DJC

Đã đánh giá tài liệu

Cảm ơn bạn đã phản hồi

Review phim Inside Out qua nhân vật Joy

| 3262 lượt xem | Lê Hà Thanh Lộc

Review phim Inside Out qua nhân vật Joy

Được ra mắt vào năm 2015, Inside Out đã thành công với hạng mục phim xuất sắc mang đến những bài học, thông điệp ý nghĩa về cuộc sống, tình bạn và gia đình. Đạo diễn Pete Docter đã mượn thế giới trẻ thơ để kể câu chuyện của người lớn. Inside out mang đến cho người xem rất nhiều chi tiết đáng suy ngẫm, điều đặc biệt là khi ta phân tích những chi tiết ấy, giống như việc thưởng thức và khám phá nhân bên trong một chiếc bánh. Đối với bộ phim này, đây là cái bánh ngàn lớp nhân mà mỗi tầng vị đều rất ngon, ngay cả khi hòa chung lại cũng coi là một tuyệt phẩm.

Inside out là cuộc du hành vào thế giới nội tâm của con người mà ở đó mỗi cá tính được thể hiện qua năm loại cảm xúc: Giận Dữ, Chán Ghét, Sợ Hãi, Buồn Bã và Vui Vẻ. Trong “Inside Out”, các nhà làm phim đặt Joy (Vui vẻ) là cảm xúc đại diện cho Riley và cô hằng ngày lập kế hoạch để Riley được vui vẻ, cất giấu và lưu trữ mọi viên bi kí ức của Riley để hình thành nên những hòn đảo cá tính cốt lõi.

Có vẻ như vai trò của Joy luôn phải điều hành và gắn liền với cuộc sống, cảm xúc của Riley, vậy sẽ thế nào nếu như một ngày Joy không còn quyền kiểm soát? Bạn đã sẵn sàng để cùng Hành trình Kim Cương (DJC) tìm hiểu nhân vật này chưa?

Bộ phim bắt đầu bằng cảnh Riley ra đời. Joy là cảm xúc đầu tiên xuất hiện và cũng là nhân tố quyết định nhân cách của Riley. Joy giúp cô bé đối với mọi việc đều dùng thái độ lạc quan. Vậy nên ta có thể thấy suốt phần đầu phim, những kí ức lõi và hầu hết viên ký ức đều là màu sắc hạnh phúc.

Joy luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ để giữ cho một ngày của Riley được trôi qua vui vẻ. Tuy nhiên, Joy ngày càng bất lực và khó chịu với nỗi tuyệt vọng và tiêu cực thường trực của Sadness. Joy không tìm được giá trị nào của Sadness có thể mang đến cho Riley. Sợ Sadness sẽ làm ảnh hưởng đến Riley vào ngày quan trọng – ngày cô bé đến trường mới, bắt đầu cuộc sống mới, ra mắt bạn bè, thầy cô mới, vì vậy Joy đã vẽ một vòng tròn để Sadness ngồi trong đó, như thế mọi kí ức sẽ an toàn khỏi màu xanh dương buồn bã.

Lúc này đây mọi người đều có thể hiểu cho hành động của Joy, vì Sadness quá đỗi bi quan, Joy không thể để một cô bé 11 tuổi bị sự bi quan lấn lướt mọi cảm xúc, nó đặc biệt ảnh hưởng đến các đảo tính cách mà khó khăn lắm mọi người mới xây dựng được cho Riley. Trong năm cảm xúc, dường như Sadness là một kẻ thừa thãi dưới sự kiểm soát của Joy. Hình ảnh này đã phản ánh với cuộc sống hiện tại khi chúng ta hằng ngày cũng luôn cố gắng chối bỏ nỗi buồn của mình, đè nén cảm xúc tiêu cực bằng cách cố tỏ ra lạc quan để che đậy tâm trạng buồn phiền bên trong. Hậu quả là dù Riley có cố tỏ ra lạc quan chơi đùa với mọi người nhưng gương mặt lại không thể nở một nụ cười đúng nghĩa.

