DJC

Đã đánh giá tài liệu

Cảm ơn bạn đã phản hồi

Giới thiệu Trần Tộc Việt Nam

Tài liệu miễn phí

GIỚI THIỆU CHUNG VỀ DÒNG HỌ TRẦN VIỆT NAM

Đất nước Việt Nam có bề dày lịch sử hơn 4.000 năm với hàng trăm họ tộc đã viết nên những trang sử oai hùng, trong đó, họ Trần là một trong những dòng họ nổi tiếng và giàu truyền thống bậc nhất ở nước ta. Đã có rất nhiều người con họ Trần ghi tên mình vào lịch sử với những công lao to lớn trong công cuộc dựng xây, mở mang bờ cõi và làm rạng danh quê hương Việt Nam.

Chắc hẳn chúng ta còn nhớ về một vương triều nhà Trần với 12 vị Hoàng đế đã cai trị nước Đại Việt trong 175 năm. Đây là một triều đại huy hoàng bậc nhất trong lịch sử nước nhà với chiến công vô tiền khoáng hậu: ba lần đánh thắng giặc Mông - Nguyên. Cùng với đó, vương triều này đã tạo dựng nên một thời kỳ hưng thịnh về kinh tế, văn hóa mà đời sau vẫn còn tự hào và gọi đó là “Hào khí Đông A” lừng danh một thời.

Thế nhưng, họ Trần đâu chỉ nổi tiếng với vương triều Trần ở thế kỷ XIII mà xa hơn trước đó, những người con họ Trần đã xuất hiện và để lại dấu ấn cho riêng mình.

Từ thuở khai thiên lập địa đã xuất hiện danh tướng Trần Tự Minh, vị tướng dưới thời Hùng Vương và sau đó giúp vua An Dương Vương kháng Tần, kiến lập nên nước Âu Lạc. Sau đó có bà Man Thiện, tên thật là Trần Thị Đoan, là thân mẫu của Hai Bà Trưng, người đã hết lòng ủng hộ, giúp sức cho hai nữ tướng nổi dậy khởi nghĩa chống lại nhà Hán. Đó chính là những người họ Trần đầu tiên đặt nền móng cho sự ra đời và phát triển của dòng họ này.

Trải qua hàng trăm năm phát triển, họ Trần đã vươn mình trở thành một dòng họ lớn mạnh, góp công lao không nhỏ trong mọi lĩnh vực, mọi mặt đời sống xã hội của đất nước. Họ Trần đã sản sinh ra các nhà chính trị gia, nhà quân sự kiệt xuất cho dân tộc như Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, người anh hùng dân tộc, vị Quốc công tiết chế tài ba được người đời phong là “Đức Thánh Trần”; danh tướng Trần Bình Trọng, người đã chống giặc Mông - Nguyên đến hơi thở cuối cùng và để lại câu nói bất hủ: “Ta thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc”; Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng là người họ Trần, đó là Tổng Bí thư Trần Phú; Bác sĩ Trần Duy Hưng, vị Thị trưởng đầu tiên của Thủ đô Hà Nội… Và còn có một tên tuổi vô cùng đặc biệt, đó là Giáo sư Trần Đại Nghĩa. Ông tên thật là Phạm Quang Lễ và đã được Bác Hồ đổi tên thành Trần Đại Nghĩa. Bác đã giải thích rằng từ “Đại Nghĩa” ở đây là việc nghĩa lớn, còn họ Trần là dòng họ lẫy lừng trong sử sách và là họ của Hưng Đạo Vương, một anh hùng dân tộc. Điều đó đủ cho thấy uy tín của dòng họ Trần và sự tin tưởng của Bác đối với dòng họ này.

Dòng họ Trần cũng là dòng họ có thành tích khoa bảng đáng tự hào khi mà thời đại nào này cũng có những người đỗ đại khoa, vinh danh bảng vàng. Trong lịch sử đã chứng kiến rất nhiều vị đại khoa là những người mang họ Trần hoặc có gốc gác là họ Trần như Trạng nguyên Trần Quốc Lặc, Trạng nguyên Trần Cố, Trạng nguyên Trần Văn Bảo, Trạng nguyên Đặng Công Chất, Tiến sĩ Trần Quốc Khái. Họ đều là những người hiền tài, trụ cột đất nước trong thời đại của mình.

Ngày nay, ở Việt Nam, họ Trần là dòng họ lớn thứ hai, chiếm khoảng 12,1% dân số cả nước, tức là cứ 100 người đọc bài viết này thì sẽ có khoảng hơn 12 người là họ Trần. Những người con của dòng họ Trần có quyền tự hào về gốc tích vẻ vang của dòng họ mình, và đang tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của tổ tiên, lập nên nhiều kỳ tích, xứng đáng với hào khí Đông A muôn đời tỏa sáng.

NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN CỦA DÒNG HỌ TRẦN

Dòng họ Trần là dòng họ thuần Việt và có lịch sử phát triển lâu đời, tuy nhiên chưa có tài liệu chính thống ghi nhận về thời điểm ra đời của họ Trần. Tương truyền rằng, xưa kia, người họ Trần sống ở đất Mân thuộc dòng Bách Việt rồi di cư xuống phía Nam sinh sống cùng người Lạc Việt của nước Văn Lang, người họ Trần đầu tiên được ghi chép trong sử sách là cụ Trần Tự Minh. Cụ Trần Tự Minh sống vào khoảng thế kỷ thứ III trước Công nguyên, là một tướng tài của Hùng Vương thứ 18. Sau đó, cụ quy thuận dưới trướng của Vua An Dương Vương, cùng với Cao Lỗ trở thành trụ cột trong cuộc chiến chống lại sự xâm lược Âu Lạc của nhà Tần và Triệu Đà.

Khi thành Cổ Loa thất thủ, nước Âu Lạc mất, cụ Trần Tự Minh lui về sống ở Kinh Bắc (Bắc Ninh ngày nay), hậu duệ của cụ cũng phân chia ra làm nhiều nhánh, hiện vẫn còn nhiều người sinh sống tại khu vực này.

Sau khi Âu Lạc bị chiếm, nước ta rơi vào ách đô hộ của nhà Hán. Bấy giờ, đất Mê Linh được cai quản bởi một vị tướng yêu nước, gọi là Lạc tướng. Ông kết hôn với bà Trần Thị Đoan, tục gọi là bà Man Thiện và sinh được hai cô con gái là Trưng Trắc và Trưng Nhị. Bà Man Thiện đã tự mình dạy dỗ các con trở thành những người có tài thao lược và giàu lòng yêu nước. Đến năm 40, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, bà Man Thiện chính là người đã đứng ra tổ chức nghĩa quân. Khi cuộc khởi nghĩa giành thắng lợi, bà Man Thiện được suy tôn làm Hoàng hậu, kiến lập dòng họ Man. Bà đã dẫn quân về trấn giữ vùng núi Ba Vì, sau đó, quân Hán lại tràn sang xâm lược, bà anh dũng chống trả nhưng quân giặc quá mạnh, để không bị địch bắt, bà trầm mình ở dòng sông Hồng vào ngày 10 tháng Chạp năm Quý Mão 43.

Vào cuối thời nhà Ngô, khi đất nước xảy ra “Loạn 12 sứ quân”, ở Thái Bình có tướng Trần Lãm, còn được gọi là Trần Minh Công, đã xưng hùng xưng bá một phương. Trần sứ quân sau đó đã gả con gái cho Đinh Bộ Lĩnh và giúp sức đắc lực cho con rể dẹp loạn thiên hạ, thống nhất giang sơn, kiến lập nên nhà Đinh vào năm 968.

Sau đó, đất nước Đại Việt trải qua một thời kỳ thịnh trị trong giai đoạn đầu khi nhà Lý lên cai trị. Nhưng đến cuối triều Lý, thiên hạ đại loạn, giặc cướp nổi lên khắp nơi. Trong triều đình có quan Thái úy Tô Hiến Thành là người tài giỏi đã giúp vua Lý chấn chỉnh triều cương. Khi bệnh sắp mất, ông đã tiến cử một người tài đức khác để thay thế mình phò vua giúp nước, đó là Trần Trung Tá, một quan đại thần mẫn cán, tài đức không kém gì Tô Hiến Thành.

Đến thế kỷ XIII, ở vùng Hải Ấp, nay thuộc huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình có gia tộc của cụ Trần Lý là một hào trưởng ở trong vùng, rất có uy tín, được nhiều người quy phục. Cụ Trần Lý có hai người con trai là Trần Thừa và Trần Tự Khánh, lại có một người cháu họ là Trần Thủ Độ đều là những người có tài thao lược. Khi đất nước ngày một loạn lạc, triều đình nhà Lý đã trở nên suy yếu, anh em họ Trần đã gây dựng nên một thế lực lớn mạnh, thâu tóm triều chính. Họ Trần đã lần lượt đánh bại các thế lực đối lập, định yên xã tắc. Và rồi đến năm 1225, Trần Thủ Độ đã ép vị vua cuối cùng của nhà Lý là Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh, con trai của Trần Thừa. Trần Cảnh lên ngôi Hoàng đế, lập ra triều Trần.

