DJC

Đã đánh giá tài liệu

Cảm ơn bạn đã phản hồi

Giới thiệu Lê Tộc Việt Nam

Tài liệu miễn phí

GIỚI THIỆU CHUNG VỀ DÒNG HỌ LÊ VIỆT NAM

Đất nước Việt Nam có bề dày lịch sử hơn 4.000 năm với hàng trăm họ tộc đã viết nên những trang sử oai hùng. Trong lịch sử hào hùng của dân tộc đã có biết bao người con của họ Lê đã có công dựng nước, giữ nước, mở mang bờ cõi và làm rạng danh nước Việt Nam này.

Sử sách Việt Nam đã ghi công và người Việt Nam không bao giờ quên công lao của các quân chủ họ Lê như Vua Lê Đại Hành - vị anh hùng đại phá quân Tống xâm lược năm 981, kiến lập triều Tiền Lê, hay Vua Lê Thái Tổ - Lê Lợi - người được coi là “Ông Tổ trung hưng thứ hai” của Việt Nam khi đã có công đánh bại quân Minh, giành lại độc lập cho nước Việt. Đây cũng là hai danh nhân họ Lê xuất hiện trong danh sách “14 vị anh hùng dân tộc tiêu biểu của Việt Nam” do Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch công bố năm 2013. Họ Lê cũng là dòng họ đã sáng lập nên hai triều đại phong kiến tồn tại trong lịch sử là nhà Tiền Lê và Hậu Lê với tổng cộng 384 năm trị vì cùng 29 vị vua họ Lê, đó là còn chưa kể đến những vị vua Lê không chính thống hay có thời gian tại vị quá ngắn ngủi. Vì thế mà họ Lê đang nắm giữ kỷ lục là dòng họ có nhiều vua nhất và có thời gian cai trị lâu nhất, hơn bất cứ triều đại nào.

Họ Lê là dòng họ phổ biến thứ ba ở Việt Nam, chiếm khoảng 10% dân số Việt Nam. Đây cũng là dòng họ thuần Việt, có mặt rất sớm ở nước ta. Với quân số đông đảo, lại có quá trình hình thành, phát triển gắn liền với chiều dài lịch sử đất nước nên dòng tộc này đã chứng kiến những nốt thăng trầm của lịch sử và sản sinh ra rất nhiều hiền tài kiệt xuất, được lưu danh muôn thuở.

Thời phong kiến có những vị vua chúa họ Lê đã đi vào sử sách là những bậc minh quân lỗi lạc. Đó là Vua Lê Nhân Tông, vị vua trẻ nhất sử Việt, một vị vua nhân từ đức độ; hay Vua Lê Thánh Tông, vị vua thứ tư của nhà Hậu Lê, thời kỳ ông trị vì được sử cũ mô tả bằng một câu nói ngắn gọn nhưng đầy ý nghĩa là “Hồng Đức Thịnh Thế” với rất nhiều thành tựu trên mọi lĩnh vực.

Họ Lê cũng là dòng họ mở đầu cho nền khoa cử nước nhà với vị Trạng nguyên đầu tiên trong lịch sử là Trạng nguyên Lê Văn Thịnh, người làng Đông Cứu, nay thuộc huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, đỗ Trạng năm 1075. Chính trị gia thời xưa có Lê Sát, Lê Ngân - đại công thần khai quốc, anh hùng chống giặc Minh; Lê Khôi - người được truyền tụng là Đức Quan Hoàng Mười giáng sinh để cứu giúp dân Nam; Lê Văn Duyệt - vị Tổng trấn Gia Định, người khai phá mảnh đất Nam Bộ. 

Trong lĩnh vực quân sự, sử Việt đã lưu danh nhiều cái tên mang họ Lê, như  Lê Phụng Hiểu - một trong “Tam kiệt” của triều đình nhà Lý; hay tấm gương Lê Lai liều mình cứu chúa đã trở thành biểu tượng về lòng trung nghĩa ngàn năm không phai; hoặc Đại tướng Lê Trọng Tấn, một trong “Tứ đại sư trưởng”, vị tướng đánh giặc giỏi nhất trong lịch sử quân đội ta, cùng với vô vàn tên tuổi nổi tiếng khác.

