Quy trình 7 bước - cách tiếp cận mới để xây thương hiệu cá nhân
| 1034 lượt xem |
Tỷ lệ thành công trong công việc lẫn cuộc sống của bạn phần lớn phụ thuộc vào khả năng bạn thuyết phục người khác công nhận giá trị của mình: khi nộp đơn xin việc, đề xuất thăng chức, ứng cử vào các vị trí lãnh đạo, hoặc khi… đưa ra lời mời hẹn hò cho đối tượng bạn cảm mến. Trong thế giới ngày nay, dù tích cực hay tiêu cực thì mỗi người cũng đều là một thương hiệu. Điều bạn cần làm là thoải mái phát triển và tiếp thị thương hiệu cá nhân (nhân hiệu) của mình.
Xây dựng thương hiệu cá nhân (nhân hiệu) là việc cần làm một cách có chủ đích và chiến lược, đòi hỏi bạn phải xác định và thể hiện được giá trị của mình. Dù nhìn chung mọi người thường chăm chút cho hình ảnh và danh tiếng cá nhân, nhưng các công cụ tìm kiếm trực tuyến và mạng xã hội còn giúp mở rộng phạm vi tiếp cận đối tượng tiềm năng hơn nữa. Và dĩ nhiên, phần thưởng lẫn rủi ro đi kèm cũng tăng theo.
Chúng ta sẽ muốn nghĩ rằng mình hoàn toàn kiểm soát được thương hiệu cá nhân, nhưng sự thật là chuyện đó hiếm khi xảy ra. Như Jeff Bezos - nhà sáng lập Amazon từng nói: “Thương hiệu của bạn chính là những gì mọi người nói về bạn khi bạn vắng mặt”. Thương hiệu là tổng hoà của sự liên tưởng, niềm tin, cảm xúc, thái độ và kỳ vọng mà mọi người lưu giữ về bạn. Do đó, bạn cần đảm bảo câu chuyện về mình phải chính xác, mạch lạc, hấp dẫn và khác biệt.
Một thương hiệu cá nhân mạnh mẽ và được quản lý tốt sẽ mang lại cho bạn nhiều lợi ích: tăng cường khả năng hiện diện, nhất là với những người quan trọng mà bạn muốn tiếp cận; mở rộng mạng lưới quan hệ và thu hút thêm cơ hội mới. Ở một mức độ sâu hơn, quá trình xây dựng thương hiệu cá nhân còn giúp bạn khám phá, tôn vinh và chia sẻ những khả năng độc đáo của mình cho thế giới.
Bài viết này đề xuất một quy trình xây thương hiệu cá nhân trong 7 bước. Ứng dụng các nghiên cứu mới nhất về lĩnh vực thương hiệu và đậm tính thực tế, quy trình đơn giản này cung cấp những hướng dẫn cần thiết để bạn tạo nên một thương hiệu cá nhân mà bạn vừa có thể sống một cách chân thật và thoải mái mỗi ngày, vừa đạt được những mục tiêu quan trọng nhất của mình.
Trong quy trình 7 bước này, mỗi bước đều sẽ hỗ trợ cho các bước khác khi bạn chuyển đổi từ trạng thái lập chiến lược sang thử nghiệm và điều chỉnh theo phản hồi nhận được.
Bước 1. Xác định mục đích rõ ràng
Bước đầu tiên, bạn cần có tầm nhìn và sứ mệnh dài hạn. Bạn muốn mang đến sự khác biệt gì cho những đối tượng quan trọng với bạn, cả trong đời sống cá nhân lẫn lĩnh vực nghề nghiệp? Và khi đó, bạn muốn thể hiện những giá trị nào?
Hãy bắt đầu bằng cách xác định “sợi chỉ đỏ” của bạn. Hãy nghĩ về tầm quan trọng của bạn đối với người khác, được đặt trong bối cảnh những kinh nghiệm, quyết định và hành động trong quá khứ. Hãy tự hỏi xem bạn đã sống một cuộc sống như thế nào và lý do tại sao. Hãy tìm ra bất kỳ sở thích, năng lực hoặc đặc điểm tính cách nhất quán nào mà có thể giúp dẫn lối bạn tiến đến tương lai.
