DJC

Đã đánh giá tài liệu

Cảm ơn bạn đã phản hồi

Giá trị cốt lõi của việc đọc sách

| 5219 lượt xem | Hồi Hoàng

Giá trị cốt lõi của việc đọc sách

Tri thức, hiểu biết đều chẳng thuộc sở hữu tuyệt đối của riêng ai. Nếu chỉ giữ chúng làm của riêng thì chỉ khiến giá trị của chúng ngày một giảm. Đọc sách, nói như nhà triết học Khai sáng Voltaire: “Những gì sách dạy chúng ta cũng giống như lửa. Chúng ta lấy nó từ nhà hàng xóm, thắp nó trong nhà ta, đem nó truyền cho người khác, và nó trở thành tài sản của tất cả mọi người".

Sách - tự thân là một phương cách chia sẻ tri thức

Hẳn nhiên là không phải tri thức, kinh nghiệm nào cũng có thể truyền dạy hiệu quả qua sách vở, chữ viết, nhưng xét về tổng thể và với số đông nhân loại, sách vẫn là phương tiện giàu giá trị nhất trong việc phục vụ sứ mệnh này cho loài người. Không có sách, nhân loại không thể có ngày hôm nay. Chúng ta sẽ mất kết nối với tổ tiên, với quá khứ của chúng ta, gồm đời sống sinh hoạt, tư tưởng, học tập, nghệ thuật, giải trí, những cuộc biến thiên qua thời gian, những bài học từ lịch sử cha ông, lịch sử các cộng đồng, quốc gia…. và đặc biệt là những trạng thái, những đổi thay về tâm hồn và tâm thức nhân loại. Không có sách, trí não của chúng ta sẽ chỉ là những kinh nghiệm được thừa kế một cách đơn thuần, nghèo nàn và cảm tính.

Sách được tạo ra từ nhu cầu tất yếu, từ khát khao cháy bỏng được lưu giữ và chia sẻ tri thức của các cá nhân và thế hệ người. Vì vậy, tự thân nó vốn dĩ là biểu tượng cao quý của sự cho đi, sự sẻ chia và trao truyền tri thức, kinh nghiệm, tình cảm giữa người với người. Dù rằng ngày nay, sách được làm ra chủ yếu gắn với hoạt động thương mại mua bán với nhiều động cơ khác nhau, nhưng mặt khác nhờ vậy mà sách được phổ cập tới tất cả dân chúng, bất kỳ ai dù nghèo khó hay xa xôi đến đâu vẫn có thể được đọc sách hay mua sách. Đó là may mắn mà các thế hệ cha ông của chúng ta khó có thể có được.

Có một hiểu nhầm mà không ít người hay nhắc tới rằng những con số về tỷ lệ đọc sách của người Việt hiện nay thực sự đáng báo động (4 cuốn/năm, trong đó 2,8 cuốn là sách giáo khoa số liệu năm 2018) và thấp hơn ngày xưa. Điều này là chưa thỏa đáng (Theo số liệu thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tháng 4/2013) thì mỗi người Việt chỉ đọc 0,8 cuốn sách/năm (thấp hơn 5 lần dù chỉ cách 5 năm). Còn những năm trước đó thì chúng ta chưa có số liệu thống kê vì khi đó thì chưa có mấy ai quan tâm tới câu chuyện văn hóa đọc.

Như vậy, chúng ta cần vui mừng vì nhà nước và cộng đồng đang dành nhiều sự quan tâm hơn đến việc đọc sách của trẻ em và dân chúng. Và trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, chúng ta đã thực sự đi được những bước dài trên hành trình lan tỏa giá trị của sách và văn hóa đọc. Chia sẻ tri thức đã và đang trở thành một làn sóng lan tỏa rộng rãi trong xã hội. Việc tặng sách, gieo tri thức không chỉ diễn ra một cách tự phát, rời rạc bởi một số cá nhân, mà đã hình thành những tổ chức lớn, những chương trình chuyên nghiệp với quy mô cả nước, thu hút hàng ngàn người tham gia.

Cốt lõi của đọc sách chính là sự chuyển hóa và nhân bản tri thức

Một cuốn sách dù hay đến mấy nhưng không được ai đọc sẽ chỉ là một bản thảo trên giá. Người ta gọi đó là những bản thảo chết! Chỉ khi những cấu trúc ký hiệu ấy được đọc-hiểu, tri thức được chuyển vào trí não và tâm hồn những người đọc, nó mới thực sự bắt đầu sống cuộc đời đúng nghĩa của nó là một dòng chảy sống động với vô vàn màu sắc và tầng bậc. Một cuốn sách được nhiều người đọc sẽ mang nhiều phiên bản ý nghĩa khác nhau, do tính cách, trình độ, hoàn cảnh, địa vị, vốn sống và trải nghiệm của mỗi chúng ta không ai giống ai hoàn toàn.