Trong khoa học, giáo dục cũng có vô số cái tên của họ Lê như Bảng nhãn, nhà sử học Lê Văn Hưu - tác giả của bộ sử “Đại Việt sử ký”; Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác - một danh y lừng lẫy; nhà bác học đại tài Lê Quý Đôn - cuốn “Bách khoa toàn thư sống” trong sử Việt; hay Giáo sư Lê Văn Thiêm - vị Tiến sĩ Toán học đầu tiên của Việt Nam…

Không chỉ có vậy, họ Lê còn có các nữ danh nhân, các nữ tướng ghi danh mình trong cuộc đấu tranh dựng nước và vệ quốc của dân tộc. Thời Hai Bà Trưng có nữ tướng Lê Chân, người khai mở mảnh đất là tiền thân của Thành phố Hải Phòng ngày nay. Đến thế kỷ XI có Hoàng hậu Lê Thị Phất Ngân, Công chúa triều Tiền Lê, Hoàng hậu của Vua Lý Thái Tổ, mẹ đẻ Vua Lý Thái Tông; hay Nguyên Phi Ỷ Lan (tên thật là Lê Thị Khiết) - người phụ nữ duy nhất trong lịch sử được hai lần thay vua trị quốc. Sau này còn có Công chúa Lê Ngọc Hân, người vợ đảm đang của anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung - Nguyễn Huệ với thiên tình sử đẹp đẽ, lưu mãi ngàn năm.

Những công trạng vẻ vang của những người con họ Lê trong sử sách từ cổ chí kim luôn là niềm tự hào của đất nước Việt Nam nói chung và của con cháu Lê tộc nói riêng. Mỗi người con mang dòng máu họ Lê có quyền tự hào về thành tích vẻ vang của dòng họ, tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của tổ tiên, lập nên nhiều kỳ tích, xứng đáng với những chiến công mà các bậc tiền nhân đã dày công tạo lập.

NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN CỦA DÒNG HỌ LÊ

Tại Việt Nam, dòng họ Lê là dòng họ phổ biến và xuất hiện từ những ngày đầu dựng nước. Theo một số thần phả và tư liệu lịch sử, dòng họ Lê có từ buổi Khởi nguyên hồng hoang của đất nước, ngay từ những ngày đầu Vua Hùng dựng nước Văn Lang.

Họ Lê là một dòng họ thuần Việt, ban đầu định cư chủ yếu ở ven sông Mã, từ đất Thanh Hoá trở ra Ninh Bình. Điều này được chứng minh bằng dữ liệu lịch sử: Trong suốt thời gian 1.000 bị giặc phương Bắc đô hộ, không có bất kỳ một viên quan cai trị người Trung Quốc nào mang họ Lê. Trải qua nhiều thiên niên kỷ sinh sôi nảy nở, họ Lê đã dần trở thành một dòng họ lớn, đóng vai trò quan trọng trong lịch sử thăng trầm, hưng thịnh của đất nước Việt Nam. Trong bất kỳ thời đại nào, trong bất cứ cuộc đấu tranh giữ nước nào cũng đều có sự đóng góp lớn lao của những danh nhân kiệt xuất họ Lê.

Vào thời Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, đánh đuổi giặc Hán đô hộ, đòi lại giang sơn của Vua Hùng, ở khắp chốn, anh tài hội tụ dưới trướng hai bà để mưu cuộc đại sự, trong đó có những danh tướng lừng lẫy của họ Lê. Từ mảnh đất An Biên ở Đông Bắc Tổ quốc có nữ tướng Lê Chân dẫn theo tinh binh trai tráng về theo, được Hai Bà Trưng phong làm Thánh Chân Công chúa. Ở Nga Sơn, Thanh Hóa có tướng Lê Thị Hoa dẫn theo 2.000 thanh niên trai tráng kéo về Mê Linh tụ nghĩa. Mặc dù cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng thất bại, các nữ tướng đã theo chân Hai Bà tuẫn tiết để bảo toàn khí tiết, nhưng nhân dân vẫn luôn ghi nhớ công ơn của các nữ anh hùng, nên đã đúc tượng, lập đền thờ tưởng nhớ ở nhiều nơi.