Sau đó, hãy khám phá cách mà những điều này kết nối với sứ mệnh, đam mê và mục tiêu của bạn thông qua việc viết ra một “đề xuất giá trị cá nhân” gồm bốn phần: nhóm người bạn nhắm đến, những điều bạn có thể cung cấp, nhóm người có mục đích trùng với bạn hoặc gần giống như bạn, và khả năng đặc biệt của bạn.
Một bản mẫu đề xuất giá trị cá nhân để bạn tham khảo như sau:
Đối với [một người hoặc nhóm người cụ thể]...
Tôi sẽ tạo ra sự khác biệt bằng cách cung cấp [những giá trị độc đáo, đáng nhớ và có ý nghĩa mà bạn muốn cung cấp]...
Trong số tất cả [nhóm người có mục đích trùng với bạn hoặc gần giống như bạn, những người mà bạn vừa muốn hòa nhập với họ vừa muốn nổi bật hơn họ]…
Tôi sở hữu [những bộ kỹ năng, đặc điểm tính cách, thói quen và khuynh hướng, kinh nghiệm cá nhân, nguồn lực xã hội, nguồn lực văn hóa, các chứng chỉ thể hiện rằng bạn rất uy tín và đáng tin cậy].
Ví dụ, đề xuất giá trị cá nhân của một chuyên gia công nghệ thông tin (IT) có thể là: "Đối với một nhà tuyển dụng tiềm năng, tôi là người quản lý an ninh mạng tốt nhất mà anh ấy/cô ấy có thể tìm thấy trong tất cả các ứng viên. Vì tôi có nhiều chứng chỉ về lĩnh vực IT, tôi có khả năng lãnh đạo và tôi sở hữu đức tính kiên trì đã được mài giũa trong các cuộc chạy marathon hằng tháng".
Bước 2. Kiểm tra giá trị thương hiệu cá nhân
Bước tiếp theo, bạn cần xác định và phân tích thương hiệu cá nhân hiện tại của mình để có thể tiếp tục phát triển hoặc thay đổi cho hiệu quả và đúng với đề xuất giá trị cá nhân. Những “nguyên liệu thô” cần xem xét gồm: sự nhận thức (những gì mọi người biết về bạn), sự liên tưởng (suy nghĩ, cảm xúc và thái độ của mọi người về bạn) và ý nghĩa (những câu chuyện mọi người biết và kể về bạn).
Trước hết, hãy lập danh mục các thông tin cơ bản như trình độ học vấn, kinh nghiệm chuyên môn hoặc kinh nghiệm cá nhân quan trọng và những thành tích bạn đã đạt được. Sau đó, hãy phác thảo các vòng kết nối xã hội, các mối quan hệ của bạn trong nhiều tổ chức, công ty, hội nhóm… Bản phác thảo này sẽ giúp bạn đánh giá được tiềm lực “nguồn vốn xã hội” của mình, hiểu và tận dụng được nguồn vốn này. Song song với “nguồn vốn xã hội” là “nguồn vốn văn hoá”. Hãy phân tích vốn văn hóa của bạn, chính là những khả năng mà bạn đã phát triển trong quá trình trưởng thành và tương tác với mọi người, sở thích và mối quan tâm giúp bạn hoà nhập và hoạt động hiệu quả trong nhiều môi trường.
Giờ đây, hãy lập danh sách những tính từ hoặc cụm từ mô tả chân thật nhất về bạn, cả tích cực lẫn tiêu cực. Cố gắng càng cụ thể càng tốt, tránh mô tả đơn giản như "tốt nghiệp Đại học Luật" hoặc "chuyên gia phân tích tài chính". Hãy suy nghĩ kỹ để chọn từ ngữ mô tả có thể giúp bạn trở nên nổi bật. Chẳng hạn, bạn có thể là một "chuyên gia phân tích tài chính chú trọng chi tiết" hoặc "chuyên gia phân tích tài chính có khả năng nhìn thấy thông điệp xa hơn các con số". Từ ngữ bạn chọn cũng phải thật đặc sắc. Thay vì "thông minh", hãy thử chọn "hiểu biết rộng", "đọc nhiều", hoặc "chuyên gia về kế toán dựa trên chi phí"... Tương tự, thay vì “hài hước”, bạn có thể dùng “nhanh trí ứng khẩu” hoặc “giỏi pha trò đúng lúc”.
