”. Đào Cam Mộc tạ thế đêm 15 tháng Giêng năm 1015 tại Từ Sơn, Bắc Ninh (nay là Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội). Để ghi tạc công lao người khai quốc triều Lý, Vua Lý Thái Tổ đã truy phong cho ông chức vị cao nhất là Á Vương, trên tư dinh cho xây đền thờ Thái sư Á Vương Đào Cam Mộc và ban tặng câu đối:

“Lý triều định đô vương tứ phúc

Đào trạng văn quan Quốc ân thân”

Cụ Đào Cam Mộc được hậu duệ họ Đào suy tôn là ông tổ mở ra cơ nghiệp của dòng họ và ngày nay có rất nhiều tuyến đường được mang tên của cụ.

Đến thời nhà Trần (1225 - 1400), họ Đào càng phát triển rực rỡ, nhất là về đường khoa cử, khi hai lần họ Đào được xướng tên trên bảng vàng khoa cử với danh hiệu cao nhất, đó là Trạng nguyên Đào Tiêu và Trạng nguyên Đào Sư Tích.

Trạng nguyên Đào Tiêu quê ở Đức Thọ, Hà Tĩnh, đỗ Trạng năm 1275 đời Vua Trần Thánh Tông. Ông là người “khai khoa” (người đầu tiên đỗ đạt) của vùng đất Đức Thọ, Hà Tĩnh. Đào Tiêu là vị quan có công lao trong việc xây dựng nền nội chính của vương triều Trần nửa sau thế kỷ XIII, tham gia vào hai cuộc kháng chiến chống giặc Mông - Nguyên của dân tộc vào các năm 1285 và 1288. Ông có nhiều công đức với nhân dân và khi mất được truy phong là Phúc thần.

Trạng nguyên Đào Sư Tích là người làng Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định, đỗ Trạng năm 1374 đời Vua Trần Duệ Tông. Ông là người văn thơ uyên bác có tiếng trong triều đình và dân gian. Đào Sư Tích để lại cho đời nhiều tác phẩm, trong đó có tập thơ Quần hiền phú tập còn lưu lại bài phú Cảnh tỉnh (Bài phú Sao Cảnh) của ông. Đây là một trong những bài phú nổi tiếng đương thời.

Ngoài hai vị Trạng nguyên thì thời kỳ này họ Đào còn có Đào Tử Kỳ, Đào Thế Quang là những danh thần lỗi lạc, những người có tài ngoại giao khôn khéo đã thuyết phục Vua Nguyên không tiếp tục tiến hành chiến tranh nữa, giữ mối quan hệ hòa hiếu, giúp Đại Việt thoát khỏi cảnh binh đao sau ba lần kháng chiến.

Nhà Trần trị vì đất nước đến năm 1400 thì mất vào tay nhà Hồ. Ở bên Trung Quốc, nhà Minh lấy cớ “Phù Trần diệt Hồ” đã đem quân xâm lược nước ta. Cuộc kháng chiến của nhà Hồ thất bại, nước ta rơi vào ách đô hộ của nhà Minh. Để cứu nhân dân thoát khỏi cảnh nô lệ, đòi lại độc lập cho dân tộc, Lê Lợi đã phất cao ngọn cờ khởi nghĩa Lam Sơn và sau 10 năm đằng đẵng chiến đấu gian khổ, cuộc khởi nghĩa đã giành thắng lợi. Nước ta giành được độc lập và nhà Hậu Lê được hình thành. Trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và thời kỳ đầu của nhà Hậu Lê có sự góp sức không nhỏ của danh thần Đào Công Soạn.

Đào Công Soạn là người làng Thiện Phiến, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Nghe tin Bình Định Vương Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa, ông đã gác lại sự nghiệp nghiên bút để theo chân nghĩa quân khởi nghĩa. Đến năm 1426, khi cuộc khởi nghĩa đã đến giai đoạn cuối cùng, sắp sửa thành công, Lê Lợi tiến quân ra Bắc, đóng quân ở dinh Bồ Đề, tổ chức một khoa thi văn học, đầu đề bài thi là “Bảng văn dụ thành Đông Quan”. Khoa thi ấy lấy đỗ 50 người, Đào Công Soạn là người đỗ đầu. Sau đó, ông được bổ làm Hoàng môn thị lang, Tham tri chính sự, được đi sứ Minh, về nước thăng làm Thượng thư bộ Hộ. Đào Công Soạn là người có công rất lớn trong việc bang giao của Lê triều, soạn thảo luật lệ cho nhà nước. Sau này, các con cháu của ông là Đào Dung, Đào Nghiêm, Đào Phạm cũng đều là những bậc nhân tài.