Đến thời kỳ phong kiến quân chủ, triều đại nào cũng có in dấu họ Lê trên chính trường với những công lao hiển hách.

Thời nhà Lý có Đô thống Thượng tướng quân Lê Phụng Hiểu, người khai sinh ra ruộng “Thác đao điền”; Trạng nguyên Lê Văn Thịnh - vị Trạng nguyên đầu tiên trong sử Việt, làm quan đến chức Thái sư; Nguyên phi Ỷ Lan - vợ Vua Lý Thánh Tông và là mẹ đẻ của Vua Lý Nhân Tông đã từng hai lần giám quốc thay cho Hoàng đế, điều duy nhất xảy ra trong lịch sử. Ngoài ra còn có Hoàng hậu Lê Thị Phất Ngân - vợ Vua Lý Thái Tổ và mẹ Vua Lý Thái Tông; Linh Chiếu Thái hậu họ Lê là vợ Vua Lý Thần Tông, mẹ đẻ của Vua Lý Anh Tông. Đến thời Trần có sử gia Lê Văn Hưu, người đã viết nên bộ sử huyền thoại “Đại Việt sử ký”, bộ sử đầu tiên của nước ta, tiếc rằng bộ sử ấy đã bị thất truyền; Tiến sĩ Lê Quát - vị Trạng nguyên triều Trần được người đời ngợi ca “Văn thơ nức tiếng người đời ai cũng biết / Đức hiếu trung còn lưu mãi về sau”...

Thành tựu rực rỡ nhất của Lê tộc phải kể đến là đã sản sinh ra hai bậc chân mệnh đế vương, có công khởi dựng nên hai vương triều thịnh trị trong lịch sử là triều Tiền Lê và triều Hậu Lê.

Triều đại Tiền Lê được khai sinh bởi một trong những người con ưu tú nhất của dòng họ, Vua Lê Đại Hành. Ông tên thật là Lê Hoàn, sinh năm Tân Sửu 941 ở Ái Châu (Thanh Hoá), đây cũng là nơi phát xuất dòng họ Lê ở Việt Nam. Lê Hoàn xuất thân là một võ tướng giàu mưu lược, lập được nhiều chiến công nên được Vua Đinh Tiên Hoàng nhà Đinh phong chức Thập đạo tướng quân, chỉ huy quân đội cả nước. Sau đó, ông đã nối nghiệp nhà Đinh, lên ngôi vua ở Hoa Lư, Ninh Bình. Vua Lê Đại Hành là một tài năng quân sự kiệt xuất. Chỉ trong vòng ba tháng, vua đã chỉ huy quân dân cả nước đập tan cuộc xâm lược đại quy mô của triều đình nhà Tống, khiến kẻ thù vô cùng khiếp sợ, phải từ bỏ ý đồ xâm lược nước ta. Phía Bắc được yên ổn, nhưng phía Nam lại bị Chiêm Thành khiêu chiến bằng việc bắt giữ 2 sứ giả của Đại Cồ Việt, Hoàng đế Lê Đại Hành thân chinh cầm quân ra trận, và đã giữ yên bờ cõi.

Sự nghiệp của Vua Lê Đại Hành không chỉ chói lọi trên mặt trận giữ nước với chiến công “đánh Tống bình Chiêm”, dưới sự trị vì của ông, Đại Cồ Việt hùng mạnh cả về kinh tế lẫn ngoại giao. Nhà Vua chú trọng phát triển nông nghiệp, lễ cày Tịch điền lần đầu tiên được tổ chức trong thời kỳ này. Nhà vua cũng là nhà ngoại giao chiến lược, kiên định nền ngoại giao độc lập tự chủ của đất nước, đề cao quốc thể. 

Triều Tiền Lê của Vua Lê Đại Hành cai trị nước ta trong 29 năm, sau Vua Lê Đại Hành là Vua Lê Trung Tông và Vua Lê Ngọa Triều. Đến năm 1009, giang sơn của nhà Tiền Lê đã được truyền lại cho nhà Lý do Vua Lý Thái Tổ lập nên. Tiếp nối nhà Tiền Lê, đến năm 1428, một người họ Lê khác đã lên cai trị nước Đại Việt, đó là Vua Lê Thái Tổ.