Cuối cùng, hãy xem xét liệu phần tự đánh giá bản thân có phù hợp với bản sắc thương hiệu bạn mong muốn hay không. Ví dụ, nếu đề xuất giá trị cá nhân của bạn liên quan đến việc khẳng định mình là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, ấm áp và hiệu quả, bạn sẽ muốn chọn những từ như “thấu cảm”, “quan tâm” và “hướng đến kết quả”. Bạn đang thể hiện tốt những đặc điểm đó đến mức nào?
Một bài tập quan trọng nữa ở bước này là làm “nghiên cứu thị trường” để tìm hiểu xem cách bạn nhìn nhận về chính mình có trùng khớp với cách người khác nhìn nhận về bạn hay không. Hãy xác định nhóm đối tượng chính, như thầy cô, sếp, đồng nghiệp, gia đình, bạn bè, người yêu hay vợ/chồng… và chọn trong đó một số người sẽ sẵn sàng nói lên sự thật - những người mà bạn tin tưởng rằng sẽ đưa ra phản hồi khách quan. Hãy chọn cả người hiểu bạn rất rõ và cả những người chưa hiểu nhiều về bạn. Và hãy can đảm chọn cả những người đã từng từ chối bạn (khi bạn xin việc hoặc ngỏ lời mời hẹn hò chẳng hạn).
Hãy xin phép những “người được chọn” dành thời gian trò chuyện cởi mở về điểm mạnh và điểm yếu của bạn, cam kết với họ rằng bạn đang tìm kiếm sự thẳng thắn 100%. Sau đó, hãy đặt những câu hỏi mở như "Bạn sẽ mô tả tôi với người lạ thế nào nếu tôi không có mặt ở đó?" hoặc "Trong công việc và cuộc sống cá nhân, khi nghĩ đến tôi, những cụm từ hay tính từ nào sẽ hiện ra trong đầu bạn?”. Lưu ý rằng, đừng đặt câu hỏi mang tính dẫn dắt như "Bạn nghĩ tôi có óc hài hước không?", mà hãy gợi mở như "Tôi có nét đặc biệt gì trong phong cách trò chuyện không? Hoặc trong tính cách? Hoặc sở thích? Kinh nghiệm? Kỹ năng?...”. Chỉ sau khi gợi mở như vậy, bạn mới nên tiến đến các ý cụ thể hơn. Chẳng hạn như nhờ anh ấy/cô ấy đánh giá bạn dựa trên các thuộc tính bạn mong muốn.
Sau đó, hãy so sánh những ý kiến này với ý kiến cá nhân của bạn. Hai luồng ý kiến giống nhau hay khác nhau như thế nào? Bạn có nhìn thấy những “khoảng trống” nào hay không? Và làm sao để bạn có thể lấp đầy khoảng trống đó?
Ở bước thứ hai này, bạn cũng đừng quên đánh giá bản thân so với nhóm người có mục đích trùng với bạn hoặc gần giống như bạn. Bạn có thể tự làm khâu này hoặc nhờ một cố vấn giúp đỡ. Nhóm người trên có những thông tin cơ bản, kỹ năng, nguồn vốn xã hội, nguồn vốn văn hóa và đặc điểm tính cách nào? Những nét đặc điểm nào của bạn rất độc đáo và khác biệt so với họ? Hồ sơ năng lực của bạn còn thiếu điều gì? Bạn có thể làm gì để bổ sung?
Bước 3. Xây dựng câu chuyện cá nhân
Một thương hiệu không thể chỉ là mớ hỗn độn các mô tả trôi nổi trong tâm trí mọi người, mà cần phải được xây dựng dựa trên những câu chuyện có ý nghĩa mà bạn đã truyền đạt đến đối tượng mục tiêu và được họ tiếp nhận, xử lý. Bạn cần phải xác định, xây dựng và tinh chỉnh các câu chuyện giúp tạo nên thương hiệu cho mình.
