Họ Mạc - những người mở cõi cực Nam đất Việt
Khu di tích vương triều Mạc - xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy (TP Hải Phòng), nguồn: thanhdoanhaiphong.gov.vn
Dòng họ Mạc là một dòng họ có nhiều công lao hiển hách đối với đất nước Việt Nam và trong lịch sử đã từng có một triều đại phong kiến do các vị vua của dòng họ này trị vì, đó là Vương triều Mạc. Thế nhưng, đây cũng là dòng họ có nhiều biến động, bi thương nhất sử Việt.
Họ Mạc có quy mô dân số khá khiêm tốn và không quá phổ biến ở Việt Nam ngày nay khi chỉ chiếm chưa đến 1% dân số cả nước. Dòng họ này có hai chi họ lớn với nguồn gốc ra đời khác biệt nhau. Đó là họ Mạc gốc xứ Đông và họ Mạc gốc Hà Tiên.
Chi phái họ Mạc ở Việt Nam có gốc xứ Đông là chi phái lớn nhất, có nhiều ảnh hưởng nhất trong lịch sử Việt Nam. Xứ Đông tức là trấn Hải Dương xưa, là vùng đất bao gồm tỉnh Hải Dương và Thành phố Hải Phòng ngày nay, ngoài ra cũng bao gồm một phần của tỉnh Hưng Yên và tỉnh Quảng Ninh. Dòng họ này bắt đầu nổi danh từ thời Lý - Trần trong ba thế kỷ XI đến XIV về đường văn cử khoa bảng rồi vươn tới đỉnh cao quyền lực bằng nghiệp võ vào cuối thời Lê sơ.
Theo chính sử, Thủy tổ của dòng họ Mạc là cụ Mạc Hiển Tích, quê ở làng Long Động, xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Cụ Mạc Hiển Tích là người đỗ đầu tại khoa thi năm Quảng Hựu thứ 2 thời Vua Lý Nhân Tông, tức năm Bính Dần 1086. Sau đó trở thành trọng thần của Lý triều, làm quan đến chức Thượng thư. Lịch sử họ Mạc bắt đầu từ đây.
Kế đến là Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, sinh năm 1280, đỗ Trạng nguyên năm 1304, đời Vua Trần Anh Tông. Sử cũ mô tả Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi là người có tướng mạo xấu xí nhưng trí tuệ thông minh tột bậc. Ông từng hai lần được cử đi sứ nhà Nguyên bên Trung Quốc. Vua Nguyên khâm phục tài năng của ông nên đã phong ông là “Lưỡng Quốc Trạng Nguyên”, tức Trạng nguyên của hai quốc gia Đại Việt và Đại Nguyên. Ông được con cháu họ Mạc suy tôn là Viễn tổ họ Mạc và được người cháu đời thứ bảy là Mạc Đăng Dung truy tôn là Kiến Thủy Khâm Minh Văn Hoàng Đế.
Đỉnh cao của dòng họ Mạc đó chính là việc tạo lập nên Vương triều Mạc với sự kiện năm 1527, Thái tổ Mạc Đăng Dung lên ngôi Hoàng đế, mở ra cơ nghiệp hơn 100 của dòng họ.
Nhà Mạc từ đời Vua Mạc Thái Tổ cho đến Vua Mạc Mục Tông trải qua năm đời vua, trị vì 66 năm ở kinh thành Thăng Long. Trong suốt quãng thời gian đó, nhà Mạc đã đưa ra nhiều chính sách cải cách, phát triển kinh tế làm cho đời sống nhân dân no đủ, xã hội ổn định, nhất là dưới thời Vua Mạc Thái Tông, người được xem là vị minh quân trăm năm có một. Sách Đại Việt sử ký toàn thư đã ca ngợi thời thịnh trị của Vua Mạc Thái Tông rằng: “Ban đêm không còn trộm cướp, trâu bò thả chăn không phải đem về, chỉ cần mỗi tháng xem lại một lần, có khi sinh đẻ cũng không biết được là gia súc nhà mình. Trong khoảng vài năm, người đi đường không nhặt của rơi, cổng ngoài không phải đóng, được mùa liên tiếp, trong cõi tạm yên”.
Thế nhưng, sau thời kỳ hưng thịnh cũng là lúc con cháu họ Mạc gặp phải biến cố, ảnh hưởng đến sự sống còn của dòng họ.
Chuyện là, lúc nhà Mạc lên ngôi thì cũng là lúc người họ Lê nổi lên ở phía Nam để tranh giành thiên hạ, đòi lại giang sơn của Vua Lê Thái Tổ dày công tạo dựng. Sử cũ gọi là thời kỳ “Chiến tranh Nam - Bắc triều”. Nhà Mạc là Bắc triều, trấn giữ kinh thành Thăng Long và miền Bắc nước ta, còn Nam triều là chính quyền của nhà Lê trung hưng, cai quản vùng đất từ Thanh Hóa trở vào Nam.
Vào những năm cuối của triều đại, chính quyền nhà Mạc dần suy vong. Năm 1592, quân Nam triều chiếm được Thăng Long, nhà Mạc phải chạy lên Cao Bằng để tiếp tục xây dựng chính quyền. Quân Nam triều mở một cuộc thanh trừng tàn khốc nhắm vào người họ Mạc, làng Cổ Trai - nơi phát tích của Vương triều Mạc gần như bị san phẳng, số phận của những người con cháu dòng họ Mạc như ngàn cân treo sợi tóc.