Triều đại Hậu Lê của Vua Lê Thái Tổ được tạo dựng từ thắng lợi của cuộc khởi nghĩa chống giặc Minh đô hộ từ năm 1418. Trước cảnh giặc Minh giày xéo đất nước, Lê Lợi nuôi chí lớn phục thù cứu nước, ông đã cùng 18 anh hùng hảo hán mở hội thề tại khu rừng Lũng Nhai, quyết “đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”, chọn vùng rừng núi Lam Sơn làm căn cứ kháng chiến. Sau 10 năm nằm gai nếm mật, chiến đấu ngoan cường, chủ tướng Lê Lợi cùng nghĩa quân Lam Sơn tiến quân ra Bắc với trận đánh lịch sử chém đầu tướng giặc là Liễu Thăng trên ải Chi Lăng năm 1427, quân ta toàn thắng. Ngày 14 tháng 04 năm 1428, Bình Định Vương Lê Lợi lên ngôi, hiệu là Thái Tổ Cao Hoàng Đế còn gọi là Vua Lê Thái Tổ, đặt tên nước là Đại Việt, lập ra nhà Hậu Lê, truyền nối 27 đời vua, trị vì tổng cộng 356 năm.

Vương triều Hậu Lê do Vua Lê Thái Tổ sáng lập được các sử gia đánh giá là một triều đại phong kiến hưng thịnh và có thời gian kéo dài nhất lịch sử. Thời nhà Lê, các Vua Lê thường ban quốc tính cho những người có công với đất nước, những người tài giỏi hiền đức như một ân huệ để họ tiếp tục cống hiến, phụng sự nước nhà, giúp cho dòng họ Lê được mở rộng hơn rất nhiều. Những tướng lĩnh, quan lại được ban quốc tính họ Lê nổi tiếng có thể kể đến như Nguyễn Xí, Doãn Nỗ, Nguyễn Thận, Trương Lôi…

Trong lịch sử họ tộc, người họ Lê không chỉ giàu lòng yêu nước, anh dũng chiến đấu chống ngoại xâm, trở thành anh hùng dân tộc mà còn là những người hiếu học, làm dày thêm truyền thống khoa bảng của dòng họ. Ngoài những danh nhân văn hóa nổi tiếng như Lê Quý Đôn, Lê Hữu Trác, Lê Văn Hưu, Lê Văn Thịnh…, trong nền khoa cử 115 của triều Nguyễn có đến 650 vị Hương cống, Cử nhân, Tiến sĩ, Phó bảng là con, cháu họ Lê trên tổng số 5.230 vị đăng khoa. Tính rộng ra, qua các triều đại, tổng cộng đã có tới 232 người họ Lê đỗ Tiến sĩ trở lên, được ghi danh trên bia đá tại Quốc Tử Giám ở Hà Nội và Huế, trong đó có 3 vị Trạng nguyên, 4 vị Bảng nhãn, 2 vị Thám hoa, tiêu biểu là Trạng nguyên Lê Văn Thịnh, Trạng nguyên Lê Ích Mộc, Trạng nguyên Lê Nại. Đó là niềm tự hào cho tất cả những ai được mang dòng máu họ Lê.

Trong thời đại Hồ Chí Minh đã có những người con ưu tú của họ Lê làm vẻ vang cho đất nước và dòng tộc. Lớp lớp con cháu họ Lê trên mọi miền Tổ quốc đã hăng hái tham gia cách mạng, lên đường nhập ngũ, chiến đấu cho sự nghiệp cách mạng, giải phóng đất nước để rồi từ đây, nhiều người đã trở thành những lãnh đạo cao cấp, tướng lĩnh tài ba, tên tuổi được lịch sử lưu danh. Không khó để chúng ta có thể liệt kê những người con ưu tú của Lê tộc trong thời kỳ này như Cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong - Tổng Bí thư thứ hai của Đảng Cộng sản Việt Nam; Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn - người có công rất lớn trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; Cố Chủ tịch nước Lê Đức Anh; Cố Đại tướng Lê Trọng Tấn… và nhiều tướng lĩnh họ Lê khác đã không ngại hy sinh gian khổ, hiến dâng cuộc đời cho độc lập tự do của đất nước.

