DJC

Đã đánh giá tài liệu

Cảm ơn bạn đã phản hồi

Chẳng ai bắt mình phải đọc 100 quyển sách một năm, vậy nên đừng đọc sách như làm bài tập về nhà

| 1357 lượt xem | Hồi Hoàng

Chẳng ai bắt mình phải đọc 100 quyển sách một năm, vậy nên đừng đọc sách như làm bài tập về nhà

Khi còn là đứa trẻ, Stevie Peters thường đọc sách để được tặng pizza. Cô còn nhớ đã tham gia chương trình đọc sách của Pizza Hut, một chương trình vẫn còn tồn tại đến nay, như trải nghiệm thử thách đọc sách đầu tiên. “Khi còn nhỏ, tôi đọc mọi lúc, kể cả khi không phục vụ cho việc học hành ở trường, bởi vậy ý tưởng đọc 200 cuốn sách để được tặng bánh pizza khi đó thực sự là điều tuyệt vời” – cô kể lại. Peters – hiện 31 tuổi và đang sống tại vùng Swansea, Xứ Wales (dù cô lớn lên ở Mỹ) – bắt đầu tham gia trở lại chương trình thử thách đọc sách vào năm 2016, dù giờ đây không ai tặng pizza cho cô nữa vì cô đã trưởng thành. 

Vào mỗi tháng giêng, cô đăng nhập tài khoản Goodreads của mình, đặt mục tiêu đọc 50 cuốn sách trong năm tới. Cô chưa bao giờ đạt được con số đó và nói mình thường chỉ đọc được khoảng 45 cuốn. “Tôi chắc chắn sẽ đọc được 50 cuốn. Tôi muốn tiếp tục thử thách bản thân mình đọc nhiều hết mức có thể” – cô nói.

MỘT MỤC TIÊU RẤT ÍT NGƯỜI ĐẠT ĐƯỢC

Mặc dù chắc chắn đã có người đặt mục tiêu đọc sách từ khi có những cuốn sách đầu tiên, trang web truyền thông xã hội về theo dõi sách mang tên Goodreads có vẻ như đã phổ biến và thể chế hóa thói quen thiết lập mục tiêu đọc sách hằng năm.

Theo Goodreads, “Thử thách đọc sách” bắt đầu từ năm 2011 và có ngay 149.716 người tham gia. Còn năm 2019, hơn 3 triệu người đã cam kết đọc trung bình 59 cuốn sách trong năm (con số này bị lệch bởi một số người đặc biệt tham vọng, vì đa số chỉ cam kết đọc 1 – 24 cuốn).

Những trang web khác như Book Riot hay PopSugar cũng có những cuộc thi đọc sách thường niên của họ. Còn các thành viên của trang Reddit phấn đấu đọc 52 cuốn sách một năm, tương đương một cuốn sách mỗi tuần.

Trong năm 2018, chỉ có 16% số người tham gia “Thử thách đọc sách”. Goodreads đạt trọn vẹn mục tiêu đã đặt ra, hoàn thành 21% tổng số sách đã cam kết. Trong những năm đầu của thử thách, con số này cao hơn (năm 2011, 29% số người tham gia hoàn thành thử thách. Năm 2013, những người tham gia đã đọc 56% lượng sách đã cam kết).

Điều này có thể là do ban đầu chỉ những độc giả trung thành nhất tham gia thử thách, bởi tới năm 2015 Goodreads mới bắt đầu tích cực quảng bá thử thách tới đông đảo thành viên.

Nhưng theo Suzane Skyvara – người phát ngôn của Goodreads, công ty không có dữ liệu nào về những yếu tố khiến người tham gia hoàn thành thử thách hay không. Cô nói trang web muốn tập trung vào điều quan trọng hơn là ít nhất người ta đang đọc sách.

Tuy nhiên, thực tế ngày càng có nhiều người đặt ra mục tiêu đọc sách, mà phần lớn trong số họ sẽ không hoàn thành.

ĐI TÌM ĐỘNG LỰC ĐỌC

Vậy tại sao lại đặt ra một mục tiêu không thể đạt được? Tại sao phải định lượng thú vui đọc sách?