Hãy nghĩ về những lúc bạn cảm thấy chân thật, sống động, tích cực và hiệu quả nhất; những khi bạn nổi bật so với nhiều người khác; thời điểm sự độc đáo giúp bạn tạo nên khác biệt giữa thành công và thất bại; quãng thời gian mà bạn chính là hiện thân hoàn hảo cho thương hiệu mình muốn sở hữu.
Chẳng hạn như trong tình huống phỏng vấn việc làm, khi nhà tuyển dụng nói "Hãy kể cho tôi nghe về bạn", đừng chỉ đọc lại sơ yếu lý lịch hoặc mô tả các đặc điểm tính cách của bạn. Thay vào đó, hãy chia sẻ những câu chuyện minh họa về bản thân và kinh nghiệm riêng. Ví dụ: "Trong tất cả các vị trí mà anh/chị thấy trong CV, tôi thực sự chỉ đóng một vai trò duy nhất, đó là người giải quyết vấn đề. Mới đây, đội ngũ của tôi đang vật lộn với một quy trình đánh giá đã lỗi thời, vì vậy tôi dành ra cả tháng để làm việc với một đồng nghiệp trong bộ phận IT để cải tiến quy trình này và kể từ đó, chúng tôi đã tăng tỷ lệ hoàn thành công việc đúng thời hạn lên 100%”. Tương tự như vậy, để trả lời cho câu hỏi mào đầu “Bạn đến từ đâu?”, đừng chỉ nói đơn giản là “Hà Nội” hay “thành phố Hồ Chí Minh”, mà hãy làm cho nội dung hấp dẫn hơn: “Một vùng ngoại ô của tỉnh Bình Thuận - nơi tôi đã dành cả thời thơ ấu để phụ giúp cha mẹ làm công việc đồng áng và chơi thả diều với chúng bạn. Còn anh/chị đến từ đâu?”. Đây là cách để bạn thể hiện sự tháo vát và năng động mà không cần phải nói rõ ra.
Đề xuất giá trị cá nhân của bạn thực sự sẽ trở nên dễ hiểu, dễ nhớ, có sức thuyết phục và lan toả hơn khi bạn truyền tải nó dưới dạng những câu chuyện.
Bước 4. Diễn đạt thương hiệu cá nhân
Mỗi một tương tác xã hội đều có thể đưa nhân hiệu của bạn tiến gần hơn hoặc ra xa hơn lý tưởng của chính mình. Trong các cuộc trò chuyện hằng ngày, dù là tại không gian tiệc tùng hay trong cuộc phỏng vấn xin việc, mọi người đều đang hình thành nhận thức về bạn, dù bạn có thích điều đó hay không. Và vô tình hay hữu ý, bạn đều đang tự quảng cáo cho mình.
Do đó, điều quan trọng là phải nhận thức được các thông điệp bản thân đang gửi đi. Hãy cân nhắc cách bạn trả lời đồng nghiệp một câu hỏi đơn giản như "Bạn khỏe không?". Nếu bạn nói "Tôi quá mệt mỏi, công việc đã căng thẳng lại còn gặp kẹt xe liên tục trên đường" nghĩa là bạn đang diễn đạt những thông điệp tiêu cực và bỏ lỡ cơ hội củng cố các khía cạnh hấp dẫn của nhân hiệu. Thay vào đó, hãy trả lời một cách cẩn trọng và có chủ đích hơn, như "Sáng nay đi làm giao thông không được thuận tiện lắm, nhưng tôi tranh thủ nghe được một tập podcast rất thú vị về sự sáng tạo mà tôi định sẽ chia sẻ lại với đội Phát triển sản phẩm". Lúc này, bạn đang thể hiện sự tích cực, cầu thị và năng suất cao.