Bước vào thời kỳ Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa đất nước, họ Lê Việt Nam lại tự hào bởi những người con ưu tú như Anh hùng Lao động (AHLĐ) Lê Văn Tam, AHLĐ Lê Văn Kiểm, AHLĐ Lê Công Cơ… và rất nhiều danh nhân thành đạt khác.

Nhiều thế hệ tiền nhân đã dày công xây dựng nên nguồn cội vững chắc và vị thế quan trọng của Lê tộc trong đại gia đình Việt Nam. Tiếp nối truyền thống lừng lẫy đó, con cháu họ Lê ở khắp mọi miền đất nước với hàng chục triệu người đang tiếp tục vun bồi để họ Lê ngày càng lớn mạnh, tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhằm phát huy truyền thống tương thân tương ái, nhớ về nguồn cội và phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, ngày 19 tháng 05 năm 2005, Hội đồng họ Lê Việt Nam chính thức được thành lập, Anh hùng lao động Lê Văn Tam được bầu làm Chủ tịch Hội. Tinh thần vẻ vang Lê tộc tiếp tục được nhân rộng, tiếp nối trong các thế hệ con cháu họ Lê trên khắp mọi miền đất nước. Trong hàng chục năm qua, Hội đồng họ Lê Việt Nam đã tổ chức được nhiều hoạt động ý nghĩa, nổi bật nhất là việc khởi xướng và góp phần cùng Nhà nước hoàn táng thi hài Vua Lê Dụ Tông từ Hà Nội về Thanh Hóa để an táng. Nhà vua vốn được lưu giữ tại Hà Nội để phục vụ nghiên cứu khoa học, góp phần phát triển khoa học lịch sử nước nhà. Như vậy, sau 46 năm lưu lạc trên trần thế, Vua Lê Dụ Tông đã được trở về quê cha đất tổ. Hội đồng họ Lê các cấp đã cùng bà con họ Lê trong cả nước đóng góp nhiều công sức, tiền của, trí tuệ vào việc trùng tu, tôn tạo và xây dựng mới hàng trăm nhà thờ họ, nhiều đền đài, miếu mạo, lăng mộ của các chi tộc họ Lê, góp phần phục dựng nhiều lễ hội tại các đền thờ trên khắp cả nước nhằm tri ân tiên tổ.

Hội đồng họ Lê Việt Nam cũng đã có những bước phát triển mới về tổ chức, các chi họ kết nối với nhau ngày càng chặt chẽ. Đến nay đã có gần 40 tỉnh thành trên cả nước có Hội đồng họ Lê hoạt động và phát triển sâu rộng tới cấp huyện, cấp xã. Các hoạt động khuyến học, khuyến tài, tương thân tương ái đi vào chiều sâu nhằm động viên, giúp đỡ không chỉ những người trong dòng tộc mà còn với cả những người ngoài họ trong cộng đồng. Bên cạnh đó, Câu lạc bộ Doanh nhân họ Lê Việt Nam cũng được thành lập nhằm thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, liên kết hợp tác phát triển kinh tế, đóng góp tích cực trong việc duy trì hoạt động của dòng họ. Quan hệ hợp tác với các dòng họ bạn không ngừng được mở rộng. Tất cả cùng chung chí hướng tri ân tổ tiên và vì sự phát triển phồn vinh của quê hương, đất nước.

Trải qua hàng ngàn năm hình thành và phát triển, những công lao của các vị Hoàng đế Lê triều, anh hùng dân tộc họ Lê đã trở thành những bản hùng ca, lưu giữ truyền thống hào hùng của dân tộc, của dòng họ để ngày nay, lớp lớp con cháu họ Lê tự hào và tiếp tục phát huy truyền thống của cha ông, luôn đoàn kết, gắn bó cùng các dòng tộc khác tích cực góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trường tồn, phồn thịnh.

Tổng quan về dòng họ Lê Việt Nam

108 Lượt xem
other
Tặng đá Báo cáo
Chia sẻ

Ý kiến (0)