Sau thời Đào Công Soạn, họ Đào còn có nhiều danh nhân phục vụ trong triều đình Hậu Lê, nhiều người là tấm gương tiết nghĩa, trung hậu được người đời sau tưởng nhớ.

Thời Vua Lê Nhân Tông có Đào Biểu làm chức Hoàng môn chi hậu, hầu hạ trong cung vua. Khi Lạng Sơn Vương Lê Nghi Dân lập mưu cướp ngôi, đang đêm bắc thang trèo vào cung cấm ám sát Vua Lê Nhân Tông, Đào Biểu biết tin muốn cứu vua, bèn giả làm Vua Lê Nhân tông, nằm trên long sàng, trùm áo của vua. Lê Nghi Dân biết được, bắt giết ông cùng với Vua Lê Nhân Tông. Sau này, khi Vua Lê Thánh Tông dẹp xong loạn Lê Nghi Dân, nhớ đến tấm gương Đào Biểu đã biểu dương gương tiết nghĩa của ông trước thiên hạ.

Đời Vua Lê Thánh Tông có ông Đào Cử, người hai lần đi thi đều đỗ Tiến sĩ, làm quan đến chức Thượng thư bộ Hộ. Đào Cử là người văn võ song toàn, ông từng theo hộ giá Vua Lê Thánh Tông trong cuộc chinh phạt Chiêm Thành và Lão Qua. Ông cũng là một trong “Tao Đàn thập nhị bát tú” trứ danh thời Vua Lê Thánh Tông và để lại nhiều tập thơ nổi tiếng.

Không chỉ lập công danh sự nghiệp, họ Đào cũng dần mở rộng địa bàn cư trú của mình theo sự mở rộng lãnh thổ của đất nước. Từ thế kỷ X đến thế kỷ XV là khoảng thời gian các triều đại phong kiến tiến hành công cuộc Nam tiến. Lịch sử còn ghi lại, năm 997, Vua Lê Đại Hành đã chinh phục Chiêm Thành; từ năm 1069 và năm 1075, Vua Lý Thánh Tông đã thu phục được ba châu Đại Lý, Ma Linh và Bố Chính (tức vùng đất Quảng Bình, Quản Trị ngày nay) bằng các cuộc chiến tranh với Chiêm Thành. Đến thời Trần, Vua Trần Anh Tông đã gả Công chúa Huyền Trân cho Vua Chiêm là Chế Mân; sính lễ của Vua Chiêm là đất các vùng Châu Thuận, Châu Hóa (tức Nam Quảng Trị, Huế và Bắc Quảng Nam ngày nay). Năm 1402, Hồ Quý Ly lấy được hai vùng đất Chiêm Đông (Thăng Bình) và Cổ Lũy (Quảng Ngãi), đặt quan cai trị và cho dân nghèo các lộ khác vào khai khẩn. Đến năm 1470, Vua Lê Thánh Tông thân chinh dẫn đại quân đánh chiếm kinh đô Đồ Bàn, bắt Vua Chiêm là Trà Toàn; các vùng đất chiếm được, vua lập ra đạo thứ 13 (bên cạnh 12 đạo của Đại Việt). Sau mỗi cuộc chinh phạt, các vua chúa Đại Việt đều di dân đến để khai canh, lập điền thổ. Người họ Đào cũng theo các luồng di dân đó đến khai phá vùng đất mới. Sử cũ có chép việc Khang Lộc Hầu Đào Văn Ẩn được Vua Lê Thánh Tông cử làm Khâm Sai trấn Quảng Nam Dinh như một phần thưởng cho công lao chinh chiến cùng nhà vua. Ông trở thành một trong bảy vị tiên hiền sáng lập ra làng Nông Sơn (nay là huyện Nông Sơn, Quảng Nam), hiện còn bãi đá ghi chép công đức của ông. Họ Đào dần mở rộng đến Nam Trung Bộ và định cư lâu đời ở đó, đến ngày nay vẫn còn nhiều chi họ như họ Đào Ngọc ở Thanh Khê, Thành phố Đà Nẵng với bốn phái 15 chi; hay họ Đào ở Duy Trinh, tỉnh Quảng Nam cũng là những nhánh lớn của họ Đào định cư lâu đời ở phương Nam.

