DJC

Đã đánh giá tài liệu

Cảm ơn bạn đã phản hồi

10 điều mà việc đi làm thuê và cả làm chủ đã dạy tôi!

| 1919 lượt xem | Lê Hà Thanh Lộc

10 điều mà việc đi làm thuê và cả làm chủ đã dạy tôi!



Quá thường xuyên, những khái niệm như work-life balance được nhắc lại trong không gian giao tiếp của sinh viên và những người đi làm công việc văn phòng. Bằng cách này, người ta truyền thông một tư tưởng work và life là hai trường hành động độc lập, bù cho nhau: work thường gắn liền với “cố gắng, khuôn phép, kiếm tiền, đau khổ” trong khi life gắn liền với “thả lỏng, tự tại, tiêu tiền, vui vẻ”. Bằng logic thông thường, rất dễ để nhận ra work là một phần của life, work chính là life ở cái mức độ phóng chiếu mà bạn gán cho nó. Cho nên nếu bạn không enjoy work thì sẽ là một lời nói dối nếu bạn bảo bạn enjoy life.

Đối với cá nhân tôi, công việc quy định đáng kể cách bạn tư duy, nó tạo ra cho bạn một trường cảm nhận lớn, quyết định những ai sẽ là người ở gần bạn nhiều nhất, xác định bạn ở đâu trong rất nhiều tương tác xã hội và quan trọng nhất là mở ra cho bạn những lựa chọn tiếp theo. Nói cách khác, công việc chính là cái kiến tạo nên cuộc sống của bạn ở rất nhiều cấp độ.

Nếu bạn làm một công việc tệ hại để có một cuộc sống tốt, thì đây là một ảo tưởng vĩ đại. Vì làm một công việc tệ hại thì tức là một nửa (hoặc hơn) thời gian mở mắt của bạn đã tệ lắm rồi. Vài tiếng ngắn ngủi còn lại ngoài những việc như ăn uống, vệ sinh và đi lại của bạn có thể “cân bằng” lại cái sự tệ hại kia như thế nào đây?



Chia sẻ cùng một vấn đề cốt lõi với sự khác biệt giữa Giáo dục thông thường (học để làm việc được chỉ định) và Giáo dục khai phóng (học để làm người tự do), chuyên môn hóa và không chuyên môn hóa chỉ là những cách thức khác nhau, bình đẳng về mặt tư tưởng. Từng cái có lợi thế để tồn tại và phát triển trong một vài hình thái nền kinh tế đặc thù. Ở trường hợp của phần lớn chúng ta, đó là nền kinh tế thị trường (định hướng tư bản chủ nghĩa - chữ của sách chính thống của VN) nơi mà bạn cần phải biến mình trở thành một công cụ tốt để tạo ra nhiều của cải hơn nữa, làm giàu cho những người đứng trước trong chuỗi thức ăn và hy vọng với những nỗ lực, may mắn và kiên nhẫn nhất định, một ngày nào đó bạn có thể cải thiện thứ hạng của mình trong chuỗi.

Chuyên môn hóa cao không liên quan cùng dấu với phát triển xã hội, càng không có quan hệ rõ ràng với cái có thể gọi là “văn minh”. Nó đơn thuần chỉ là đặc điểm của nền kinh tế với tư cách là một hoạt động tập thể.

Có nhiều ví dụ về một xã hội mà chuyên môn hóa là hiện tượng có mức độ phổ thông và danh giá tương tự chuyện học nghề vá xe hay học làm bánh quế: chính xác, cục bộ và nhìn chung không phải là lựa chọn của những người hãnh tiến. Hy Lạp thời trung cổ là một ví dụ điển hình. Một người “đủ tốt” lúc bấy giờ thường là một nhà tư tưởng, một nhà toán học, một nhà vật lý, một nhà thơ và một họa sĩ (hay ít nhất là có khả năng đi qua một tác phẩm lớn mà không làm hỏng nó), tất cả trong một.

Ngày nay, người ta cho rằng một giám đốc biết sáng tác nhạc là người phá cách hoặc một kỹ sư lập trình biết múa đương đại là một hiện tượng kỳ quái. Trong khi, đó mới là lẽ đương nhiên của một con người toàn thiện. Chẳng hiểu vì sao mà ra nông nỗi này: nghệ thuật đã đi vào cái chỗ xa xỉ khù khoằm và sự bận rộn máy móc được khoe khoang không hề hổ thẹn. Thực ra là hiểu, nhưng mà không có đủ cái can đảm để lội dòng đó thôi.



Tâm trí con người rất kỳ diệu, nhưng có hạn chế của nó. “Bạn chính là những gì bạn nghĩ” - đúng đấy, nhưng bạn còn là những gì bạn cảm nhận. Những năm tháng vừa rồi (và rất có thể là sau này nữa) của tôi toàn những cảnh người ta bị làm cho khuyết tật đi, khuyết tật thêm và khuyết tật không thể nào cứu chữa nổi về mặt cảm nhận. Tốc độ, vật liệu nhân tạo, truyền thông và thói xấu tự thân là những thứ khiến cho mũi người ta điếc trước một ngọn cỏ, mắt người ta mù trước một bông hoa, tay chân cùi đi trước một người yêu mới.