Vương triều Trần tồn tại trong 175 năm với 12 đời vua. Thời nhà Trần, nước ta phải đối mặt với ba lần xâm lược của giặc Mông - Nguyên hùng mạnh, nhưng với sự đoàn kết, đồng lòng, vua tôi nhà Trần đã tổ chức kháng chiến thành công, bảo vệ vững chắc nền độc lập của dân tộc. Dưới sự trị vì của các vua Trần, Đại Việt phát triển mạnh mẽ về kinh tế, chính trị, văn hóa, tôn giáo và trở thành một thế lực lớn mạnh trong khu vực khiến nước lớn phải kiêng nể, các nước nhỏ phải phục tùng. Đây cũng là thời kỳ nở rộ tài năng của con cháu họ Trần với rất nhiều tên tuổi là những bậc đại thần trung nghĩa, góp công cho sự hưng thịnh của triều đại như Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Quốc Toản, Công chúa An Tư, Công chúa Huyền Trân, Trần Nguyên Đán…

Đến năm 1400, Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần, lập ra nhà Hồ. Hồ Quý Ly đã ép những người họ Trần phải đổi sang thành họ Mai để tuyệt diệt vương triều cũ. Con cháu họ Trần đã phải lẩn trốn trong dân gian và phải thay tên đổi họ để tránh sự truy sát của triều đình. Để không quên cội nguồn của mình, những người họ Trần đã đổi sang họ Bùi. Theo Hán ngữ, chữ “Bùi” gồm chữ “Phi” và chữ “Y” tạo thành, “Phi Y” có nghĩa là không có áo quần, là ở trần, tức họ Trần.

Nhà Hồ tồn tại được 7 năm thì bị giặc Minh sang tấn công và tiêu diệt, nước ta rơi vào ách đô hộ của giặc Minh. Không cam chịu ách cai trị của ngoại bang, nhân dân đã đứng lên khởi nghĩa, trong đó có các cuộc khởi nghĩa của tôn thất nhà Trần, lớn nhất là cuộc khởi nghĩa của Vua Trần Giản Định và Vua Trần Trùng Quang, sử cũ gọi là nhà Hậu Trần. Tuy nhiên, do thế giặc mạnh, lực lượng cuộc khởi nghĩa còn non yếu nên nghĩa quân đã thất bại, sự nghiệp trung hưng triều Trần cũng bị dập tắt.

Giữa lúc ấy, ở đất Lam Sơn, Thanh Hóa có vị hào trưởng tên là Lê Lợi đã phất cao ngọn cờ khởi nghĩa Lam Sơn, quy tụ hào kiệt và nhân dân cả nước đứng lên chống giặc. Trong hàng ngũ của quân khởi nghĩa có một vị mãnh tướng là Trần Nguyên Hãn. Ông đã góp công trong các trận đánh giải phóng Tân Bình, Thuận Hóa (1425 – 1426), bao vây Đông Quan, công phá thành Xương Giang và chặn đường tiếp tế của quân Minh trong trận Chi Lăng – Xương Giang năm 1427. Sau khi cuộc khởi nghĩa giành thắng lợi, Lê Lợi lên ngôi vua, tức Vua Lê Thái Tổ, đã phong cho Trần Nguyên Hãn làm Tả tướng quốc. Bên cạnh Trần Nguyên Hãn còn có các danh tướng, sĩ phu họ Trần có công phò tá nhà Lê như danh tướng Lê Lựu, danh tướng Trần Chân, Trạng nguyên Trần Sùng Dĩnh, Trạng nguyên Trần Văn Bảo, Trạng nguyên Trần Tất Văn…

Vào thời Lê sơ đã xảy ra một biến cố đối với dòng họ Trần. Đó là Vua Lê Thánh Tông có mẹ là bà Thái hậu Phạm Ngọc Trần. Để, để kiêng tên húy của Thái hậu, Vua nên đã ra lệnh cho những người họ Trần phải đổi thành họ Trình  để kiêng tên húy của Thái hậu này. Sự việc này mãi về sau mới chấm dứt, những người họ Trần cuối cùng cũng đã được trở lại họ chính danh của mình.

Khi nhà Lê suy yếu, đất nước bị chia cắt hàng mấy trăm năm cho đến khi nhà Nguyễn được thành lập. Trong khoảng thời gian đó, rất nhiều người họ Trần đã bước lên vũ đài chính trị, khẳng định tên tuổi bản thân và lập nên công danh hiển hách. Ở Đàng Trong có Trần Thượng Xuyên là người có công giúp Chúa Nguyễn khai phá đất Sài Gòn - Gia Định, có Trần Đại Định và Trần Hầu là những võ tướng tài giỏi có công bảo vệ biên giới phía Tây Nam Đại Việt trước các cuộc xâm lăng của Xiêm La. Đến thời Tây Sơn có Trần Quang Diệu và Trần Văn Sĩ, trong đó, Trần Quang Diệu là một trong thất hổ tướng Tây Sơn trứ danh.

