DJC

Đã đánh giá tài liệu

Cảm ơn bạn đã phản hồi

Giới thiệu Hoàng/Huỳnh Tộc Việt Nam

Tài liệu miễn phí

GIỚI THIỆU CHUNG VỀ DÒNG HỌ HOÀNG/HUỲNH VIỆT NAM

Trên dải đất Việt Nam hình chữ S tự bao đời nay vẫn luôn coi trọng vai trò của dòng họ. Dòng họ được ví như “cái nôi” nuôi dưỡng nhân tài cho đất nước, là nhân tố quan trọng để hình thành nên những kho tàng văn hóa, lịch sử và rồi sau đó sẽ được gìn giữ, trao truyền, tiếp nối qua nhiều thế hệ. Với vai trò to lớn đó, dòng họ đã trở thành hạt nhân trong việc bồi đắp và phát huy nét đẹp của văn hóa, văn minh dân tộc. Trong số bách gia trăm họ của người Việt, họ Hoàng/Huỳnh là một dòng họ có lịch sử phát triển lâu đời, nhiều công trạng với đất nước và có những điểm đặc trưng vô cùng thú vị.

Họ Hoàng là một dòng họ phổ biến ở các nước Á Đông như Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Triều Tiên… với số lượng ước tính lên đến 35 triệu người trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, Hoàng/Huỳnh là dòng họ phổ biến thứ năm với dân số khoảng 5 triệu người, cũng là dòng họ có nhiều đóng góp to lớn cho đất nước trong suốt 4.000 năm dựng nước và giữ nước với rất nhiều danh nhân lịch sử nổi tiếng được lưu danh trên những trang sử vàng son của dân tộc. “Huỳnh” là một biến thể của họ Hoàng, sinh ra do luật lệ kiêng tên húy của vua chúa trong thời kỳ phong kiến ở Việt Nam. 

Vào thế kỷ XVI, Đàng Trong thuộc quyền cai quản của Chúa Nguyễn. Vị Chúa Nguyễn đầu tiên có tên là Nguyễn Hoàng, nên triều đình đã ra luật trong mọi trường hợp chữ “Hoàng” đều phải đọc hoặc viết thành “Huỳnh” để tránh phạm húy của Chúa. Vì luật này mà những người mang họ Hoàng đều phải đổi sang họ Huỳnh. Tuy nhiên lệ này chỉ áp dụng trên phần lãnh thổ ở phía Nam sông Giang - con sông là ranh giới Đàng Trong và Đàng Ngoài thời kỳ đó; còn ở phía Bắc, người họ Hoàng vẫn giữ nguyên họ của mình.

Theo Hán tự, từ “Hoàng” tượng trưng cho sự cao quý, quyền lực, là từ được sử dụng đối với các bậc quân chủ thời phong kiến, như vua thì còn gọi là “Hoàng thượng”, “Hoàng đế”; gia đình của vua thì gọi là “Hoàng tộc”, “Hoàng thân quốc thích”... Dù mang ý nghĩa quyền lực nhưng trên thực tế, chưa có bất kỳ người họ Hoàng/Huỳnh nào làm vua trong lịch sử nước Việt. Tuy vậy, dòng họ này vẫn nổi danh sử sách bởi có nhiều vị anh hùng có công với đất nước trong mọi thời kỳ, mọi lĩnh vực, xứng đáng được gọi là “Dòng họ anh hùng”, “Dòng họ lương đống của xã tắc”. Những danh nhân lịch sử họ Hoàng thường nổi bật bởi tính cách kiên cường, quyết đoán, giàu lòng yêu nước và coi trọng những giá trị truyền thống.

Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, người họ Hoàng/Huỳnh có mặt ở mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhiều người thành danh nhờ con đường khoa bảng, trở thành những văn thần, mưu sĩ; bên cạnh đó còn có những vị tướng cầm quân chinh chiến nơi sa trường, lập nhiều chiến công được lưu danh trong trong sử sách.