Trực cảm về cái đúng (lương tâm) trở thành một cành củi, thi thoảng lại va chạm khô khốc vào thành bụng rồi thôi. Vì lương tâm không giúp trả tiền nhà, không mua được một cái iPhone. Một vạn cái lương tâm gộp lại cũng có khi chỉ để làm giàu cho một đứa làm từ thiện dởm. Cái lương tâm mà người ta tôn thờ trong giáo lý và ca ngợi trong văn chương bước ra đời thật nó mờ mịt như thế đấy. Nhưng nó là cuối cùng chết đi khỏi bạn. Nó khô, nhưng nó vẫn còn đấy. Với những người không bị tàn phá tận cùng, lương tâm thực ra rất dễ để lắng nghe. Mỗi ngày lắng nghe nó một chút, chỉ dăm hôm là đâm ra những chồi mới. Rồi khi bạn nhạy cảm hơn (thực ra là nhạy cảm trở lại), lương tâm sẽ có tiếng nói dõng dạc và che chở ngược lại cái tâm trí yếu đuối của bạn. Lúc bấy giờ, mọi việc bạn làm, bạn làm với sự tự tin và chính trực như thể đi cạnh mặt trời mà không sợ cháy. Đến mức như thế đấy.

Nếu bạn thấy sai, đừng làm. Nếu bạn làm sai rồi, đừng làm sai tiếp. Nếu bạn sai 3 lần, đúng 10 lần không gỡ lại được. Phần này toán học bó tay.



Ở Việt Nam, “sợ sếp” là một điều hiển nhiên, “sợ khách” đôi khi là một điều được mong chờ, “sợ những đồng nghiệp giỏi hơn mình” là việc dễ được chấp nhận, thậm chí có những người được dạy dỗ để “sợ người lớn tuổi”. Đó là những nỗi sợ rất vô lí. Một vài người có những nỗi sợ tinh tế hơn “sợ chậm deadline” “sợ bị chê kém cỏi” “sợ bị trừ lương” “sợ đi muộn”… Có buồn cười không? Người ta toàn SỢ những cái người ta có thể LÀM CHỦ. Bằng cách sợ sệt, người ta tận tay giao cho một người, một tờ danh sách, hoặc thậm chí, một luồng không khí vô hình, con dao để kề cổ chính mình. Đó là một tư thế rất không tốt để làm việc.

Có những người thích gây cho người khác cảm giác sợ sệt. Đây là kiểu đặc biệt phù hợp cho quân đội. Nhưng việc của phần lớn chúng ta, ở thời điểm không giết nhau bằng súng thì không có liên quan gì đến quân đội. Người gây cho người khác cảm giác sợ sệt là người: (1) tự đánh mất năng lượng và thời gian của mình, (2) cướp bóc năng lượng và thời gian của người khác và (3) dẫn dắt công việc đi lòng vòng trong thói cũ. Nếu một công việc được hoàn thành bởi sự sợ hãi, chắc chắn nó để lại một đống rác cần xử lý (trong tâm trí người lao động, trong văn hóa của tổ chức và trong tư cách của người lãnh đạo.) Như những con sên đi đến đâu để lại chất nhầy đến đó, sẽ có kẻ nào đó đi sau bị trượt chân, phải lau dọn hoặc từ chối giẫm lên.



Vì thời gian là trải nghiệm rất cá nhân, và nhìn chung thì chúng ta cũng không có gì ngoài hiện tại.

Một số người tỏ ra phăm phăm từ A đến B để rồi nhận ra, việc lội từ B để đến C thì mất nhiều thời gian hơn là đi thẳng từ A đến C. Chúng ta kể cho nhau rất nhiều câu chuyện để răn dạy nhưng nhìn chung một việc cứ lặp đi lặp lại hết lần này đến lần khác, hết thế hệ này đến thế hệ khác. Ví dụ như câu chuyện “có tiền và địa vị nhưng không có hạnh phúc, lúc nhận ra thì đã tiêu hết 90% quỹ thời gian của chính mình”.

Thời gian là trải nghiệm rất cá nhân, người ta phải học để can đảm chấp nhận điều đó, có như thế mới có thể sống mà không than phiền. Tôi chưa thấy có cách nào tốt hơn để nhìn nhận về vấn đề này.

“Tôi đã ba mươi tuổi mà chưa có nhà.” Thì sao?
“Tôi đã đi hết nửa đời người mà chưa yêu ai.” Thì sao?
“Tôi đã cố gắng 200% nhưng vẫn đi sau họ.” Thì sao?

Vấn đề không nằm ở tốc độ, vì suy cho cùng, 70 năm của chúng ta chỉ là cái chớp mắt của vũ trụ (khoa học thực nghiệm), là một của “vô lượng kiếp” (Phật giáo), là chẳng có nghĩa lí gì của không gì cả (chủ nghĩa hư vô)… Bạn có đủ can đảm để nhận ra thời gian có ý nghĩa gì với chính mình hay không, đó mới là vấn đề.