Năm 1802, Nguyễn Ánh lập ra nhà Nguyễn, chính thức thống nhất toàn bộ lãnh thổ nước ta.Trong thời Thời nhà Nguyễn, dòng họ Trần đã đóng góp rất nhiều nhân tài trên nhiều lĩnh vực giúp các vua Nguyễn trị quốc. Trong chính trị, quân sự có Trần Công Lại, Trần Xuân Soạn… là những đại thần tài giỏi, có lòng yêu nước đã hết lòng phụng sự triều đình. Trong giáo dục có các danh sĩ nổi tiếng như Trần Xuân Sắc, Trần Bích San, Tú Xương (Trần Tế Xương), Trần Hữu Thường…

Nhà Nguyễn độc lập tự chủ được hơn 50 năm thì bị thực dân Pháp nổ súng xâm lược. Với ưu thế vượt trội về hỏa lực, quân Pháp nhanh chóng bình định được nước ta, nhà Nguyễn bất lực, buộc phải thừa nhận sự đô hộ của người Pháp trên lãnh thổ Việt Nam. Thế nhưng, khi quân Pháp tiến đến đâu đều vấp phải sự kháng cự quyết liệt của nhân dân ta. Người Việt đã tổ chức các phong trào kháng Pháp với nhiều hình thức đấu tranh phong phú. Trong khí thế đấu tranh sôi nổi ấy, nhiều người con họ Trần đã xả thân vì đất nước. Trần Quý Cáp là một tấm gương yêu nước tiêu biểu, ông đã cùng với các chí sĩ yêu nước như Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng tổ chức phong trào Duy Tân, một phong trào yêu nước chống Pháp rộng lớn thời điểm đó. Ông bị Pháp bắt và bị xử chém vào năm 1908, nhưng tấm gương yêu nước của ông đã thổi bùng ngọn lửa đấu tranh trong cả nước. Trần Cao Vân là một vị đại thần triều Nguyễn được biết đến là một người có tinh thần chống Pháp mạnh mẽ. Ông và Thái Phiên là hai người đã cùng với Vua Duy Tân tổ chức một cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở Trung Kỳ. Cơ mưu bị lộ, ông bị Pháp xử chém. Trước khi lên đoạn đầu đài, ông vẫn ung dung đọc những vần thơ yêu nước vô cùng khẳng khái:

“Trời chung không đội với thù Tây

Quyết trả ơn vua nợ nước này

Một mối ba giềng xin giữ chặt

Thân dù thác xuống rạng đài mây”

Cuộc đấu tranh chống Pháp của nhân dân ta diễn ra rộng khắp nhưng không đạt được kết quả mong muốn, cho đến năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Từ đây, phong trào đấu tranh yêu nước của dân tộc ta được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và đi theo con đường cách mạng vô sản. Trong vòng 45 năm, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta lần lượt giành lại độc lập dân tộc vào năm 1945, đánh bại hai đế quốc sừng sỏ là Pháp và Mỹ trong hai cuộc kháng chiến, để rồi tiến tới thống nhất đất nước vào năm 1975. Trong khoảng thời gian đó, đã xuất hiện rất nhiều vị lãnh đạo, tướng lĩnh quân sự là người họ Trần góp công vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Ngay từ khi Đảng được thành lập, đồng chí Trần Phú đã được bầu làm Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bên cạnh đó là các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng, Chính phủ lâm thời như Trần Văn Cung (Bí thư Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Việt Nam), Trần Đăng Khoa (Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Giao thông Công chính Việt Nam Dân chủ Cộng hòa), Trần Duy Hưng (Chủ tịch Ủy ban Hành chính đầu tiên và có thời gian tại nhiệm lâu nhất của thành phố Hà Nội)...

Trong lực lượng vũ trang nhân dân cũng xuất hiện nhiều vị tướng lĩnh họ Trần nổi tiếng như Trần Đăng Ninh (Bí thư Tổng quân ủy - Tổng Cục trưởng đầu tiên Tổng cục Cung cấp); Trần Nam Trung (Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam); Trần Đình (một trong 8 cận vệ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và được Bác đặt tên là “Lợi” trong cụm từ “Trường Kỳ Kháng Chiến Nhất Định Thắng Lợi”).

Ngày nay, những người con họ Trần tiếp tục đóng góp trong công cuộc xây dựng đất nước trên nhiều lĩnh vực và đạt được nhiều thành tựu to lớn.