Trong lĩnh vực chính trị, họ Hoàng/Huỳnh có nhiều tên tuổi nổi tiếng như Hoàng Quán Chi, Hoàng Hối Khanh, Hoàng Đình Bảo, Hoàng Kế Viêm… đều là những đại thần của các triều đại Trần, Hậu Lê, Nguyễn. Thời hiện đại thì có các chính trị gia tài ba như Hoàng Văn Thụ, Huỳnh Thúc Kháng, Hoàng Minh Giám… có công lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ những thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Các tướng lĩnh quân sự có danh tướng Hoàng Ngũ Phúc đã in dấu chân ngựa trên khắp chiến trường Đại Việt trong thế kỷ XVIII, Hoàng Diệu -  Tổng đốc Hà Nội tử chiến với quân Pháp; Đại tướng Hoàng Văn Thái - Người cầm cờ trong ngày thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tổ chức tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam, hay Tướng Hoàng Đan - một trong “Tứ đại sư trưởng” lẫy lừng của quân đội ta, cùng vô số tên tuổi lừng danh khác. Đặc biệt, nói đến họ Hoàng không thể không nhắc đến thân mẫu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là cụ bà Hoàng Thị Loan.

Trong giới khoa học, họ Hoàng/Huỳnh cũng sản sinh ra nhiều trí thức lỗi lạc, có những đóng góp to lớn đối với sự phát triển về khoa học, y tế, giáo dục của nước nhà. Đó là Giáo sư Toán học Hoàng Xuân Hãn, hai anh em Giáo sư - Bác sĩ Hoàng Tích Trí và Hoàng Tích Mịnh, nhà văn Hoàng Ngọc Phách, “thi tướng” Huỳnh Văn Nghệ…

Dòng họ Hoàng/Huỳnh vẫn đang giữ vị thế là một dòng họ lớn trên lãnh thổ Việt Nam và trên toàn thế giới. Đây là dòng họ duy nhất trên thế giới có Ban liên lạc dòng họ toàn thế giới, cùng nhiều kỷ lục Guinness được công nhận. Đó là một niềm tự hào lớn lao mà không phải dòng họ nào cũng có thể tạo dựng được.

Với những thành tích đáng tự hào trong quá khứ, các bậc tiền nhân của dòng họ Hoàng/Huỳnh đã đưa danh tiếng của dòng họ được lưu danh sử sách, được đời đời ngưỡng mộ. Ngày nay, mỗi con cháu họ Hoàng/Huỳnh vẫn đang phát huy truyền thống quý báu của tổ tiên dòng họ, nâng cao tinh thần đoàn kết, kết nối các thành viên trong họ tộc, không ngừng phấn đấu vươn lên để có những đóng góp xứng đáng cho quê hương, đất nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tiếp tục làm rạng danh cho dòng họ.

NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN CỦA DÒNG HỌ HOÀNG/HUỲNH VIỆT NAM

Nguồn gốc hình thành

“Con người có tổ, có tông/Như cây có cội, như sông có nguồn”. Từ bao đời nay, câu ca dao đó đã đi vào tiềm thức của hàng triệu người dân Việt Nam, dạy cho chúng ta một bài học đạo lý vô cùng sâu sắc. Đó là ý thức về nguồn cội, về tổ tiên của mình. Trong suốt nhiều năm qua, những người con họ Hoàng/Huỳnh cũng miệt mài đi tìm kiếm gốc gác, tổ tiên của dòng họ mình. 

Vốn là một dòng họ lớn, có lịch sử phát triển lâu đời, dòng họ Hoàng/Huỳnh ở Việt Nam có nhiều nguồn gốc khác nhau.

Đầu tiên phải kể đến nguồn gốc nội tại từ cư dân bản địa. Theo các thư tịch cổ như sách Lĩnh Nam Chích Quái, từ thời quốc gia cổ Văn Lang do các Vua Hùng lập nên, họ Hoàng/Huỳnh đã được hình thành. Khi đó, cư dân Việt cổ đã tự đặt tên họ cho mình và dòng họ Hoàng/Huỳnh cũng ra đời trong bối cảnh như thế. Một số truyền thuyết thời Hùng Vương đã nhắc đến tên tuổi của một số nhân vật họ Hoàng. Đời Hùng Vương thứ chín có cụ Hoàng Trụ, là cháu ngoại của Vua Hùng Định Vương, theo học thầy Lỗ Công. Tiếp đến có cụ Hoàng Trung, là một người thầy giáo, cũng sống vào thời đó. Đặc biệt, trong thời kỳ trị vì của Hùng Vương thứ 18 có cụ Hoàng Quý Minh. Tương truyền, cụ Hoàng Quý Minh là em trai của Tản Viên Sơn Thánh, có công giúp nước Văn Lang nhiều lần đánh bại quân Thục. Hiện nay, vẫn còn dấu tích mộ của danh tướng Hoàng Quý Minh ở làng Phụng Công, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Ngoài ra, còn có nhiều đền thờ cụ ở các tỉnh miền Bắc Việt Nam. Mấy trăm năm sau, đến thời Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa chống lại nhà Hán, từ Hoan Châu (nay thuộc Nghệ An, Hà Tĩnh) có danh tướng Hoàng Đạo dẫn quân đến Mê Linh tụ nghĩa với quân của Hai Bà Trưng. Ngoài ra còn có nữ tướng Hoàng Thiều Hoa, nguyên quán ở xã Hiền Quan, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ cũng là một danh tướng nổi bật trong cuộc khởi nghĩa này. Tất cả các danh nhân này đều có đền thờ nên đã phần nào chứng tỏ sự có mặt của người họ Hoàng/Huỳnh bản địa trên lãnh thổ nước ta thuở dựng nước.