Trong bước đường cùng, những con cháu họ Mạc còn sót lại đã đi đến một quyết định táo bạo và cực kỳ hệ trọng, đó là đổi họ để qua cơn nguy biến. Việc đổi họ này đã được tính toán vô cùng kỹ lưỡng để cho hậu duệ của hàng trăm hàng ngàn con cháu phiêu tán khắp nơi vẫn biết được cội nguồn của mình để tìm về. Một cách đổi họ được xem là diệu kế đó là: “Khử túc bất khử thủ”, nghĩa là: “Bỏ chân không bỏ đầu”. Theo đó, Mạc (莫) trong chữ Hán có bộ “thảo đầu”, tức là ba nét viết trên đỉnh chữ nên người họ Mạc đã đổi thành hàng chục họ khác nhau như họ Lê, Hoàng, Phạm, Thái, Nguyễn, Đoàn, Lều, Bế, Ma, Hà, Vũ, Thạch... và ghi thêm “bộ thảo” trên đầu các chữ để làm dấu đó là họ Mạc. Hoặc, một cách đổi họ khác đó là lấy chữ đệm của Thái Tổ Mạc Đăng Dung để thêm vào tên mới. Đó là thêm chữ “Đăng” vào tên lót, từ đó hình thành nên các họ như Lê Đăng, Hoàng Đăng, Phạm Đăng, Phan Đăng, Thạch Đăng, Bùi Đăng... Tất cả đều là người họ Mạc.
Cuộc đổi họ này quy mô lớn này diễn ra trong âm thầm. Có đến ít nhất 40 họ gốc Mạc được hình thành từ sự kiện này. Sau đó, con cháu họ Mạc tản cư ra khắp nơi trong cả nước, nhưng tập trung nhiều ở các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Hải Phòng, Bắc Giang…
Trong khi đó, chính quyền của nhà Mạc ở Cao Bằng được duy trì đến năm 1683 mới bị nhà Lê - Trịnh tiêu diệt hoàn toàn.
Ở miền cực Nam của đất nước còn có một chi họ Mạc gốc Hà Tiên. Lịch sử của chi họ này gắn liền với công cuộc mở cõi và bảo vệ vùng đất cuối biển Tây Nam Tổ quốc thiêng liêng.
Tượng Mạc Cửu ở thị xã Hà Tiên - người có công khai phá, hình thành vùng đất Hà Tiên (Kiên Giang) vào khoảng đầu thế kỷ XVII ở Việt Nam, nguồn. vi.wikipedia.org
Người mở đầu cho chi họ này là Mạc Cửu, một người gốc Hoa di, vì thay đổi triều đại nên đã vượt biên sang lánh nạn ở nước ta, được vua chúa Đại Việt cưu mang, cho khai khẩn đất hoang, lập đồn điền để duy trì kế sinh nhai, từ đó hòa mình với các tộc người của nước Việt.
Mạc Cửu cùng người con kế nghiệp mình là Mạc Thiên Tứ đã có công khai phá vùng đất Nam bộ, thành lập vùng đất Hà Tiên ngày nay, bảo vệ nhân dân trước sự xâm lăng của quân Xiêm La, Chân Lạp và bọn cướp biển, ngoài ra còn giúp mở mang phát triển kinh tế vùng này.
Cho dù có gốc gác khác nhau nhưng các chi phái của dòng họ Mạc này đã đóng góp những công lao không nhỏ, hiến dâng xương máu của mình vào công cuộc mở rộng lãnh thổ nước ta đến vùng cực Nam hiện nay, nên rất xứng đáng được ca ngợi, tôn vinh.
Nghiên cứu và hiểu lịch sử phát triển của dòng họ Mạc - dòng họ từng lên ngôi cửu ngũ chí tôn ở nước Việt là một việc làm ý nghĩa, thể hiện sự nhớ ơn đến những công lao của các bậc tiền nhân. Những người con họ Mạc và những người có gốc gác họ Mạc đều có quyền tự hào về những thành tựu mà các bậc tiên tổ của mình đã dày công tạo dựng.
Để có được cái nhìn tổng quan về họ Mạc, tìm hiểu lịch sử hình thành và phát triển cùng những thành tựu của dòng họ có lịch sử lâu đời ở Việt Nam này, mời bạn xem tài liệu Tổng quan về dòng họ Mạc Việt Nam.
Khi đăng ký tài khoản Ngân hàng Di sản Tri thức tinh hoa DJC tại đây, bạn có cơ hội được:
- Bình luận, đóng góp ý kiến và giao lưu cùng tác giả.
- Sở hữu ngay báo cáo quản trị cá nhân và blog riêng.
- Truy cập không giới hạn sách, truyện, tài liệu học tập và giải trí thú vị, đa dạng, đa lĩnh vực.
Thông tin về Ngân hàng Di sản Tri thức tinh hoa DJC:
☎️ Hotline: 0369 049 868 | 0335 609 868
💌 Email: info@djc.vn
Ý kiến (0)