Nước Đại Việt từ thế kỷ X đến thế kỷ XV là thời kỳ phát triển rực rỡ của chế độ quân chủ, để lại nhiều di sản có giá trị cho hậu thế. Trong thời kỳ vàng son ấy, người họ Đào đã xuất hiện trên chính trường, thể hiện tài năng, bản lĩnh phi thường, góp sức cho quốc gia, dân tộc trên nhiều lĩnh vực từ quân sự, chính trị, đến ngoại giao, văn hóa, giáo dục. Những tấm gương của những danh nhân họ Đào trong thời kỳ này đã đưa tên tuổi, vị thế, uy tín của dòng họ được vang xa và cũng từ đó mà họ Đào đã trở nên nổi tiếng, được người đời ngưỡng mộ.

Người họ Đào trong thời kỳ chia cắt

Năm 1527, nhà Lê sơ sụp đổ, nhà Mạc lên thay. Từ đây, nước ta bước vào thời kỳ chia cắt kéo dài gần ba thế kỷ với các cuộc chiến tranh liên miên. Đó là cuộc chiến tranh Nam - Bắc triều và ngay sau đó là thế cục Trịnh - Nguyễn phân tranh khiến nước Việt bị chia cắt thành Đàng Trong - Đàng Ngoài. Trong cuộc đối đầu giữa hai họ Trịnh - Nguyễn, ở mỗi đầu chiến tuyến đều xuất hiện những nhân vật kiệt xuất mang họ Đào, góp phần tạo nền một giai đoạn lịch sử thú vị bậc nhất của dân tộc.

Đầu tiên, không thể không nhắc đến danh nhân Đào Duy Từ (1572 – 1634) người làng Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Ông là người thông minh học rộng, có chí lớn, được Chúa Nguyễn rất trọng dụng. Với tầm nhìn chiến lược tài ba, Đào Duy Từ đã giúp Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên luyện quân, tuyển tướng đắp đồn lũy, chặn đứng các cuộc tấn công của quân nhà Trịnh, để họ Nguyễn yên tâm tạo dựng cơ đồ ở phương Nam, đẩy mạnh cuộc Nam tiến tới tận mũi Cà Mau. Công trình kiến trúc quân sự nổi tiếng do ông thực hiện là hệ thống đồn lũy bảo vệ Đàng Trong ở tỉnh Quảng Bình. Bởi sự quy mô, kiên cố, bề thế và tác dụng to lớn nó mang lại nên người dân đã gọi đó là “Lũy Thầy”, tức do Thầy Đào Duy Từ đắp.

Chính nhờ vào đồn lũy vững chắc đặt ở nơi hiểm địa và chúa tôi một lòng mà trong 45 năm chiến tranh Trịnh - Nguyễn (1627 – 1672) với 9 lần đánh lớn mà không một lần nào quân Trịnh vượt được chiến lũy do Đào Duy Từ lập, mặc dù quân thế bên Trịnh bao giờ cũng mạnh hơn. Vì thế, dân gian đã có thơ ngợi ca công trình này, rằng:

“Khôn ngoan qua được Thanh Hà

Dẫu rằng có cánh khó qua Lũy Thầy”

Sự nghiệp phò Nguyễn của Đào Duy Từ chỉ ngắn ngủi trong vỏn vẹn có tám năm nhưng lại vô cùng quan trọng đối với cơ đồ của họ Nguyễn. Vì thế, khi Đào Duy Từ mất, Chúa Nguyễn đã phong tặng ông là “Hiệp mưu Đồng đức công thần, Đặc tiến Trụ quốc, Kim Tử Vinh lộc đại phu”, được liệt vào hàng Thượng đẳng công thần, thờ ở Thái miếu và con cháu được đời đời tập ấm. Đến đời Vua Minh Mạng, ông còn được gia phong Thái sư Đại học sĩ Hoằng Quốc công. Hậu duệ của ông là Đào Duy Tình và Khâm sai Tham tán Đào Duy Mẫn cũng là những bậc hiền tài của các triều vua chúa sau này.