Trong lĩnh vực khoa học, giáo dục, người họ Trần có rất nhiều tên tuổi lớn như Giáo sư Trần Văn Giàu, Giáo sư Trần Quốc Vượng, Giáo sư Trần Hữu Tước… Trong giới văn nghệ sĩ có những nghệ sĩ gạo cội, là đầu tàu của nền văn nghệ nước nhà như nhà thơ Trần Tuấn Khải, nhà thơ Nam Cao (tên thật là Trần Hữu Tri), nhà thơ Chính Hữu (tên thật là Trần Đình Bắc), nhà thơ Tế Hanh (tên thật là Trần Tế Hanh), NSND Trần Quốc Khánh…

Trên thương trường, những người họ Trần cũng không kém phần vẻ vang. Hiện nay, trong số những người đứng đầu các công ty, doanh nghiệp có niêm yết trên sàn chứng khoán thì người họ Trần chiếm khoảng 10% với những nhân vật nổi bật như ông Trần Hùng Huy - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng cổ phần Á Châu Việt Nam (ACB), ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát, ông Trần Xuân Kiên - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thế giới số Trần Anh, ông Trần Bá Phúc - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nhựa thiếu niên tiền phong…

Với những công lao đối với đất nước từ ngàn đời xưa, họ Trần đã tạo dựng được một vị thế vững chắc trong cộng đồng các dòng họ ở Việt Nam. Trong bối cảnh đất nước đang ngày càng phát triển, cần rất nhiều nhân tài, vật lực, những người con của dòng họ Trần đã và đang tiếp tục phát huy truyền thống hào hùng của tổ tiên để góp phần xây dựng quê hương, đất nước Việt Nam trở nên giàu đẹp và củng cố hơn nữa hình ảnh của dòng họ trên bản đồ các dòng tộc ở Việt Nam và thế giới.

VƯƠNG TRIỀU TRẦN - TỰ HÀO NGÀN NĂM HÀO KHÍ ĐÔNG A

Trong dòng chảy lịch sử hơn bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước, các dòng họ ở Việt Nam đã thay nhau trị vì, cai quản đất nước để cùng viết nên những trang sử oai hùng của dân tộc Việt. Bên cạnh các dòng họ Ngô, Đinh, Lý, Lê, Nguyễn, dòng họ Trần cũng đã từng một lần bước lên ngôi vị cao nhất của vũ đài chính trị Việt Nam, tạo nên một thời kỳ vàng son trong 175 năm với một tinh thần anh dũng và kiên cường mà hậu thế vẫn gọi đó là “Hào khí Đông A”.

“Hào khí Đông A” là câu nói phản ánh chí khí mạnh mẽ, oai hùng và hào sảng của dòng họ Trần (Trần 陳 là được ghép từ hai thành phần là Đông (東) và A (阿)). “Hào khí Đông A” ra đời khi nhà Trần giành chiến thắng liên tiếp trong ba cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên, thổi bùng lên khí thế và tinh thần dân tộc của người Việt. Đây chính là đại diện cho tinh thần bất khuất, dũng cảm, quyết chiến quyết thắng mọi kẻ thù của nhân dân Đại Việt.

Nhà Trần ra đời trong bối cảnh xã hội Đại Việt cuối thời Lý ngày càng loạn lạc, triều chính rối ren, vua quan mặc sức ăn chơi, không chăm lo đến đời sống nhân dân, các thế lực cát cứ nổi lên khắp nơi, không quy thuận triều đình... Bấy giờ, ở vùng Hải Ấp (nay thuộc tỉnh Thái Bình) có dòng họ Trần nổi tiếng giàu có, khoan hòa, được người dân mến phục. Dòng họ Trần này có tổ tiên là cụ Trần Tự Minh sống vào thời An Dương Vương, định cư ở đất Kinh Bắc. Trải qua hàng trăm năm, dòng họ này đã xuôi về An Sinh, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh ngày nay, sống bằng nghề chài lưới trên sông nước. Đến đời của cụ Trần Kinh thì họ Trần đã chuyển vào hương Tức Mạc, huyện Thiên Trường, tỉnh Nam Định. Khu vực này được coi là nơi phát tích của dòng họ Trần.

Cụ Trần Kinh có một người con trai tên là Trần Hấp. Trong một lần đi chơi, Trần Hấp nghe nói rằng ở đất Thái Đường, phủ Long Hưng (nay thuộc huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) là nơi đất tốt, có thể phát nghiệp đế vương nên đã di dời mộ cụ cố về đặt ở Thái Đường, rồi chuyển cả gia quyến về đó sinh sống. Từ đó, Nhờ vậy gia tộc họ Trần mỗi ngày thêm phát đạt. Trần Hấp sinh ra Trần Lý, Trần Lý sinh ra Trần Thừa và Trần Tự Khánh cũng ngày một trở nên hưng thịnh. Họ Trần đã làm chủ được cả vùng Hải Ấp bên cạnh và trở thành một thế lực lớn ở trong vùng.