Ngoài những cư dân tộc Hoàng/Huỳnh cổ trên lãnh thổ nước ta thì còn có một bộ phận không nhỏ những người họ Hoàng/Huỳnh có nguồn gốc từ Trung Quốc di cư sang nước ta. Theo nhiều sách sử của Trung Quốc, vào thời cổ đại, ở Trung Quốc có bộ lạc người Hiên Viên nổi tiếng về tài làm ruộng. Khi đã trở nên lớn mạnh, người Hiên Viên bắt đầu ghi chép về tổ tiên của mình. Điển tích của người Hiên Viên xuất phát từ sự kiện tám anh em của một gia đình chia nhau lập nghiệp ở mỗi phương, một trong tám người đó đã đến một vùng thung lũng, phát cỏ làm ruộng, lập nên tộc Hiên Viên. Từ những đặc điểm của tổ tiên, người Hiên Viên đã ghép bốn chữ “Nhất”, “Bát”, “Thảo”, “Điền” lại thành chữ “Hoàng” để dùng làm họ của mình. Sau này, họ Hoàng xưng đế, gọi là Hoàng đế Hiên Viên và là một trong “Tam Hoàng - Ngũ Đế” nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Lịch sử họ Hoàng Trung Quốc bắt đầu từ đây. Trải qua hàng trăm năm biến động của lịch sử Trung Hoa, họ Hoàng dần di cư về phương Nam, đến thế kỷ VII TCN thì định cư ở vùng đất Giang Hạ (nay thuộc Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) và sử cũ gọi đó là họ Hoàng Giang Hạ. Từ Giang Hạ, họ Hoàng đi khắp Trung Hoa và thế giới, trong đó có Việt Nam.

Lịch sử phát triển qua các thời kỳ

Thời kỳ Bắc thuộc

Sau khi nước Âu Lạc của Vua An Dương Vương thất bại trước cuộc tấn công xâm lược của Triệu Đà, nước ta rơi vào ách đô hộ của nước Nam Việt. Sau Triệu Đà, lần lượt các triều đại phong kiến phương Bắc thay nhau đô hộ nước ta trong suốt hơn 1.000 năm mà lịch sử gọi đó là thời kỳ “Ngàn năm Bắc thuộc”. Trong suốt hơn một thiên niên kỷ đó, các chính quyền phong kiến Trung Hoa luôn mưu đồ đồng hóa nhân dân Việt Nam, biến nước ta thành một quận huyện của Trung Quốc, biến người Việt thành tộc người thiểu số của Trung Quốc. Để hiện thực hóa âm mưu đó, chúng đưa dân Trung Quốc sang sinh sống với nhân dân ta nhằm thay đổi huyết thống của người Việt. Theo chính sách đó, người họ Hoàng ở Trung Quốc sang Việt Nam rất nhiều. Trải qua hàng trăm năm định cư, sinh sống, những người họ Hoàng này đã hòa lẫn với người Việt bản địa, cùng với những người họ Hoàng gốc Việt Nam tạo thành một cộng đồng họ Hoàng rộng lớn, cùng nhau sinh hoạt và chống lại chính quyền đô hộ, bởi tất cả họ đều chịu cảnh áp bức bóc lột của quan cai trị.

Trong thời kỳ này có nhiều người họ Hoàng nổi tiếng với những chiến công trong công cuộc đấu tranh đòi lại nền độc lập tự chủ cho dân tộc Việt Nam. Đó là nữ tướng Hoàng Thiều Hoa, danh tướng Hoàng Đạo có công giúp Hai Bà Trưng đánh đuổi Tô Định, chống lại quân Nam Hán. Ở thế kỷ IX, người được suy tôn là Tổ mẫu của dòng họ Vũ/Võ Việt Nam là người họ Hoàng - cụ bà Hoàng Thị Chúc, vợ của cụ Vũ Hồn.