Xuôi xuống phía Nam Đàng Trong còn có một chi họ Đào khác khá phồn thịnh. Dòng họ này đã sản sinh được bảy vị cử nhân Hán học cuối triều Nguyễn, nổi danh nhất là Đào Tấn (1845 – 1907), làm quan đến chức Thượng thư, Tổng đốc, Hiệp Biện Đại học sĩ và là người chấn hưng nghệ thuật tuồng của dân tộc. Ngoài ra còn có hậu duệ, con cháu của Thống chế Đào Trí, Đào Tấn Ngoạn ở Phú Yên; chi họ Đào Bá ở Hải Lăng, Quảng Trị. Họ Đào còn có mặt ở Quảng Bình, Thừa Thiên, Quảng Nam, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Biên Hòa, Gia Định, Long An, Gò Công, Trà Vinh, Bến Tre, Đồng Tháp, Tây Ninh…

Trong khi đó, ở phía Bắc, người họ Đào cũng có mặt trong triều đình Lê - Trịnh, giữ các chức vụ chủ chốt, tham mưu cho Vua Lê - Chúa Trịnh ổn định tình hình đất nước, cai quản muôn dân.

Danh tướng Đào Quang Nhiêu là vị tướng thân tín của Chúa Trịnh, có công giúp nhà Chúa dẹp nội loạn, Nam chinh Bắc chiến trong cuộc chiến Trịnh - Nguyễn. Ông làm quan trong 50 năm, lập nhiều chiến công chống thù trong giặc ngoài, được thăng lên chức Thiếu úy, Trấn thủ Nghệ An; khi mất được truy tặng Thái tể, thụy là Trung Cần và gia phong là Phúc thần. Con trai của ông là Đào Quang Quyền cũng là một bậc danh tướng.

Danh thần Đào Công Chính, quê ở Vĩnh Bảo, Hải Phòng, thông minh từ bé, nổi tiếng thần đồng, thi đỗ Bảng nhãn đời Vua Lê Thần Tông. Đào Công Chính được suy tôn là một trong “Tam Đại danh y” của Việt Nam, là người có công lớn trong việc xây dựng nền y học cổ truyền của dân tộc Việt Nam, tạo thế kiềng ba chân vững chắc cho nền đông y học gồm: Y học là Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác; Dược học là Tuệ Tĩnh; Dưỡng sinh học là Đào Công Chính. Bên cạnh đó, ông cũng là một tác giả và nhà ngoại giao xuất sắc. Năm Đinh Mùi 1667, ông làm phó sứ sang nhà Minh, làm quan đến Tả thị lang bộ Lại, được phong tước Nam, khi mất được truy tặng Tử tước. Tác phẩm có giá trị nhất ông để lại là sách y học Bảo Sinh Diên Thọ Toản Yếu.

Danh sĩ Đào Bí đời Vua Lê Anh Tông, quê xã Nông Sơn, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, là người dũng cảm, có nghĩa khí, giỏi võ nghệ, được bổ làm Đồng Tổng tri ở huyện Hải Khang. Trong vùng ông trị nhậm nhân dân sống yên ổn, không lo trộm cướp quấy nhiễu. Gặp khi trong nước có nhiều biến loạn, ông có công đánh dẹp, triều đình càng trọng dụng. Khi mất, ông được phong Phúc thần.

Có thể thấy rằng, trong thời kỳ trung đại, dòng họ Đào tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của mình. Những người con ưu tú của họ Đào đã đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng trong triều đình, từ các tướng lĩnh quân sự đến các quan lại và nhà văn hóa. Dòng họ đã không ngừng nỗ lực để phát triển đất nước, đóng góp vào sự thịnh vượng và ổn định của các triều đại.