Dĩ nhiên với đồng nghiệp và bạn bè quen thân, bạn không cần phải quản lý nhân hiệu mọi lúc mọi nơi, vì họ đã có nhận thức rõ ràng về bạn. Tuy nhiên, khi giao tiếp với những người mới gặp hoặc có nhận thức không đúng về bạn, hãy luôn thể hiện tốt nhất có thể. Làm như vậy không có nghĩa là bạn phải luôn lạc quan hay ra vẻ ta đây. Điều quan trọng là hiểu được nhu cầu của người khác, hiểu được mình có thể cung cấp gì cho họ, rồi diễn đạt đề xuất giá trị cá nhân theo cách hấp dẫn nhất.
Bạn cũng nên học cách giới thiệu câu chuyện cá nhân một cách sáng tạo trong các cuộc họp lần đầu tiên ở một tổ chức, buổi trò chuyện xã giao và các phiên nói chuyện nghiêm túc về công việc. Hãy tự hỏi: "Tôi muốn chia sẻ điều gì về bản thân, và câu chuyện nào hay nhất để giúp minh họa cho điều đó?". Sau đó, hãy tìm kiếm cơ hội để kể chuyện.
Bước 5. Truyền thông câu chuyện thương hiệu cá nhân
Bước thứ năm là tạo ra một "kế hoạch truyền thông" - nêu rõ các kênh mà bạn sẽ chính thức truyền tải thương hiệu của mình cho mọi người biết. Hãy cân nhắc cách bạn có thể sử dụng các phương tiện truyền thông do chính bạn sở hữu và các kênh miễn phí hoặc trả phí để truyền bá câu chuyện thương hiệu. Cũng giống như tiếp thị sản phẩm hoặc dịch vụ, bạn cần giúp đối tượng mục tiêu gia tăng khả năng nhận biết, thấu hiểu bạn và muốn khám phá nhiều hơn về bạn.
Ban đầu bạn có thể không thoải mái lắm. Vì mọi người thường không có cảm tình với ai đó tự quảng cáo và “khoác lác” về bản thân. Tuy nhiên, thành công của bạn phụ thuộc rất nhiều vào việc phác thảo những “nét vẽ” khiến bạn trở nên có giá trị và cung cấp cho mọi người “lối tắt” để thấy được những gì bạn có thể mang đến.
Phương tiện truyền thông do bạn sở hữu bao gồm trang mạng xã hội, hồ sơ năng lực, trang web cá nhân và “đối tượng hữu cơ” mà bạn có được nhờ sáng tạo nội dung như bài viết trên mạng xã hội, bài viết đăng báo, podcast, video, blog, bài phát biểu…
Phương tiện truyền thông miễn phí gồm những lần bạn được nhắc tên trên báo chí; nội dung bình luận và đánh giá về tác phẩm của bạn trên trang mạng xã hội nghề nghiệp như LinkedIn và các nền tảng khác; lượt chia sẻ, lượt thích và bình luận trên nội dung trang xã hội của bạn; nội dung người khác giới thiệu về bạn…
Phương tiện truyền thông trả phí bao gồm tất cả những cách bạn gia tăng mức độ “phủ sóng” bằng cách trả tiền cho người khác giúp mình. Chẳng hạn như thuê cố vấn - những người có khả năng giới thiệu thương hiệu cá nhân của bạn đến nhà tuyển dụng tiềm năng; ký hợp tác với công ty có khả năng xác định đúng đối tượng khán giả sẵn sàng lắng nghe câu chuyện của bạn tại các hội thảo; mua quảng cáo trên các phương tiện truyền thông xã hội để quảng bá nội dung bạn sáng tạo; trả tiền để những người có tầm ảnh hưởng tiếp thị cho bạn và lĩnh vực của bạn; tham gia các buổi giao lưu trò chuyện có phí để gia tăng cơ hội xuất bản nội dung…
Hãy cân nhắc kết hợp nhiều phương tiện truyền thông và tận dụng nhiều nền tảng theo cách tối ưu nhất, đồng thời tinh chỉnh phương thức cho phù hợp với đối tượng mục tiêu và cách họ sử dụng phương tiện truyền thông. Giả sử bạn đang muốn các công ty tầm cỡ thuộc danh sách Fortune 500 thuê bạn làm chuyên gia tư vấn hàng không. Thay vì viết một bài đăng lên Facebook kể về chuyến đi thăm bảo tàng hàng không, bạn hãy nhờ một người có tầm ảnh hưởng trong ngành đăng lên LinkedIn bài viết của bạn về lĩnh vực hàng không đã được xuất bản trên một tạp chí thương mại.