Vào năm Kỷ Tỵ 1209, ở kinh thành Thăng Long xảy ra cuộc biến loạn của Quách Bốc khiến vua Lý Cao Tông phải bỏ kinh thành đi lánh nạn; Thái tử Lý Sảm cũng phải rời kinh đô, đến vùng Hải Ấp nương nhờ nhà của Trần Lý. Thái tử thấy người con gái của Trần Lý là Trần Thị Dung có nhan sắc xinh đẹp nên đã lấy nàng làm vợ, lại phong chức tước cho Trần Lý và các con của ông. Anh em họ Trần sau đó đã tập hợp binh mã, kéo về Thăng Long dẹp loạn Quách Bốc rồi đón vua Lý Cao Tông và Thái tử Lý Sảm về kinh. Từ đó, uy tín của họ Trần ngày một lớn mạnh, vua Lý phải nương nhờ vào thế lực họ Trần để đánh dẹp các thế lực phản loạn. Anh em họ Trần nhân đó đã nắm giữ các chức vụ chủ chốt trong triều đình, thâu tóm mọi quyền hành. Khi Vua Lý Cao Tông mất, Thái tử Lý Sảm lên thay, tức Vua Lý Huệ Tông. Vua Lý Huệ Tông không có con trai, chỉ có hai công chúa là Công chúa Thuận Thiên và Công chúa Chiêu Thánh. Công chúa Thuận Thiên thì đã gả cho Trần Liễu, con trai cả của Trần Thừa; còn Công chúa Chiêu Thánh được Vua Lý Huệ Tông rất yêu mến, lập làm Thái tử. Trần Thủ Độ khi ấy đang giữ chức Điện Tiền chỉ huy sứ, đã sắp xếp để Vua Lý Huệ Tông nhường ngôi cho Công chúa Chiêu Thánh, tức Vua Lý Chiêu Hoàng. Đến tháng 12 năm 1225, Vua Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh, người con thứ của Trần Thừa, nhà Lý đến đây chính thức sụp đổ sau 216 năm tồn tại. Trần Cảnh lên ngôi vua, tức Vua Trần Thái Tông, vương triều Trần được thành lập.

Vương triều Trần bắt đầu từ Vua Trần Thái Tông đến khi kết thúc dưới triều Vua Trần Thiếu Đế tổng cộng được 175 năm, qua 12 đời vua. Trong khoảng thời gian ấy, nhà Trần đã để lại những chiến công vĩ đại được sử sách lưu danh muôn thuở, trong đó chiến công lớn nhất là ba lần chống quân Mông - Nguyên xâm lược, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.

Tháng 1 năm 1258, ba vạn quân Mông cổ do Ngột Lương Hợp Thai chỉ huy, tiến vào xâm lược Đại Việt. Quân giặc theo đường sông Thao, tiến xuống Bạch Hạc (Phú Thọ), rồi tiến đến vùng Bình Lệ Nguyên (Vĩnh Phúc) thì bị chặn lại ở phòng tuyến do Vua Trần Thái Tông chỉ huy. Để bảo toàn lực lượng, nhà Trần chủ trương cho quân rút khỏi kinh thành Thăng Long, thực hiện “vườn không nhà trống”. Giặc vào kinh thành vắng lặng không một bóng người và không một chút lương thực. Chúng đã điên cuồng tàn phá kinh thành. Dần dần, quân giặc lâm vào cảnh thiếu lương thực phải mang quân đi tấn công các vùng xung quanh nhưng lại bị quân dân ta chống trả khiến cho lực lượng của chúng bị tiêu hao dần. Quân giặc ngày càng trở nên khốn đốn. Nhận thấy thời cơ đã đến, nhà Trần mở cuộc phản công lớn ở Đông Bộ Đầu (bến sông Hồng, ở phố Hàng Than, Hà Nội ngày nay). Ngày 29 tháng 1 năm 1258, quân Mông cổ thua trận phải rút chạy về nước. Cuộc kháng chiến chống quân Mông cổ xâm lược lần thứ nhất kết thúc thắng lợi.