Những dấu ấn đậm nét trong thời cận đại

Lịch sử cận đại của dân tộc Việt Nam tiếp tục ghi nhận vai trò và những đóng góp của họ Đào. Khi đất nước phải trải qua liên tiếp hai cuộc kháng chiến vệ quốc, dòng họ Đào đã sản sinh ra nhiều người con ưu tú, trở thành những nhà lãnh đạo cách mạng, chỉ huy quân sự, nhà khoa học nổi tiếng, góp phần quan trọng trong thắng lợi của toàn dân tộc.

Đại tướng Đào Nguyễn Quyết, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ông sinh năm 1922, quê ở xã Chính Nghĩa, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Đào Nguyễn Quyết là vị tướng tài năng, mưu lược, giỏi về quân sự, vững vàng, sắc sảo, nhạy bén về chính trị, là người cán bộ đức độ, luôn hết lòng vì nước, vì dân, rất mực yêu thương đồng chí, đồng đội, là một tấm gương sáng trong đội ngũ. Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, Đại tướng đã trải qua nhiều vị trí, có những đóng góp quan trọng vào hầu hết các giai đoạn trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở thế kỷ XX.

Thượng tướng Đào Đình Luyện quê ở xã Quỳnh Hội, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, tham gia cách mạng từ năm 1945, từng giữ những chức vụ quan yếu trong quân đội - từ Trung đội trưởng đến Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Phó tư lệnh rồi Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân chủng Phòng không Không quân. Ông cũng là Ủy viên thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Đại biểu Quốc hội… Tướng Đào Đình Luyện được Đảng và Nhà nước Việt Nam tặng nhiều huân chương cao quý, trong đó có Huân chương Quân công, Huân chương Độc lập hạng nhất…

Cống hiến trọn vẹn tuổi xuân cho sự nghiệp giải phóng và thống nhất đất nước, hàng trăm người con của họ Đào đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường, để giành lấy nền độc lập tự do cho dân tộc, cuộc sống hoà bình cho nhân dân cả nước, trong đó có con cháu họ Đào. Sự hy sinh ấy được đất nước, dân tộc, hậu thế đời đời ghi nhớ.

Không chỉ trong lĩnh vực quân sự và chính trị, những người con họ Đào còn thể hiện tài năng trong các lĩnh vực khác như văn hóa, nghệ thuật và giáo dục, với nhiều tên tuổi nổi tiếng.

Nhà sử học, nhà nghiên cứu Đào Duy Anh là một người con của họ Đào ở Thủ đô Hà Nội. Thời trẻ, ông hăng hái làm cách mạng, gặp gỡ các trí thức ưu tú đương thời như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng…, với mong muốn tham gia cuộc chiến giành lại độc lập cho dân tộc. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông tập trung vào nghiên cứu các môn khoa học xã hội. Là một học giả có kiến thức sâu rộng, nhà nghiên cứu Đào Duy Anh đã để lại nhiều công trình học thuật sáng giá về ngôn ngữ học, văn học, sử học… Ông được xem là người mở đầu cho nhiều ngành khoa học xã hội Việt Nam.

Con trai của Đào Duy Anh là Giáo sư Đào Thế Tuấn cũng là một nhà nghiên cứu hàng đầu về ngành nông nghiệp, nông thôn Việt Nam. Ông là một trong 50 cán bộ đầu tiên được cử đi đào tạo về nông nghiệp và đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ tại Liên Xô. Giáo sư Đào Thế Tuấn là một trong số ít người Việt Nam được ghi tên vào bộ từ điển Larousse với tư cách là một nhà bách khoa toàn thư của thời hiện đại.