Thời kỳ quân chủ độc lập

Sau khi Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán, kết thúc thời kỳ ngàn năm bị giặc phương Bắc đô hộ, nước Việt bước vào thời kỳ độc lập tự chủ, hình thành nên chế độ phong kiến với những thành tựu rực rỡ trên mọi lĩnh vực. Trong khoảng thời gian huy hoàng đó, những người con của họ Hoàng đã lần lượt ghi dấu ấn của mình trên những trang sử vàng bằng những chiến công hiển hách, góp phần gây dựng vị thế, tiếng vang của dòng họ.

Trong thời kỳ đầu của chế độ phong kiến Việt Nam với các triều đại Ngô - Đinh - Tiền Lê đã xuất hiện nhiều danh tướng, mưu sĩ họ Hoàng. Đó là các tướng Hoàng Chí Công, Hoàng Sơn Khung, Hoàng Thị Đậu, Hoàng Thông, Hoàng Trung Công, Hoàng Uy Công… Họ là những người đã chiến đấu trong hàng ngũ nghĩa quân Hoa Lư, giúp Vua Đinh Tiên Hoàng dẹp “Loạn 12 sứ quân”, thống nhất giang sơn, kiến lập nhà Đinh. Đến thời Vua Lê Đại Hành (trị vì từ năm 980 đến năm 1095), trong triều đình nhà Tiền Lê có danh tướng Hoàng Thành Mã, được Vua Lê Đại Hành cử làm Trấn tướng ở Quảng Ninh. Ông nổi tiếng là trung thần vì dân vì nước, thấy Vua Lê Long Đĩnh, vị vua kế nhiệm Vua Lê Đại Hành làm nhiều điều bạo ngược, ông can gián không được liền treo mũ từ quan, trở về ở ẩn và trở thành một cư sĩ của Đạo Phật nổi tiếng lúc bấy giờ.

Từ thế kỷ XI đến thế kỷ XV là thời kỳ phát triển rực rỡ của chế độ phong kiến Việt Nam với ba triều đại nối tiếp nhau trị vì đất nước là triều Lý - Trần - Hồ. Đây là thời kỳ chế độ khoa cử được hình thành và ngày càng có những bước tiến. Nhiều khoa thi được tổ chức và đã chọn lựa được rất nhiều nhân tài phụng sự cho đất nước trên mọi lĩnh vực. Trong thời kỳ vàng son đó, người họ Hoàng đã từng bước khẳng định vị thế của dòng họ trên chính trường Đại Việt, sản sinh ra nhiều danh thần lỗi lạc, có công với đất nước như Hoàng Hối Khanh, Hoàng Quán Chi…

Thời kỳ Lý - Trần - Hồ cũng chứng kiến sự mở rộng về lãnh thổ của Đại Việt. Nếu như trước đời Vua Lý Thánh Tông, lãnh thổ nước ta chỉ đến dãy Hoành Sơn, nhưng bằng các cuộc chinh phạt và biện pháp ngoại giao, đất đai nước Việt đã được kéo dài xuống phía Nam. Đầu tiên là cuộc viễn chinh của Vua Lý Thánh Tông vào năm 1069 khiến vua nước Chiêm Thành phải dâng đất của ba châu: Bố Chính, Địa Lý, Ma Linh (tức phần đất thuộc Bắc Quảng Trị ngày nay) để được tha mạng. Tiếp đến đời Trần, bằng cuộc hôn nhân chính trị giữa Huyền Trân Công Chúa và Vua Chiêm Chế Mân, nước Chiêm Thành đã dâng hai châu Ô, Lý để làm sính lễ. Một dải đất từ Quảng Trị đến hết Bắc Quảng Nam đã thuộc về Đại Việt. Đến năm 1402, vùng đất từ Quảng Nam đến Quảng Ngãi cũng được sáp nhập vào nước ta. Để khẳng định chủ quyền với vùng đất mới và chống lại các cuộc hành quân xâm lấn đòi đất của Chiêm Thành, các bậc quân vương Đại Việt qua các triều đại đã chú trọng việc di dân đến miền biên cương phía Nam đất nước để sinh sống, dựng nên các xóm làng của người Việt. Các cuộc di dân này đã được ghi chép trong sách sử, trong đó có cuốn 700 năm mở cõi phương Nam của Nguyễn Bê, theo đó, lãnh thổ của nước ta được mở rộng đến đâu thì có người họ Hoàng vào lập nghiệp đến đó, bên cạnh các dòng họ Trần, Nguyễn, Lê, Phạm, Đinh, Lương, Đặng, Phan, Bùi, Đỗ… Ban đầu, người họ Hoàng sinh sống rải rác ở sông Gianh (Quảng Bình) rồi vào sâu đến đèo Hải Vân. Dòng họ Hoàng chính là dòng họ tiên phong cho công cuộc Nam tiến và làm cho địa bàn cư trú cũng như quy mô dòng họ ngày càng được mở rộng.