Gần 30 năm sau, quân Mông - Nguyên lại âm mưu tấn công xâm lược nước ta. Để thực hiện âm mưu này, chúng lấy cớ mượn đường để tiến đánh Champa rồi tạo thế gọng kìm tấn công nước ta ở hai mặt Bắc - Nam. Sau khi biết tin quân Nguyên đánh Champa, Vua Trần triệu tập các vương hầu, quan lại họp ở Bình Than (Chí Linh, Hải Dương) để bàn kế đánh giặc. Trần Quốc Tuấn được vua giao cho chỉ huy cuộc kháng chiến. Ông soạn Hịch tướng sĩ để động viên tinh thần chiến đấu của quân, dân. Đầu năm 1282, Vua Trần mở Hội nghị Diên Hồng ở Thăng Long để hỏi ý kiến các vị bô lão về việc hòa hay đánh trước âm mưu của quân Nguyên Mông. Các phụ lão đều nói “đánh". Sau đó, cả nước được lệnh chuẩn bị sẵn sàng, quân đội tập trận lớn ở Đông Bộ Đầu. Cuối tháng 1 năm 1285, Thoát Hoan chỉ huy 50 vạn quân tấn công Đại Việt. Quân ta do Trần Hưng Đạo chỉ huy, sau một số trận chiến ở biên giới đã chủ động rút về Vạn Kiếp (Chí Linh, Hải Dương). Giặc tấn công Vạn Kiếp, quân đội nhà Trần rút về Thăng Long, rồi rút về Thiên Trường (Nam Định), để Thăng Long “vườn không nhà trống”. Quân Nguyên chiếm được Thăng Long nhưng chỉ dám đóng quân ở phía bắc sông Nhị (sông Hồng). Trong khi đó, Toa Đô từ Champa đánh ra Nghệ An, Thanh Hoá. Thoát Hoan mở cuộc tấn công xuống phía Nam nam, tạo thế “gọng kìm” với hi vọng tiêu diệt chủ lực quân Trần và bắt sống Vua Trần. Quân ta chiến đấu dũng cảm, Thoát Hoan phải lui quân về Thăng Long, nhưng gặp cảnh “vườn không nhà trống", quân Nguyên lâm vào tình thế bị động, thiếu lương thực trầm trọng. Từ tháng 5 năm 1285, quân đội nhà Trần bắt đầu phản công, nhiều trận đánh lớn đã diễn ra ở Tây Kết, Hàm Tử (Khoái Châu, Hưng Yên), Chương Dương (Thường Tín, Hà Nội), quân giặc đại bại, quân ta tiến vào Thăng Long. Quân Nguyên tháo chạy. Sau hơn hai tháng phản công, quân dân nhà Trần đã đánh tan hơn 50 vạn quân xâm lược nhà Nguyên, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến lần thứ hai.

Không cam chịu hai lần thất bại liên tiếp, nhà Nguyên ráo riết xâm lược nước ta lần thứ ba. Đứng trước nguy cơ bị xâm lược, nhà Trần khẩn trương chuẩn bị kháng chiến, tăng cường quân số ở những nơi hiểm yếu, nhất là vùng biên giới và vùng biển. Cuối tháng 12 năm 1287, khoảng 30 vạn quân Nguyên tiến vào nước ta. Cánh quân bộ do Thoát Hoan chỉ huy, vượt biên giới đánh vào Lạng Sơn, Bắc Giang rồi kéo về Vạn Kiếp. Cánh quân thuỷ do Ô Mã Nhi chỉ huy theo đường biển tiến vào sông Bạch Đằng, rồi tiến về Vạn Kiếp. Quân Trần chủ động phục kích quân địch tại nhiều nơi để tiêu hao sinh lực địch. Tại Vân Đồn, Trần Khánh Dư chỉ huy quân mai phục, khi đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ đến, quân Trần đổ ra đánh dữ dội. Phần lớn thuyền lương của giặc bị đánh đắm, số còn lại bị quân ta chiếm. Sau trận Vân Đồn, tình thế quân Nguyên ngày càng khó khăn khi mà nguồn lương thực quan trọng nhất của chúng đã bị quân ta chiếm giữ, nhiều nơi xung yếu bị quân Trần tấn công chiếm lại, lương thực ngày càng cạn kiệt, quân giặc ở Thăng Long đứng trước tình thế bị cô lập. Thoát Hoan quyết định rút quân về Vạn Kiếp và từ đây rút quân về nước theo hai đường thuỷ, bộ rồi sẽ chuẩn bị lại từ đầu. Để dập tắt hoàn toàn ý đồ xâm lược của kẻ thù, nhà Trần quyết định mở cuộc phản công ở cả hai mặt trận thuỷ và bộ.

Trên sông Bạch Đằng, tháng 4 năm 1288, thủy quân nhà Trần đã dụ đoàn thuyền của Ô Mã Nhi lọt vào trận địa bãi cọc trên sông Bạch Đằng do quần Trần bố trí từ trước, rồi đổ ra đánh. Một trận thủy chiến ác liệt đã diễn ra, Ô Mã Nhi bị bắt sống.

Trên bộ, Thoát Hoan dẫn quân từ Vạn Kiếp theo hướng Lạng Sơn rút về Trung Quốc, bị quân dân ta liên tục chặn đánh khiến chúng không dám phản kháng. Cuộc kháng chiến lần thứ ba chống quân xâm lược Nguyên kết thúc thắng lợi và từ đây, nhà Nguyên cũng từ bỏ hẳn ý định xâm lược nước ta.

