Xây dựng nhân hiệu tại nơi làm việc: Danh tiếng thôi có đủ?
| 905 lượt xem |
Photo by Brooke Lark on Unsplash
Bạn tin rằng trình độ học vấn, sự nỗ lực và năng suất làm việc là đủ để đảm bảo cơ hội sự nghiệp thăng tiến? Nếu vậy thì bạn đã mắc phải một sai lầm phổ biến: bỏ qua giá trị của việc xây dựng thương hiệu cá nhân (nhân hiệu).
Thử tưởng tượng, bạn là một nhà quản lý trẻ trong ngành tài chính, sở hữu trong tay tấm bằng MBA danh giá. Nhưng rồi trong đợt công ty đề xuất bổ nhiệm thăng chức mới đây, bạn không được đề bạt. Sếp cho bạn biết lý do là “Vì không ai biết về anh/chị cả”.
Điều này có thể khiến bạn ngạc nhiên. Vì bạn thường xuyên được khen về đạo đức nghề nghiệp, về kết quả công việc tốt…, và bạn nghĩ rằng tất cả mọi người trong công ty đều biết bạn. Tuy nhiên, có thể điều mà bạn chưa hiểu chính là: nhiều nhà quản lý cấp cao - những người có quyền “cầm cân nảy mực” không biết bạn đại diện cho điều gì và bạn là người như thế nào.
Bạn đã mắc phải một sai lầm phổ biến khi mọi người bắt đầu hành trình sự nghiệp: tin rằng trình độ học vấn, sự nỗ lực và năng suất làm việc là đủ để vượt qua các đồng nghiệp khác và đảm bảo cơ hội thăng tiến. Bạn bỏ qua (hoặc đơn giản là bạn không hề biết) giá trị của việc xây dựng thương hiệu cá nhân (nhân hiệu).
Nhân hiệu là gì?
Trong tình huống trên, có thể các nhà quản lý tại công ty đều biết bạn là người có thành tích tốt. Vậy thì tại sao chừng ấy vẫn chưa đủ để họ thăng chức cho bạn?
Trong các công ty hay tổ chức thành công, ở mọi cấp bậc, mỗi người đều là một cá nhân đặc biệt. Để làm rõ những giá trị của bạn và điều bạn có thể mang lại, bạn cần phải làm nhiều hơn là chỉ sở hữu danh tiếng tốt. Bạn cần có một nhân hiệu nổi bật!
Chúng ta thường nhầm lẫn nhân hiệu với danh tiếng. Nhưng hai khái niệm này rất khác nhau. Mỗi người chúng ta đều có danh tiếng. Danh tiếng của bạn là sự kết hợp của các ý kiến và niềm tin mà mọi người dần định hình về bạn thông qua hành động, hành vi của bạn. Bạn tạo ra ấn tượng đầu tiên như thế nào, bạn có mối quan hệ tốt đẹp với các nhà quản lý và đồng nghiệp ra sao, cách bạn giao tiếp nhã nhặn đến mức nào…, tất cả đều ảnh hưởng đến cách người khác nhìn nhận về bạn. Ví dụ, nếu bạn nhờ một đồng nghiệp mô tả về mình, anh ấy/cô ấy có thể cho rằng bạn là người ôn hoà và dễ làm việc chung, hoặc bạn rất giỏi thiết lập mức độ ưu tiên để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Khác với danh tiếng, nhân hiệu của bạn là một điều gì đó mang tính có chủ đích nhiều hơn - chính là cách bạn muốn mọi người nhìn nhận về mình. Danh tiếng liên quan đến uy tín, còn nhân hiệu liên quan đến khả năng bạn thể hiện các giá trị mình muốn ra bên ngoài.
Bạn hoàn toàn có khả năng định hình nhân hiệu của mình bằng cách liên kết ý định với hành động. Nghĩa là, bạn có thể thay đổi những quyết định và hành vi để gây ảnh hưởng đến cách người khác nhìn nhận về bạn, giúp họ kết nối cả về mặt cảm xúc và lý trí với hình ảnh mà bạn muốn thể hiện ra. Nếu hình ảnh đó phù hợp với các cơ hội mà bạn muốn có thì bạn sẽ dễ thành công hơn.
Giờ đây, bạn đã biết nhân hiệu là gì, tầm quan trọng của nhân hiệu và sự khác biệt giữa nhân hiệu với danh tiếng. Hãy cùng khám phá cách bắt đầu hành trình xây dựng nhân hiệu cho mình.