Cũng trong khoảng thế kỷ XIII, có một sự kiện lịch sử đã dẫn đến sự gia tăng dân số của họ Hoàng ở nước Việt. Đó là khi nhà Nam Tống ở Trung Quốc sụp đổ, nhà Nguyên lên thay, hàng vạn binh lính, cư dân người Tống, trong đó có người họ Hoàng, vốn là những cư dân sống ở miền Nam Trung Hoa, thuộc lãnh thổ còn lại của nhà Nam Tống, đã theo đường thủy, bộ đến nước ta để lánh nạn, tránh họa diệt vong. Họ đến xin hàng phục nhà Trần và do cùng chung kẻ thù Mông Cổ nên tất cả những người Tống này đều được Vua Trần thu nhận và đối xử tử tế. Điển hình là vào năm 1257, ông Hoàng Bính, Tiến sĩ thời Tống Lý Tông, đã đem hơn 3.000 người thân thuộc chạy đến biên giới Hoa - Việt, xin được làm cư dân nước Việt. Ông Hoàng Bính đã dâng lên Vua Trần Thái Tông hai cuốn sách về tử vi tướng số và người con gái 16 tuổi, nhan sắc kiều diễm. Vua Trần thu nhập, phong làm Huệ Túc Phu nhân, ban vùng đất Yên Bang cho gia tộc Hoàng Bính. Cũng từ đây, văn hóa tử vi tướng số bắt đầu phát triển ở Việt Nam và người có công du nhập chính là Hoàng Bính.

Lại nói về những người họ Hoàng Trung Hoa nhập tịch Đại Việt vào thời kỳ đó, họ đã cùng với những người họ Hoàng bản địa và bách gia trăm họ chiến đấu dưới sự chỉ huy của triều đình nhà Trần trong cả ba cuộc kháng chiến chống giặc Mông - Nguyên xâm lược. Trong sử sách có ghi rất rõ, khi quân ta giao chiến với quân Mông - Nguyên, những người Tống vong quốc đã mặc áo giáo, treo cờ xí nước Tống và chiến đấu rất hăng hái, quân giặc thấy vậy tưởng nhà Tống đã được trung hưng thì kinh hồn bạt vía, mất hết sức chiến đấu. Có thể nói, sự xuất hiện của người Tống, trong đó có những con cháu họ Hoàng trong cuộc chiến vệ quốc của quân dân Đại Việt là thứ vũ khí uy hiếp tinh thần cực mạnh của nhà Trần trước kẻ thù Mông - Nguyên.

Sau đó, lịch sử Việt Nam bị gián đoạn bởi cuộc xâm lược và cai trị của nhà Minh trong 20 năm, từ năm 1407 đến năm 1427. Trong quãng thời gian bị đô hộ này, nhiều cuộc khởi nghĩa của nhân dân ta nổ ra như cuộc khởi nghĩa của hai vua nhà Hậu Trần, đặc biệt là cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo, con cháu họ Hoàng ở mọi miền đất nước đã bằng nhiều cách thức thể hiện tinh thần yêu nước. Có người tham gia vào lực lượng chiến đấu của các nghĩa quân, có người âm thầm ủng hộ, giúp đỡ nghĩa quân trong cuộc chiến chống lại quân thù. Tất cả những đóng góp đó đã góp phần làm nên thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, giành lại độc lập cho dân tộc và mở ra triều đại Hậu Lê.

Trải qua các triều Hậu Lê, Mạc, Tây Sơn, Nguyễn, nước Việt phát triển về mọi mặt trong thế tự chủ, và giai đoạn này cũng là thời kỳ vàng son nhất của dòng họ Hoàng/Huỳnh, khi có nhiều người giữ các chức vụ quan trọng trong triều đình, đóng góp lớn vào việc phát triển văn hóa và giáo dục.