Bước 6. “Xã hội hoá” thương hiệu cá nhân
Xây dựng thương hiệu cá nhân không phải là một hoạt động mang tính… cá nhân, mà bạn cần có người khác chia sẻ câu chuyện của mình, giúp bạn nâng cao uy tín và tiếp cận đối tượng tiềm năng mới. Vì vậy, hãy lựa chọn cẩn thận những “người giữ cổng”, người có tầm ảnh hưởng, “người quảng bá”, và “cộng đồng thương hiệu cá nhân” hỗ trợ bạn trên hành trình này.
“Người giữ cổng” là những người nắm giữ chìa khóa thành công của bạn mà nếu không có họ, bạn sẽ thấy rất khó khăn để hoàn thành được sứ mệnh. Họ có thể là người làm công tác tuyển sinh tại ngôi trường bạn muốn nộp đơn vào học, giám khảo của một giải thưởng quan trọng mà bạn khao khát giành chiến thắng, hoặc thành viên hội đồng thẩm định ứng viên cho vai trò bạn muốn ứng cử… Báo chí thường là “người giữ cổng” quan trọng, vì các phóng viên và biên tập viên có khả năng lựa chọn nhân vật mình muốn giới thiệu hoặc nêu bật trong bài viết.
Người có tầm ảnh hưởng gồm những ai có chuyên môn, thẩm quyền, địa vị xã hội hoặc mối quan hệ giúp họ tác động đến người khác. Họ sở hữu sẵn nhiều người theo dõi tích cực tương tác và có thể hỗ trợ, bổ sung thêm cho câu chuyện của bạn. Những lời giới thiệu, đánh giá của họ dù trực tiếp hay gián tiếp cũng sẽ giúp bạn nâng cao uy tín đáng kể.
“Người quảng bá” sẽ tích cực đầu tư vào thành công của bạn và giúp bạn truyền thông thương hiệu cá nhân. “Người quảng bá” bao gồm cố vấn sự nghiệp, nhà tuyển dụng, sếp, bạn bè - những người sẵn sàng chia sẻ danh bạ điện thoại cho bạn, và những người quen thân đến mức sẵn sàng thiết lập một cuộc hẹn để chia sẻ thông tin bạn cần.
“Cộng đồng thương hiệu cá nhân” là các nhóm, câu lạc bộ hoặc tổ chức thương mại trực tiếp hoặc trực tuyến mà thông qua đó bạn có thể tìm thấy những người có cùng sứ mệnh và sở thích hoặc những người đang tìm kiếm giá trị mà bạn có thể cung cấp. Chẳng hạn như các hiệp hội ngành nghề, câu lạc bộ cựu sinh viên… Hãy tự hỏi “Làm sao để tôi tìm thấy ‘đồng minh’ trong cộng đồng này?”. Rồi sau khi kết nối với “đồng minh”, bạn hãy giải thích rõ mục tiêu của mình và rằng bạn hy vọng họ có thể giúp thực hiện một yêu cầu nhỏ, như mời bạn phát biểu trong một hội thảo của câu lạc bộ cựu sinh viên chẳng hạn. Một yêu cầu đơn giản sẽ rất dễ được chấp nhận vì những “đồng minh” thường muốn giúp đỡ bạn nhưng lại không biết nên giúp bằng cách nào.
Bước 7. Tái đánh giá và tinh chỉnh thương hiệu cá nhân
Xây dựng thương hiệu cá nhân là một quá trình diễn ra liên tục. Vì vậy, bạn cần phải thường xuyên tái đánh giá xem đề xuất giá trị cá nhân và câu chuyện thương hiệu của mình phù hợp đến mức nào so với bối cảnh công việc và cuộc sống hiện tại. Chúng đang được tiếp nhận ra sao? Có cần điều chỉnh gì cho phù hợp hơn? Tần suất “kiểm toán” nên là mỗi năm một lần để tìm thấy thiếu sót cần khắc phục và điểm mạnh cần phát huy. Ngoài việc tự đánh giá, bạn cũng nên ngồi lại với những người “nói sự thật” để tái khám phá hình ảnh hiện tại của mình trong tâm trí họ, nhằm đảm bảo hình ảnh ấy phù hợp với mục tiêu của bạn.