Mọi chuyện càng thêm phần rắc rối khi Sadness muốn chạm vào những kí ức lõi và ngay tức khắc Joy liền bảo vệ những viên bi ký ức tránh xa tầm tay của Sadness, vì chỉ cần Sadness động vào thì sẽ biến thành ký ức buồn bã ngay. Điều bất ngờ là Joy và Sadness bỗng vô tình bị hút vào ống dẫn kí ức khiến cả hai văng ra khỏi trung tâm điều khiển, cũng đồng nghĩa là kể từ đây những cảm xúc tiêu cực còn lại sẽ nắm quyền kiểm soát.

Tôi chắc là nhiều người khi theo dõi đến đây sẽ rất tức giận Sadness vì đã làm mọi chuyện diễn biến tệ hơn, đặc biệt là với Riley khi thiếu mất Joy, cô bé không thể nào vui vẻ được nữa. Xem bộ phim tới đoạn này, tôi thích và ngưỡng mộ Joy bao nhiêu thì chán ghét Sadness bấy nhiêu, vì tính cách của Saness quá đỗi tiêu cực và chán chường.

Sở dĩ, chúng ta đều mong có một cuộc sống không lo âu buồn bã, nhưng câu hỏi là liệu ta có thể sống tốt hơn hay không khi trong tâm trí chỉ toàn là niềm vui, còn nỗi buồn thì tan biến?

Tuy Joy là đại diện chính cho tính cách của Riley, thế nhưng với ý đồ của Pete Docter thì Sadness mới là ngôi sao tỏa sáng của bộ phim. Nhờ trải qua hành trình cùng Sadness, Joy đã nhận ra sai lầm của bản thân và phát hiện ra rằng, đằng sau những viên bi ký ức vui vẻ của Riley mà cô lưu giữ, một trong số trước đó đều được tạo ra từ cảm xúc buồn bã mà Sadness mang lại. Chính nhờ nỗi buồn đã gắn kết mọi người lại với nhau và từ đó hình thành nên ký ức hạnh phúc.

Kết Luận

Pixar đã nhờ Inside Out truyền tải đến thông điệp đầy ý nghĩa và gửi đến những người trưởng thành, đó là hãy ôm lấy nỗi buồn và để nó được bộc lộ như cách mà ta muốn. Chỉ cần để cho nỗi buồn lên tiếng đúng lúc, và chúng ta sẽ lại tiếp tục có thể mỉm cười mà sống tiếp.

“Đôi khi tất cả những gì ta cần là được lắng nghe.” – Một thông điệp khác mà Pixar nhắn nhủ khi đưa phân đoạn Sadness đến động viên và lắng nghe Bing Bong (một nhân vật tưởng tượng của Riley) trút hết nỗi lòng. Đôi khi trong cuộc sống, chúng ta chỉ cần một người chịu lắng nghe mình chân thành mà không phán xét.

Pete Docter đã thành công nâng giá trị của năm nhân vật đại diện cảm xúc của con người, khiến chúng ta sẽ hiểu được rằng cuộc sống là sự trung hòa của nhiều thứ cảm xúc. Qua bộ phim còn có nội dung ẩn dụ về vai trò cá nhân trong một tập thể.

Có lẽ ai cũng thích nhân vật Joy, nhưng nếu trong thế giới tâm hồn của Riley chỉ có mình Joy thì cô bé sẽ mãi chỉ là một màu đơn điệu. Do đó, mỗi cảm xúc chính là một mảnh ghép kiến tạo tâm hồn, khiến ta nhìn đời với con mắt đa chiều, đa cảm.

Vui vẻ đúng là khiến ta cảm thấy hạnh phúc nhưng đôi khi sự lạc quan mù quáng lại không giúp ta giải quyết được vấn đề. Hãy biết cách cân bằng nó và đừng để một cảm xúc cá biệt nào đó chi phối bản thân ta. Qua bộ phim, tôi đã rút ra được những bài học hay và nhiều điều thú vị, còn bạn thì sao? Hãy thử khám phá và cảm nhận nhé.


Bài viết: CTV Trần Thị Phương Thanh

Nguồn ảnh: disneyparks.disney.go.com