Sử sách lưu danh các văn thần, chính trị gia kiệt xuất họ Hoàng/Huỳnh trong giai đoạn này, như Hoàng Trình Thanh, Hoàng Đức Lương, Hoàng Đôn Hòa, Hoàng Đình Bảo… của nhà Hậu Lê; Hoàng Đăng Quan của nhà Mạc; Hoàng Kế Viêm, Hoàng Diệu, Huỳnh Tường Đức, Huỳnh Mẫn Đạt của triều Nguyễn. Họ Hoàng/Huỳnh cũng phát dòng khoa bảng với rất nhiều người được đề tên lên bảng vàng khoa cử nước nhà. Một số tên tuổi tiêu biểu có thể kể đến là Trạng nguyên Hoàng Phú Nghĩa, Trạng nguyên Hoàng Văn Tán, Thám hoa Hoàng Sầm, Hoàng giáp Hoàng Tế Mỹ, Hoàng Đình Tá… Tướng lĩnh quân sự thì có Hoàng Ngũ Phúc, Hoàng Công Chất, Huỳnh Thị Cúc - một trong “Ngũ phụng thư” trứ danh của nghĩa quân Tây Sơn, cùng nhiều nhân vật nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực khác.

Lịch sử Việt Nam trong khoảng thế kỷ XVI đến XVIII cũng chứng kiến nhiều biến động chính trị to lớn, điều này đã có những sự tác động không nhỏ đến dòng họ Hoàng/Huỳnh. Đây là thời kỳ quan trọng trong lịch sử phát triển của dòng họ bởi trong quãng thời gian đó, họ Hoàng/Huỳnh đã có những biến đổi lớn về địa bàn, quy mô dân số, thậm chí là tên gọi. Tất cả những điều đó đã góp phần tạo nên vị thế, uy tín của dòng họ cho đến tận ngày nay.

Đầu tiên là cuộc chiến tranh Nam - Bắc triều diễn ra từ năm 1533 và kết thúc vào năm 1593 với sự thất bại của vương triều Mạc. Quân Nam triều của chính quyền Lê - Trịnh đã tiến hành một cuộc thanh trừng đẫm máu để tuyệt diệt họ Mạc. Trong bước đường cùng, để gìn giữ huyết thống của dòng họ, con cháu họ Mạc đã đi đến một quyết định lịch sử, đó là thay tên đổi họ. Nhiều người họ Mạc đã đổi sang họ Hoàng bởi trong Hán tự, chữ “Mạc” và chữ “Hoàng” có nét tương đồng với nhau. Số người họ Mạc cải sang họ Hoàng rất nhiều, bằng chứng là ngày nay có đến 64 chi họ Hoàng gốc Mạc ở bốn tỉnh thành, trong đó Nghệ An có đến 32 chi. Điều này đã góp phần làm cho số lượng người họ Hoàng tăng lên đáng kể và người họ Mạc đã rất lấy làm cảm kích bởi họ Hoàng đã góp phần cưu mang họ trong lúc thất thế.

Một sự kiện nữa đó là vào giữa thế kỷ XVII, nhà Thanh đánh bại nhà Minh, lên cai trị Trung Hoa. Nhà Thanh thi hành chính sách đồng hóa văn hóa, đàn áp người Hán và những người ủng hộ nhà Minh. Vì thế, đã có rất đông người Hoa nhập cư vào nước ta để lánh nạn. Họ Hoàng Trung Quốc một lần nữa theo luồng di cư đó đến với Việt Nam. Họ đến nước ta bằng hai hướng chính, là tuyến biên giới trên bộ ở các tỉnh phía Bắc và theo đường biển đến các tỉnh Trung Bộ và nhiều nhất là ở Nam Bộ. Những người họ Hoàng hình thành nên các cộng đồng làm ăn sinh sống chung với người dân Việt Nam, gọi là Minh Hương và giao lưu văn hóa. Những người họ Hoàng này đã coi nước ta là quê hương thứ hai của họ và gắn bó lâu dài, có nhiều chi họ có lịch sử đến 4-5 trăm năm và ngày nay vẫn còn tồn tại.