Cách xây dựng nhân hiệu
Bước 1: Tìm ra động lực khiến bạn muốn xây nhân hiệu
Hãy bắt đầu bằng cách tự hỏi:
• Điều gì thôi thúc bạn thức dậy vào mỗi buổi sáng để đi làm?
• Bạn tự hào nhất về những kỹ năng hoặc tài năng nào của mình?
• Bạn tò mò về những kỹ năng nào mà mình chưa có?
• Những kiểu dự án hoặc phần việc nào truyền cảm hứng cho bạn?
• Những chủ đề nào gợi được sự quan tâm của bạn nhiều nhất?
• 10 năm sau, bạn muốn đóng góp điều gì cho thế giới?
• Những người bạn ngưỡng mộ nhất có điểm chung gì?
Hãy viết ra đáp án cho những câu hỏi này và chú ý đến những điểm trùng lặp hoặc bất kỳ sự liên kết nào đó mà bạn khám phá ra được. Bài tập này sẽ giúp bạn xác định một số giá trị, niềm tin hoặc mục tiêu đang thôi thúc bạn.
Ví dụ, bạn có thể nhận ra rằng mình rất giỏi quản lý mâu thuẫn, thích động não để đề ra những ý tưởng mới và thích hợp tác với người khác. Bạn cũng có thể thấy rõ rằng những người mà bạn ngưỡng mộ nhất đều có óc tò mò, lòng trắc ẩn và tinh thần sáng tạo.
Việc xác định và suy ngẫm về nguồn động lực cũng như những mong muốn đạt được sẽ giúp bạn khai thác tốt các kỹ năng và năng lực đang sở hữu để biến thành hành vi giúp thể hiện rõ ràng đam mê và thế mạnh của mình. Những hiểu biết này cũng có thể dùng để suy nghĩ về những kỹ năng mới mà bạn cần rèn luyện để đạt được mơ ước.
Bước 2: Kết nối các giá trị của bạn cho phù hợp với mục tiêu của tổ chức/công ty
Sau bước đầu tiên là tìm ra động lực thôi thúc mình, nếu vẫn muốn tiếp tục phát triển vai trò hiện tại, bạn cần phải kết nối nhân hiệu với các mục tiêu của tổ chức hay công ty nơi bạn đang làm việc. Hãy bắt đầu bằng cách quan sát những người thành công và được ngưỡng mộ trong công ty. Họ luôn thể hiện hành vi hay đặc điểm nào? Điểm mạnh nhất khiến họ được coi trọng là gì? Hành vi của họ giúp công ty đi lên như thế nào?...
Bây giờ, hãy quay lại bước 1 và nghĩ về các mục tiêu và giá trị mà bạn đã xác định được. Bạn thấy có bất kỳ sự liên kết nào giữa các kỹ năng hiện tại của mình và những phẩm chất mà công ty bạn đánh giá cao không? Nếu có, hãy tập trung phát triển những lĩnh vực đó. Còn nếu không, bạn có thể cần phải trau dồi thêm năng lực. Bài tập này sẽ giúp bạn hình dung ra được nhân hiệu phù hợp với cả nguyện vọng của bạn lẫn các mục tiêu chiến lược của công ty.
Bạn cũng có thể chọn một từ khoá hoặc một đặc điểm nào đó để phát triển nhân hiệu, như “nhà lãnh đạo”, “nhà cải cách”, “chuyên gia công nghệ”, “diễn giả truyền cảm hứng”… Để tiếp tục câu chuyện giả sử ban đầu, tạm cho rằng bạn đang thuộc đội Nghiên cứu & Phát triển (R&D) tại một công ty hàng tiêu dùng. Có thể bạn nhận thấy công ty mình hay tung ra thị trường những sản phẩm tiên tiến nhất nhì và rất coi trọng những nhà lãnh đạo có xu hướng thách thức hiện trạng và suy nghĩ vượt ra ngoài giới hạn thông thường. Điểm mạnh hiện tại của bạn phù hợp như thế nào với mục tiêu đó của công ty? Bạn tự đánh giá mình là “người sáng tạo” và “thích giải quyết các vấn đề phức tạp”. Vậy thì bạn có thể quyết định chọn từ khoá “nhà cải cách” để phát triển nhân hiệu.