Review phim Công Chúa Mononoke qua nhân vật Ashitaka
“Mononoke Hime” (Tựa Việt: Công Chúa Mononoke) là một tác phẩm hoạt hình sử thi giả tưởng kinh điển của đạo diễn huyền thoại người Nhật Bản - Miyazaki Hayao. Dù được phát hành đã lâu nhưng bộ phim hoạt hình “Công Chúa Mononoke” vẫn để lại trong lòng khán giả những ám ảnh khôn nguôi về các chi tiết mang ý nghĩa sâu sắc.
Bộ phim được lấy bối cảnh vào cuối thời Muromachi (1392 - 1572). Ở thời đại này, loài người bắt đầu có năng lực, tư duy và sức mạnh, xã hội văn minh được hình thành. Bởi vì nhu cầu phát triển, con người tìm cách sinh tồn bằng cách đốn hạ những cánh rừng bạt ngàn, dẫn đến các hoạt động khai thác thiên nhiên một cách bừa bãi. Theo hành trình của Ashitaka đến Làng Sắt, cậu sẽ làm gì để ngăn chặn hệ lụy tàn phá môi trường do sự tham lam của loài người gây nên?
Bạn đã sẵn sàng để cùng Hành trình Kim Cương (DJC) tìm hiểu nhân vật này chưa?
Ashitaka là một vị hoàng tử của bộ tộc Emishi, một ngày nọ cậu phát hiện một con quái vật từ khu rừng bỗng điên cuồng tấn công vào người dân nơi đây. Ashitaka không muốn giết chóc, nhưng sức mạnh của con quái vật vô cùng lớn, không ai có thể ngăn cản nó lại. Ashitaka vì bảo vệ dân tộc an toàn, cậu dùng cung tên bắn một phát tiêu diệt được con quái vật ấy.
Chẳng may sau đó cánh tay của Ashitaka đã bị dính lời nguyền, hóa ra con quái vật ấy là hiện thân của Trư Thần Nago - bởi bị bắn phải viên đạn của loài người độc ác khiến thân xác nó đau đớn và hóa điên thành quái vật dữ tợn. Cách duy nhất chữa lành chính là tìm hiểu nguồn gốc của cơn thịnh nộ của Trư Thần bắt đầu từ đâu và hóa giải nó.
Trên hành trình, hoàng tử Ashitaka gặp người đầu tiên là chủ nhân của Làng Sắt (Iron Town) – bà Eboshi – kẻ đứng sau chế tạo những vũ khí cho mục đích tàn phá khu rừng nhằm đem lại giàu có và no ấm cho người dân của mình. Cũng chính bà đã thừa nhận mình là người đã bắn hạ Trư Thần Nago. Hành động tàn phá của Eboshi đã trở thành một lời tuyên chiến với khu rừng.
Nếu Eboshi là đại diện phe ác cho loài người đang cố khai phá thiên nhiên thì San – công chúa Mononoke - là người sẽ sống chết để bảo vệ khu rừng không bị xâm lấn. Tất cả đều có sự cân bằng của vũ trụ. Nhân vật Ashitaka không đại diện cho phe loài người hay thiên nhiên, cậu chính là nhân tố hòa hợp giữa hai thế giới tách biệt.
Ở thời Muromachi, Ashitaka là một anh hùng dám bảo vệ lý lẽ riêng, cậu không suy nghĩ về thiệt hại bản thân nếu về phe thiên nhiên, hoặc chịu sự trả thù của thần rừng nếu bênh vực con người. Sở dĩ cũng vì tội ác của con người khiến cậu phải gánh chịu một lời nguyền, cho nên, cậu mong muốn đưa mọi thứ trở về được vị trí cân bằng, nó được thể hiện qua câu nói –
“Liệu con người và thiên nhiên có thể sống chung hòa bình hay không? Hay làm thế nào để cả hai ngừng chiến?”
Suốt hành trình, hoàng tử Ashitaka đã nhận ra bản ngã của con người thật sự rất tham lam, và trên con đường tham vọng ấy luôn có sự tồn tại của sự nhẫn tâm. Eboshi với lý lẽ riêng đã giết thần rừng, nhưng sau đó để trả giá là tính mạng của dân làng, rất nhiều tiếng khóc than... Liệu một cuộc sống chỉ toàn chiến tranh và tranh chấp như thế, có thứ gì khác ngoài chết chóc hay không? Cậu thuyết phục Ebosi hãy đình chiến và tìm cách làm nguôi giận các thần rừng.
Ashitaka sáng suốt khi không đánh mất bản tính lương thiện của mình, thêm vào đó, cậu đã thành công đưa con người và thiên nhiên trở nên hòa hợp. Bộ phim như một lời cảnh tỉnh đến những con người đang thờ ơ với việc bảo vệ môi trường. Sự thật là con người luôn cần đến thiên nhiên nhưng trên thực tế, chúng ta lại liên tục làm tổn hại đến môi trường từ ô nhiễm đến vấn nạn chặt phá rừng nghiêm trọng và nhiều thứ khác.
Thiên nhiên, khu rừng như “lá phổi xanh” của Trái Đất, hãy giữ cho hành tinh luôn tươi xanh nếu bạn muốn “lá phổi” của mình luôn khỏe mạnh.
Kết Luận
Bộ phim “Công chúa Mononoke” đã gửi gắm thông điệp về gìn giữ môi trường, bài học đằng sau việc khai phá bừa bãi. Đề cập đến một chủ đề rất đáng quan tâm mà dù ở thời điểm nào thì cũng rất quan trọng với chúng ta, đó là “bảo vệ môi trường sinh thái”.
Qua bộ phim, tôi đã rút ra được những bài học hay về cuộc sống, còn bạn thì sao? Hãy thử khám phá và cảm nhận nhé.
Bài viết: CTV Trần Thị Phương Thanh
Nguồn ảnh: Pinterest
Ý kiến (0)