Tiếp đến là cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn dẫn đến sự phân liệt Đàng Trong - Đàng Ngoài. Khởi nguồn của cuộc chiến này là mâu thuẫn giữa hai dòng họ Trịnh - Nguyễn. Trịnh Kiểm vì muốn chiếm trọn quyền hành trong chính quyền Lê Trung hưng nên đã tìm cách tiêu diệt họ Nguyễn, vốn là công thần của nhà Lê. Một người họ Nguyễn là Nguyễn Hoàng đã tìm cách vào Nam để tránh họa diệt thân và xây dựng lực lượng chống lại họ Trịnh. Từ cuộc Nam tiến này, Nguyễn Hoàng đã dần gây dựng cho mình một lực lượng lớn mạnh ở phía Nam Đại Việt, thuộc dải đất từ Đèo Ngang trở vào, và xưng là Chúa Nguyễn, hùng cứ một phương. Để tăng cường hơn nữa tiềm lực của phần lãnh thổ do mình cai quản, Nguyễn Hoàng và các đời Chúa Nguyễn tiếp theo đã khuyến khích nhân dân tích cực khai hoang, ban ruộng đất cho người có công và thi hành nhiều chính sách tiến bộ. Sự khoan dung, nhân từ của Chúa Nguyễn đã lan tới miền Bắc, khiến nhiều người kính phục và lên đường vào Nam theo Chúa Nguyễn. Họ Hoàng vốn đã định cư ở đây nhiều năm trước, đến nay lại có thêm những người họ Hoàng ở miền Bắc di cư vào nên số lượng ngày càng đông đảo hơn. Tại đây, người họ Hoàng đã đổi sang họ Huỳnh bởi theo luật kiêng tên húy Chúa Nguyễn Hoàng của triều đình Đàng Trong. Từ đây, ở nước ta xuất hiện họ Huỳnh nhưng nguồn gốc, huyết thống vẫn chung với họ Hoàng ở miền Bắc Việt Nam.

Thời kỳ hiện đại

Bước sang thời hiện đại, con cháu họ Hoàng/Huỳnh vẫn giữ gìn và phát huy truyền thống quý báu của tổ tiên, đóng góp nhiều công lao cho sự nghiệp đấu tranh bảo vệ độc lập dân độc, xây dựng và phát triển đất nước.

Dân tộc Việt Nam đã phải trải qua một thời kỳ đen tối khi bị thực dân Pháp đô hộ trong gần 80 năm và kết thúc bằng thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám 1945. Trong đêm trường nô lệ, những người họ Hoàng đã kiên cường đứng lên kêu gọi nhân dân thực hiện các cuộc đấu tranh, kiên trì làm cách mạng để tìm lối thoát cho dân tộc. Nhiều nhân sĩ yêu nước họ Hoàng/Huỳnh đã không quản khó khăn gian khổ, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng để thực hiện các hoạt động yêu nước. Đó là Hoàng Tăng Bí, nhân sĩ yêu nước, nhà soạn tuồng, một trong số trí thức sáng lập phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục; Hoàng Văn Thụ, nhà hoạt động chính trị phong trào cộng sản; Huỳnh Thúc Kháng, nhà yêu nước lỗi lạc, được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng giữ chức Quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; Huỳnh Thị Bảo Hòa, một trong những nhà văn nữ tiên phong trong phong trào Duy Tân và sử dụng chữ Quốc ngữ…