Và một người biết đọc nhiều sách hay cũng vậy, người đó đang sống nhiều cuộc đời, nhiều nền văn hóa ngay bên trong chính mình. Có thể đâu đó các phương tiện truyền thông khác cũng làm được điều này, nhưng để tạo ra một sự chuyển hóa sâu sắc và căn bản, thay đổi cả khí chất và cốt cách của một người thì sách có ưu thế hơn cả. Tính nhân bản và sức mạnh chuyển hóa ấy đã giúp cho loài người gầy dựng những nền văn minh và làm nên vẻ đẹp muôn màu cho cuộc sống.

Chính vì vậy mà cha đẻ của trường học công Horace Mann từng ước ao: "Nếu tôi có quyền thế, tôi sẽ đem sách mà gieo khắp mặt địa cầu như người ta gieo lúa trong luống cày vậy!". Thật mừng là những năm gần đây, chúng ta đang được thấy tận mắt ước ao ấy được thực hiện bởi rất nhiều tổ chức và cá nhân trong xã hội.

Chúng ta không chỉ được thấy những người viết sách, những nhà làm sách tặng sách cho độc giả của họ. Điều đáng nói ở đây là có ngày càng nhiều người đọc sách vì nhận được nhiều niềm vui và đổi thay tốt đẹp nơi chính mình mà vui vẻ tặng những cuốn sách hay từ tủ sách cá nhân, tủ sách gia đình mình tới mọi người. Nhiều trường học đã khích lệ học sinh góp sách cho tủ sách lớp học hay cho thư viện trường với tinh thần "góp một cuốn sách để đọc nhiều sách hay". Chất lượng sách góp có thể chưa cao nhưng tinh thần ấy là rất đáng ghi nhận.

Ngày càng có nhiều hơn các trường học, tổ chức, cơ quan thực hiện khen thưởng, động viên, khích lệ học trò, nhân viên của mình bằng cách tặng những cuốn sách hay mỗi khi có dịp nhằm gieo lòng hiếu tri và năng lực tự học - năng lực nền tảng quan trọng nhất để thành công và hạnh phúc trong đời.

Ngày tết, nhiều người đã chuyển đổi việc lì xì tiền mặt sang lì xì sách, để chúc nhau một năm mới thật nhiều tri thức và thăng tiến trong hoàn thiện bản thân. Vì rằng, chất lượng cuộc sống của chúng ta tỉ lệ thuận với giá trị thực của con người chúng ta. Với sách thì chúng ta có thể mừng tuổi cho bất kỳ ai, không giới hạn độ tuổi, ngành nghề, tôn giáo, địa vị… Đặc biệt với trẻ con thì mừng tuổi sách càng có nhiều ý nghĩa. Đó là một cách giáo dục truyền tải được nhiều thông điệp giàu giá trị cho con trẻ.

Bình dị hơn nhưng vô cùng đẹp là câu chuyện của các độc giả vì muốn cho chính mình và mọi người được đọc nhiều sách hay mà nỗ lực mở tủ sách cộng đồng ngay tại nhà mình.

Ở quy mô lớn hơn, khoảng 10 năm trở lại đây, chúng ta đã được chứng kiến khá nhiều tổ chức, chương trình cộng đồng lớn về sách và văn hóa đọc được khởi tạo và vận hành bởi người Việt. Đó là hệ quả tất yếu khi có ngày càng nhiều cá nhân trong xã hội tham gia thúc đẩy văn hóa đọc để góp phần giải quyết những vấn đề tự thân, cũng như những nan đề chung của xã hội. Mỗi chương trình, dự án đều có một hướng đi và cách làm riêng, có những thế mạnh riêng, nhưng đều dự phần vào thành quả chung là thúc đẩy bước đầu việc xây dựng văn hóa đọc ở Việt Nam. Số cuốn sách được đọc bình quân đầu người đã tăng 5 lần sau 5 năm (2013 - 2018) đã chứng minh phần nào.

Chưa bao giờ, chúng ta thấy các hoạt động đọc sách, giới thiệu sách được chia sẻ rộng rãi bởi các trường học trên cả nước như vậy. Những trường làm tốt việc đọc sách, rất tự nhiên chất lượng giáo dục cũng chuyển biến rõ rệt. Bởi một điều đơn giản, cốt lõi của việc học là tự học, mà cốt lõi của tự học chính là đọc sách vậy. Do đó, sẽ không hề quá lời khi chúng ta khẳng định, việc giúp cho con trẻ yêu thích đọc sách, giáo dục đã thành công một nửa!

Đọc sách là một hành trình chuyển hóa tự thân và nhân bản tri thức. Đó không phải là chuyện riêng của một người biết tự cứu mình và tự trưởng thành. Đó còn là câu chuyện của quốc gia, dân tộc nữa!