Tôi thì tôi thấy nó chẳng còn nhiều ý nghĩa nữa, trí nhớ của tôi bây giờ có đơn vị là ngày: ngày hôm nay tôi quên mất ngày hôm qua đã đi đâu, ăn gì. Và tôi thấy điều đó thật là giải phóng!



Đây chính là ông tổ của những rổ self-help kiểu Đắc Nhân Tâm. Nếu bạn biết người khác truy cầu Danh và Lợi dưới nhiều dạng thức và mức độ, bạn cũng biết bạn đang truy cầu Danh và Lợi ở những dạng thức và mức độ cụ thể, tôi đồ rằng chúng ta sẽ rất nhịp nhàng mà sống với nhau. Vì chúng ta biết tỏng cái điểm hợp lý của mọi mối giao lưu. Con người ta tìm ra trăm tỷ cách để phủ lên Danh và Lợi những diễn đạt xa xôi móc nối. Thử gọi ra một cái gì mà không thuộc Danh cũng không thuộc Lợi trong công việc bạn đang làm xem. Không có, đúng không?!

Thực tình Danh Lợi cũng không phải để phán xét tốt hay xấu, nhưng nếu mình nhận thức được những việc mình đang làm thực ra là để lấy Danh và lấy Lợi, mình sẽ trở thành một người chính trực hơn, và nhìn chung, để cho người khác yên ổn sống cuộc đời của họ hơn.



Động lực là tổ hợp những phản ứng hóa học diễn ra trong đầu bạn nhằm duy trì bạn ở trong một xu hướng. Nếu những phản ứng đó xảy ra, bạn thành công. Nếu những phản ứng đó không xảy ra, bạn đã thành công theo một cách khác. Đấy là một phần rất tự nhiên của cuộc đời bạn.

Việc kinh doanh lời khuyên quá phổ biến trong thời đại này cho chúng ta một hiểu biết rằng: để có một buổi sáng tốt lành, bạn cần dậy vào lúc 5h sáng; để dậy vào lúc 5h sáng, bạn cần có một động lực để dậy vào 5h sáng. Đây là cái kiểu tư duy dễ dãi mà tôi không chịu nổi.

Trong thực tế, mọi chuyện diễn ra như sau: Bạn dậy vào 5h sáng -> bạn có một buổi sáng tốt lành; bạn không dậy vào 5h sáng -> bạn có một buổi sáng kém tốt lành như mong muốn. (Bạn “thất bại” ngay ở cái lúc mà bạn không dậy vào 5h sáng, chuyện đã rồi, bạn không thể làm gì với nó nữa.) Nói đúng ra thì bạn đã thành công trong việc không dậy vào 5h sáng, bạn đã có một động lực để không dậy vào 5h sáng. Đến đây thì tất cả những “chuyên gia khuyên nhủ” trở nên tắc tị.

Cái điều mà thực sự dẫn đến thất bại chính là do mình không biết nên làm gì với cái động lực mà mình có. “Tôi đã có một động lực để không dậy vào 5h sáng, đó là tôi cảm thấy mình đã làm việc đủ nhiều và nhìn chung hôm nay là một ngày không mấy hứa hẹn. Tôi nên làm gì với cái động lực này đây?”



Khi sinh ra, chúng ta được lập trình để truy cầu hạnh phúc, không phải là trở thành một nhà quản lý bán hàng giỏi. Có những người ngông cuồng đến mức, họ nghĩ họ thắng được cái thiết kế sinh học và tinh thần thiêng liêng đó. Họ nghĩ rằng (và thực sự đã đi truyền thông rằng) làm việc trong môi trường cạnh tranh trong ngành bán lẻ, với cơ hội di chuyển quốc tế nhiều… hay tất cả những thứ kiểu vậy là thứ mà tâm hồn cần. Cầu mong cho họ tranh thủ được thời gian sống một cách tốt hơn.



Vui hay buồn, xấu hổ hay vinh quang, nhiều hay ít, có cái gì là không trở thành quá khứ? Nhất là công việc - thứ mà chỉ được quan sát chủ yếu như là một chuỗi những hành động, lại càng chóng vánh. Rất đáng thương nếu cứ tiếc hoài những gì mình đã làm hoặc không làm trong quá khứ. Rất nguy hiểm nếu cứ nghĩ rằng những gì mà mình đang làm hoặc không làm trong hiện tại sẽ mãi giữ được cái tầm quan trọng của nó. Ai mà cố chấp thì cùng lắm có được cái bia, chứ thực tình không hơn nhau gì cả.



Đây cũng là lí do mà trong lần "thất nghiệp chủ động" này, mình và Chi có hy vọng hơn mọi lần chuyển việc khác vào tương lai mà hai đứa đang gầy dựng cho bản thân mình thông qua việc giúp đỡ người khác. Chúng mình sẽ ra mắt một dự án "làm thuê miễn phí" với quy mô cực khủng dành cho các doanh nghiệp địa phương về Nghệ thuật và Phát triển. Xin hãy ủng hộ chúng mình nhé!