Du lịch Thị xã Hồng Lĩnh
Tác giả: Nhiều tác giả
Nhà cung cấp: UBND Thị xã Hồng Lĩnh
Đối tượng phù hợp
Lý do nên xem
Tóm tắt nội dung
Thị xã Hồng Lĩnh là vùng đất ẩn chứa nhiều trầm tích, vỉa tầng văn hóa của vùng “giang sơn tụ khí núi Hồng - sông Lam”. Từ trong mạch nguồn sông núi, từ di sản của các danh nhân, từ trong lao động sản xuất, các thế hệ người dân nơi đây đã kiến tạo nên những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc: Đền Đô đài Ngự sử Bùi Cầm Hổ, đền Song Trạng, đền Cả (Dinh đô Quan Hoàng Mười), khu di tích Tiên Sơn, chùa Long Đàm, danh thắng chùa và hồ Thiên Tượng, Khu di tích Đại Hùng…; lễ hội báo ân Đô đài Ngự sử Bùi Cầm Hổ, hội đua thuyền Trung Lương, lễ tế Đức thánh tổ nghề rèn, lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, lễ hội đền cả (Dinh đô Quan Hoàng Mười)…Nổi bật trong đó là một số di tích, danh thắng tiêu biểu, cụ thể như sau:
1. Di tích danh thắng Quốc gia Chùa Thiên Tượng
Chùa Thiên Tượng được khai sơn kiến tạo từ khoảng thế kỷ thứ XIV thời nhà Trần, cách đây gần 700 năm (được công nhận là di tích danh thắng Quốc gia vào năm 2004); từng được xem là “Hoan Châu đệ nhị danh thắng”. Chùa được tôn xưng là ngôi Tổ đình của Phật giáo miền Trung, bởi chính nơi đây vị Thiền sư người Trung Quốc tên là Chuyết Công cùng các đệ tử sang nước ta truyền đạo, khi qua đây thấy cảnh Chùa thanh tịnh nên đã dừng chân tu tập một thời gian, rồi mới tiếp tục ra phía Bắc để lập nên dòng Thiền Lâm Tế phía đàng ngoài. Hiện nay, trong Chùa còn lưu giữ bút tích của rất nhiều vị cao tăng từng tu tập nơi đây. Từ Chùa nhìn xuống thị xã Hồng Lĩnh và ngã ba nơi tiếp giáp sông Lam và sông La đẹp như một bức tranh hồn thiêng sông núi của mảnh đất xứ Nghệ. “Vốn thợ trời tạc đá nên voi”, Thiên Tượng không chỉ đẹp về cảnh sắc thiên tạo mà còn gắn với bao truyền thuyết tâm linh về một vùng đất thiêng nơi núi Hồng Lĩnh.
2. Khu Di tích lịch sử - văn hóa Đại Hùng (bao gồm chùa Đại Hùng và đền thờ Thủy tổ Kinh Dương Vương)
* Chùa Đại Hùng
Sử cũ chép lại Đại Hùng là một trong bốn ngôi cổ tự bao gồm: Thiên Tượng, Long Đàm, Đại Hùng, Cực Lạc được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ XIV, đời Nhà Trần; với khoảng cách địa lý được phân bổ đều nhau, khi tiếng chùa này thỉnh sẽ vọng đến chùa kia và ngược lại. Chùa được dựng trên mái núi ở độ cao khoảng trên 100m so với mục nước biển. Cổ vật lưu giữ ở đây còn có quả chuông cao trên 1m, nặng khoảng 200kg, được chạm trổ tinh xảo và có khắc “Đại Hùng Tự Chung”, chuông được đúc vào năm thứ 7, niên hiệu Cảnh Thịnh.