Không chỉ bảo vệ vững chắc chủ quyền đất nước, vương triều Trần còn là một triều đại hưng thịnh bậc nhất trong lịch sử nước nhà. Nhà Trần đã tiếp nối sự hưng thịnh có từ thời nhà Lý và phát triển lên một tầm cao mới. Các vua nhà Trần đa số đều là những con người tài hoa, anh minh và yêu nước thương dân, lại được nhiều bề tôi tài đức, nhân nghĩa phò tá nên nước Đại Việt dưới thời Trần được đánh giá là một quốc gia cường thịnh, nhân dân an cư lạc nghiệp, bên ngoài các nước đều phải kiêng nể. Dưới thời Trần, chế độ phong kiến trung ương tập quyền đã đạt đến đỉnh cao, Vua Trần là người đứng đầu đất nước, nắm mọi quyền hành, nhà Trần lại thi hành chế độ Thái Thượng hoàng, tức Vua Trần chỉ làm vua một thời gian rồi truyền ngôi sớm cho con để cùng trông coi việc nước. Việc này được các sử gia đánh giá là tích cực và tiến bộ bởi nó sẽ hạn chế việc tranh quyền đoạt vị và giúp cho vị vua trẻ có thêm kinh nghiệm trị quốc từ vua cha của mình.

Dưới thời Trần, giáo dục, khoa cử được mở rộng, rất nhiều nhân tài nhờ đó có cơ hội thể hiện tài năng ra giúp nước giúp đời như Nguyễn Hiền, Mạc Đĩnh Chi, Đoàn Nhữ Hài, Nguyễn Trung Ngạn. Các lĩnh vực khác như kinh tế, văn hóa, pháp luật… cũng đạt đến đỉnh cao trong thời kỳ này.

Nhà Trần nổi tiếng với rất nhiều bề tôi lương đống, hết mực trung thành với triều đình, với đất nước. Đây là thành quả của chính sách đại đoàn kết toàn dân mà các Vua Trần đã thực hiện. Đó là chủ trương vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục, nước nhà chung sức trứ danh trong đạo trị quốc mà các Vua Trần đã truyền dạy cho con cháu. Trong nội bộ hoàng tộc, họ Trần chủ trương không phân biệt ngôi thứ, địa vị mà thường ăn chung một cỗ, ngủ chung một giường, chỉ khi thiết triều mới phân biệt chức tước mà thôi. Đối với nhân dân, các Vua Trần đã tích cực chăm lo đến đời sống của người dân, chú trọng phát triển kinh tế để người dân được an cư lạc nghiệp. Và đặc biệt, các Vua Trần rất biết lắng nghe tiếng nói của người dân, trong hoàn cảnh ngặt nghèo nhất của đất nước khi đối mặt với giặc ngoại xâm, Vua Trần đã mời các bô lão về điện Diên Hồng để hỏi ý kiến, đây là hành động thể hiện triều đình rất trân trọng ý kiến của người dân, thể hiện trên dưới một lòng vì nước vì dân. Chính vì thế mà nhà Trần đã vượt qua ba cuộc chiến khốc liệt và khi chiến tranh đã qua đi thì đất nước vẫn đạt được sự phát triển mạnh mẽ và trở nên phồn thịnh.

“Hào khí Đông A” của thời đại nhà Trần với những mốc son chói lọi trong công cuộc dựng nước và giữ nước đã chứng tỏ sự đúng đắn trong nghệ thuật trị quốc của nhà Trần. Đó là sự khơi dậy đến mức độ cao nhất của tinh thần yêu nước trong toàn dân, khiến cho tất cả con dân Đại Việt đều đồng lòng vì nghĩa lớn với một tinh thần quyết tử không hề nao núng. Đó còn là tinh thần đại đoàn kết toàn dân đã tạo thành một nguồn sức mạnh to lớn có thể đánh bại mọi kẻ thù cho dù chúng có hùng mạnh đến đâu. Những bài học đó của vương triều Trần đã được lịch sử chứng minh và còn giữ nguyên giá trị đến ngày nay. Trong thời kỳ hiện đại, khi đất nước đang vươn lên mạnh mẽ thì tinh thần của “Hào khí Đông A” đang được tái hiện và phát huy một cách mạnh mẽ, soi rọi con đường phát triển của đất nước Việt Nam. Những người con họ Trần nói riêng và toàn thể dân tộc Việt Nam nói chung sẽ mãi luôn tự hào về một thời vàng son của đất nước và “Hào khí Đông A” đã được hun đúc từ tinh thần ông cha ta hàng ngàn năm trước sẽ mãi trường tồn với thời gian.

Tổng quan về dòng họ Trần Việt Nam

141 Lượt xem
other
Tặng đá Báo cáo
Chia sẻ

Ý kiến (0)