Giả sử bạn đang được cân nhắc thăng chức lên vị trí quản lý, nhưng bạn biết rằng không phải ai cũng xem bạn là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ. Lúc này, bạn có thể tham gia một khóa đào tạo về lãnh đạo, xung phong làm người đứng đầu cho một dự án hoặc một đội nhóm; hoặc trong đời sống cá nhân, bạn cũng có thể tham gia vào hội đồng quản trị của một tổ chức phi lợi nhuận. Nỗ lực đạt thành tựu trong những tổ chức đó có thể giúp bạn củng cố cho đề xuất giá trị cá nhân. Và rồi bạn sẽ có những câu chuyện thành công thực tế để kể về năng lực lãnh đạo của mình.
Quá trình xây dựng thương hiệu cá nhân đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. Nhưng rồi bạn sẽ được đền đáp xứng đáng. Bạn sẽ kiểm soát tốt hơn hình ảnh của mình trong đời sống sự nghiệp lẫn đời sống cá nhân, từ đó đạt được thành công cho bản thân và tạo ra tác động tích cực cho thế giới.
Đăng ký ngay khoá học trực tuyến về kiến thức và kỹ năng xây dựng thương hiệu cá nhân cho Gen Z của Học viện Thương hiệu Kim cương (DBI) - thành viên của Tập đoàn Hành trình Kim cương (DJC). Đến với khoá học, bạn sẽ được các chuyên gia nhiều kinh nghiệm và có uy tín cung cấp đa dạng kiến thức và kỹ năng về xây dựng thương hiệu cá nhân, từ cách xây dựng hồ sơ thương hiệu, cách kể câu chuyện thương hiệu, cách truyền thông thương hiệu cho đến cách xây dựng hình ảnh và phong cách chuyên nghiệp.
🔥 Nội dung đào tạo: 5 module
- Kiến thức về thương hiệu và nhân hiệu
- Kỹ năng xây dựng hồ sơ nhân hiệu chuyên nghiệp
- Kỹ năng xây dựng và kể câu chuyện thương hiệu chạm cảm xúc
- Kỹ năng xây dựng hình ảnh và phong cách chuyên nghiệp
- Kỹ năng truyền thông nhân hiệu
🔥 Thời gian đào tạo: 19:00 - 22:00 từ Thứ hai đến Thứ sáu
- Đợt 1: từ ngày 19/08 đến ngày 23/08/2024
- Đợt 2: từ ngày 09/09 đến ngày 13/09/2024
- Đợt 3: từ ngày 23/09 đến ngày 27/09/2024
🔥 Giảng viên uy tín và giàu kinh nghiệm
- Thạc sĩ Luật - Bùi Thị Bạch Hải
- Thạc sĩ Nguyễn Châu Linh
- Tiến sĩ Khiêm Nguyễn
🔥 Học phí
- 999.000 đồng/module, ưu đãi 50% khi đăng ký combo 5 module.
🔥 Quà tặng đặc biệt dành cho học viên
- Tặng một giờ coaching 1:1 trị giá 5.000.000 đồng
- Khoá học Xây dựng Nhân hiệu Hạnh phúc trên Thư viện số DBI trị giá 299.000 đồng
- Đặc biệt, toàn bộ thí sinh tham gia Giải thưởng Brand Review Award (B.R.A) (bra.djc.vn) mùa 2 sẽ được tài trợ 100% học phí khoá đào tạo
🔥 Thông tin liên hệ
- Số điện thoại: 0903 661 512 (Ms Chi Nguyễn) | 0787 250 397 (Ms Thuỳ Dương)
- Email: info@djc.vn
- Website: https://djc.vn/