* Đền thờ Thủy tổ Kinh Dương Vương và các bậc Vua Hùng
Tương truyền từ buổi đầu sơ khai dựng nước, phải tìm đất định đô, Thủy tổ Kinh Dương Vương đã hướng vào vùng danh thắng Núi Hồng, dựng Hoàng thành ở đây và đặt tên nước là Xích Quỷ (nghĩa là “Ngôi Sao Đỏ”); sau đó để định chính đô, giữ vững giang sơn, cơ nghiệp rộng lớn của tổ tiên, Kinh Dương Vương đã thiên đô ra vùng núi Ao Việt (Việt Trì – Phú Thọ ngày nay). Từ truyền thuyết nêu trên mà Nhân dân nơi đây đã lập nên Đền thờ Thủy tổ Kinh Dương Vương và các Vua Hùng. Đền được xây dựng cùng thời kỳ với chùa Đại Hùng, cách nhau khoảng 1km, nơi đây cây cối tự nhiên xanh tươi, có nguồn nước mát chảy ra từ trong các mạch nguồn của đá tạo nên giếng nước mát lành. Hàng năm, tại Khu di tích Đại Hùng được tổ chức khá nhiều lễ hội, song có hai lễ hội chính, đó là: Lễ húy kị đức Thủy tổ Kinh Dương Vương vào ngày 18 tháng Giêng và Đại lễ Giỗ Quốc tổ Hùng Vương cấp tỉnh ngày 10/3 âm lịch.
3. Di tích danh thắng chùa Hang
Chùa được xây dựng từ thời Hậu Lê, khoảng thế kỷ thứ XVII, ngôi Tam Bảo nằm gọn trong hang đá tự nhiên nên được gọi là chùa Hang. Với bạt ngàn thông reo và những thảm cỏ xanh mướt, dòng nước mát từ đập Khe Môn chảy vào hồ cảnh của vườn Lâm Tỳ Ni, Khu di tích danh thắng Chùa Hang được ví như một “Đà Lạt thu nhỏ ở chốn Hồng Lam”. Hiện tại Di tích đã được công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh.
4. Đền Cả - Dinh đô quan Hoàng Mười
Đền Cả hay còn có các tên gọi khác như: Dinh đô Quan Hoàng Mười; Mỏ Hạc Linh Từ, được xây dựng trên vùng đất đắc địa nơi giao nhau giữa 3 con sông (sông Minh, sông La và sông Lam), cả 3 con sông bồi đắp tạo nên thế đất như hình mỏ con chim hạc. Theo tư liệu lịch sử thì Đền được xây dựng cách đây trên 700 năm. Đây được xem là nơi Đức thánh minh Hoàng Mười ngự lãm trấn thủ vùng Hoan Châu xưa, tức Nghệ An - Hà Tĩnh ngày nay. Đền nổi tiếng linh thiêng, nên quanh năm Nhân dân trong và ngoài tỉnh thường đến làm lễ xin Đức thánh minh Hoàng Mười soi chiếu. Lễ hội hàng năm của Đền được tổ chức vào tháng 10 âm lịch, chính lễ là ngày 10/10 âm lịch.
5. Chùa Long Đàm
Tương truyền, xưa có một con rồng bơi lặn trong đầm này, một hôm trời mưa to, rồng cuộn mây bay lên để sót lại nhiều ngọc minh châu dưới đầm. Đêm trăng thanh thường trông thấy ánh sáng vằng vặc. Vì thế người ta dựng chùa bên đầm gọi là “Long đàm”, Chùa được xây dựng vào khoảng thể kỷ XVI - XVII, đã nổi tiếng một thời về cảnh gió mát, trăng thanh, thiên nhiên kỳ thú.
Sách “Hoan châu phong thổ ký” của tiến sỹ Trần Danh Lâm (1704 - 1777) từng viết: “Một vùng cõi tịnh, chùa Long Đàm gió mát, trăng trong”. Long Đàm xưa là một trong 4 ngôi chùa đẹp của vùng Nghệ Tĩnh: Hương tích (Can lộc); Báo Ân (núi Ngũ Mã - Nghi xuân); Bạch Đế (Thanh chương – Nghệ An); Long đàm (nay Đức Thuận – Hồng Lĩnh). Chùa Long Đàm có giá trị lịch sử -Văn hoá lâu đời, với vị trí địa lý thuận lợi bên con đường Thiên lý Bắc Nam, luôn là địa danh hấp dẫn in đậm dấu ấn trong tâm hồn Phật tử, du khách tham quan và Nhân dân địa phương.
6. Cụm di tích lịch sử văn hóa Tiên Sơn