Giáo sư Đào Văn Tiến, quê ở thành phố Nam Định là một nhà sinh học nổi tiếng của Việt Nam. Ông là người đầu tiên mô tả hai loài voọc Hà Tĩnh và voọc mào. Ông có công phát hiện 10 dạng động vật mới ở Việt Nam và là chủ nhân của hơn 100 công trình trên các tạp chí chuyên ngành bằng các tiếng Nga, Anh, Pháp, Việt… Ông có các tác phẩm viết về động vật rất có giá trị như Khảo sát các loài thú ở miền Bắc Việt NamĐộng vật có xương sống… Ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Giáo sư Sinh vật học, tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Năm 1996, ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh với tác phẩm Tập hợp các công trình điều tra cơ bản về động vật học ở Việt Nam (1957-1980).

Họ Đào trong xã hội hiện đại - Sự ra đời và phát triển của Hội đồng họ Đào Việt Nam

Ngày nay, dòng họ Đào vẫn tiếp tục phát triển và ghi dấu ấn trên mọi lĩnh vực của xã hội. Các thế hệ con cháu họ Đào đã kế thừa, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của tổ tiên, đồng thời nỗ lực không ngừng để đưa dòng họ Đào lên tầm cao mới. Nhằm đoàn kết họ tộc, tri ân và tôn vinh các bậc tiền nhân, Hội đồng Họ Đào Việt Nam đã được thành lập, thực hiện sứ mệnh cao cả là lưu truyền và phát triển di sản văn hóa dòng tộc.

Hội đồng Họ Đào Việt Nam, tiền thân là Hội đồng Liên lạc họ Đào thành lập năm 1998, đã trải qua bốn thời kỳ hoạt động với bốn vị Chủ tịch Hội đồng là Thượng tướng Đào Đình Luyện (1998 - 1999), Nhà văn Đào Vũ (1999 - 2006), Giáo sư Đào Nguyên Cát (2006 - 2018), Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm (từ sau năm 2019).

Tôn chỉ, mục đích của Hội đồng họ Đào Việt Nam được xác định ngay từ ngày đầu thành lập là tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh, truyền thống của dòng họ nói chung và từng chi họ ở địa phương nói riêng; đổi mới mô hình tổ chức hội đồng để tạo thành hệ thống ổn định, hoạt động có hiệu quả, có quản lý chặt chẽ, Hội đồng phải là nơi tập hợp các cá nhân nhiệt tình, có tâm đẩy mạnh việc quảng bá truyền thống, các ấn phẩm về họ Đào; bên cạnh đó là đẩy mạnh hoạt động toàn diện, chú trọng các hoạt động tác động đến thế hệ trẻ của dòng họ như liên kết phát huy vai trò mọi thành phần công dân, tri thức, văn nghệ sĩ và trong đó có các doanh nhân tiến tới cuộc gặp mặt doanh nhân của dòng họ.

Trải qua một phần tư thế kỷ hoạt động và phát triển, đến nay Hội đồng Họ Đào Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu ấn tượng. Hội đồng đã liên kết, tập hợp được hơn 320 chi họ trên cả nước. Đổi mới, linh hoạt về quảng bá, phát huy, tôn vinh các giá trị truyền thống của dòng họ ở các địa phương. Các hoạt động liên kết định kỳ trong họ tộc cũng diễn ra sôi nổi đã đoàn kết các chi họ ở nhiều vùng miền và cả nước. 

Dòng họ Đào không chỉ nổi bật với những đóng góp lớn lao trong lịch sử mà còn cả những giá trị truyền thống tốt đẹp được lưu truyền. Những câu chuyện về các bậc tiền nhân đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho các thế hệ sau, giúp họ tiếp tục học tập và phát triển, làm rạng danh dòng họ, góp phần dựng xây đất nước. Với bề dày lịch sử và những đóng góp to lớn, họ Đào Việt Nam không chỉ là niềm tự hào của những người mang họ Đào mà còn của cả dân tộc Việt Nam. Người họ Đào đã, đang và sẽ kế thừa những thành tích của Tổ tiên, phấn đấu không ngừng để uy tín, vị thế của dòng họ được nâng cao và họ Đào sẽ luôn là dòng họ có tầm ảnh hưởng trong xã hội Việt Nam, là một dòng họ có vị trí quan trọng trong đại gia đình dân tộc Việt Nam.


 

Tổng quan về dòng họ Đào Việt Nam

36 Lượt xem
other
Tặng đá Báo cáo
Chia sẻ

Ý kiến (0)