Sau Cách mạng tháng Tám, nước Việt Nam tiếp tục trải qua hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại là kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ. Kết quả là nhân dân ta đã đánh đuổi hai đế quốc sừng sỏ, bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ. Trong cuộc chiến trường kỳ, khó khăn gian khổ nhưng hào hùng của dân tộc, dòng họ Hoàng/Huỳnh đã có những đóng góp to lớn về nhân tài, vật lực cho Tổ quốc. Đó là những tướng lĩnh quân sự góp công sức để làm nên những chiến thắng vang dội trên chiến trường và những chính trị gia tài ba đã hết lòng phụng sự nhân dân, giúp nước Việt Nam vừa phát triển kinh tế, vừa đủ sức đương đầu với kẻ thù. Họ Hoàng/Huỳnh đã sản sinh ra những anh hùng dân tộc như Đại tướng Hoàng Văn Thái, tướng Hoàng Đan, Nhà chính trị - cố Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Bộ Văn hóa Hoàng Minh Giám, Đại tá Hoàng Đạo Thúy, Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Huỳnh Tấn Phát… Những danh nhân họ Hoàng/Huỳnh đã đi vào lịch sử dân tộc và được hậu thế đặt tên cho những con đường, tuyến phố, trường học để đời đời nhớ ơn. Ngoài ra, còn có không ít những Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, Liệt sĩ mang dòng máu Hoàng/Huỳnh đã không tiếc máu xương, tuổi xuân của mình để chiến đấu cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Rất nhiều người đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường, máu xương của họ đã hòa với đất nước để tạo nên hình hài Tổ quốc ngày nay. Sự hy sinh của họ đã mang đến cho nhân dân Việt Nam một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Sau khi hòa bình lập lại, những hậu duệ của dòng họ Hoàng/Huỳnh tiếp tục cống hiến, đóng góp vào công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế của đất nước. Nhiều nhà khoa học, doanh nhân của họ Hoàng/Huỳnh đã có những đóng góp về khoa học, y tế, văn hóa, giáo dục và kinh tế, tạo nên sự phát triển thần kỳ của Việt Nam trong thế kỷ XX, XXI. Đó là những tên tuổi lẫy lừng như Giáo sư Hoàng Xuân Hãn - người soạn thảo sách Danh từ khoa học với hơn 6.000 từ mục về các lĩnh vực toán, lý, hóa, cơ, thiên văn trong đó có rất nhiều từ lần đầu tiên xuất hiện trong tiếng Việt hoặc lần đầu tiên được chuẩn hóa và giải thích cụ thể cách dùng trong khoa học; Hoàng Thị Nga - nữ Tiến sĩ Vật lý đầu tiên người Việt Nam, hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học Khoa học, Đại học Quốc gia Việt Nam Dân chủ Cộng hòa…

Ngày nay, họ Hoàng/Huỳnh vẫn đang duy trì vị thế là một trong năm dòng họ hàng đầu ở Việt Nam. Để duy trì và phát huy truyền thống hào hùng của các bậc tiền nhân, đồng thời gắn kết, tăng cường đoàn kết trong họ tộc, Hội đồng họ Hoàng/Huỳnh Việt Nam đã được thành lập, quy tụ hội đồng dòng họ Hoàng/Huỳnh các tỉnh, thành phố như Bắc Giang, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Thái Bình, Hà Nội… và đang trên đà mở rộng quy mô, phát triển tích cực. 

Năm 2006, tại Thái Bình, Ban liên lạc dòng họ Hoàng/Huỳnh tỉnh Thái Bình đã được thành lập, đến năm 2014 đã tiến hành Đại hội lần thứ nhất. Từ đó cho tới nay, Hội đồng dòng họ Hoàng/Huỳnh Thái Bình luôn đoàn kết, chung tay thúc đẩy sự phát triển chung của Hội đồng dòng họ trên cả nước. Một số từ đường của dòng họ tại địa phương đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, cấp quốc gia như từ đường họ Hoàng thôn Đa Cốc, xã Nam Bình (Kiến Xương); từ đường họ Hoàng thôn Hoàng Xá, xã Nguyên Xá (Vũ Thư)...

Ở Bắc Giang, Hội đồng dòng họ Hoàng/Huỳnh là đơn vị hoạt động sôi nổi, tổ chức dòng họ phủ kín tại các huyện, thành phố với ý thức tự nguyện, kết nối chặt chẽ khi có đến 42/58 dòng họ Hoàng có gia phả, 31/58 dòng họ Hoàng có nhà thờ tổ. Hay Hội đồng dòng họ Hoàng/Huỳnh tỉnh Quảng Ninh với 15 năm đi vào hoạt động đã có nhiều việc làm thiết thực tạo niềm tin trong cộng đồng dòng họ. Và rất nhiều hội đồng dòng họ ở các địa phương khác.

Với những thành tích vẻ vang trong lịch sử mà các bậc cha ông dòng họ đã dày công tạo dựng, những thế hệ con cháu họ Hoàng/Huỳnh Việt Nam có thể tự hào về truyền thống anh hùng của dòng họ. Và để phát huy những giá trị của tổ tiên, lớp lớp cháu con của dòng họ Hoàng/Huỳnh đã và đang cùng với đại gia đình các dòng họ luôn nêu cao tinh thần yêu nước, phát huy ý chí quật cường của cha ông, tinh thần đoàn kết, yêu thương, nỗ lực xây dựng quê hương, dòng tộc, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tổng quan về dòng họ Hoàng/Huỳnh Việt Nam

64 Lượt xem
other
Tặng đá Báo cáo
Chia sẻ

Ý kiến (0)