Có lẽ trực giác là lý do phổ biến nhất: thêm động lực vào cuộc đời đọc sách của bạn có thể là một cách để đảm bảo bạn thực sự đọc sách.

Vào năm 2011 và 2012, Donalyn Miller – đại sứ đọc sách của Công ty xuất bản Scholastic, tác giả hai cuốn sách về thói quen đọc sách – đã thực hiện một khảo sát về thói quen đọc sách của độc giả trưởng thành, cố gắng tìm ra lý do người ta vẫn đọc sách khi không còn phải đọc sách theo chương trình của trường.

Cô kể với tôi một trong những điều quan trọng cô phát hiện chính là “sự khác biệt duy nhất giữa người đọc sách và không đọc là người đọc sách có kế hoạch đọc trong tương lai, còn người không đọc thì không”.

Việc đọc sách dễ dàng rơi vào khoảng giữa của những ràng buộc trong cuộc sống của người lớn và thú vui theo dõi truyền hình trực tuyến hay những điều tương tự.

“Một kế hoạch đọc sách trong tương lai” có thể chỉ đơn giản là đặt trước những cuốn sách được quan tâm trong thư viện, hay một kế hoạch linh hoạt để dành nhiều thời gian hơn cho việc đọc. Cũng có thể đó là một thử thách đọc sách thường niên.

Ben Gosbee – kế toán viên 31 tuổi tại Beverly, Massachusetts – cho biết anh đọc sách mọi lúc khi còn nhỏ, nhưng trong những năm gần đây anh không còn đọc nhiều nữa. Vì vậy, anh đặt mục tiêu đọc 25 cuốn sách trong năm nay.

Anh nói con số là một thứ cụ thể để tập trung. Anh e ngại nếu chỉ đặt mục tiêu đọc mỗi ngày một ít, anh sẽ tìm ra nhiều lý do để không thực hiện. Là kế toán viên, anh rất thích các con số cụ thể: “Tôi rất thích kiểu tổ chức và sắp xếp thông qua dữ liệu”.

Theo Neil Lewis Jr. – giáo sư tâm lý học tại Đại học Cornell, nhà nghiên cứu động lực và theo đuổi mục tiêu, những mục tiêu đọc sách mang tính thực tế sẽ khuyến khích và cải thiện trải nghiệm đọc sách.

Nhưng “nếu mục tiêu là không thực tế (dựa trên thực tiễn cuộc sống của mỗi người), nó có thể khiến người đọc mất tinh thần – ông viết cho tôi trong một email – Khi đề ra mục tiêu như thế này, chúng ta thường quên tính đến những việc khác thường chiếm nhiều thời gian và cản trở chúng ta…

Nếu bạn không đọc sách nhiều như bạn muốn, đó có lẽ là do bạn đang làm việc khác thay thế. Bạn có sẵn sàng giảm bớt việc đang làm để dành thời gian cho việc đọc nhiều hơn không?”.

Đúng vậy, một số người cảm thấy thử thách trái ngược với động lực. Sue – giáo viên 50 tuổi, sống ở Crowthorne (Anh), vừa tham gia Goodreads năm nay – đề ra mục tiêu đọc 20 cuốn sách. Tới giờ, cô vẫn không thích trải nghiệm của thử thách.

Cô giữ một danh sách từng cuốn sách mình đã đọc từ khi còn học cấp hai trong một cuốn sổ tay, và có thể thấy từ nhật ký đó rằng cô thực sự từng đọc nhiều sách trong một năm hơn khi không đặt mục tiêu bằng số cụ thể.

“Tôi đặt ra 20 cuốn sách mà tôi nghĩ là không nhiều so với các năm trước – cô nói – Kể từ khi đặt mục tiêu cụ thể, tôi thấy tốc độ đọc của mình chậm lại. Tôi liên tục nhận tin nhắn từ Goodreads nhắc nhở “Bạn đang đọc không kịp theo lịch đọc sách của bạn”.

Tôi tự hỏi liệu về mặt tâm lý, điều đó có khiến mình đang làm một việc trái ngược với sự thư giãn. Tôi gần như ước mình không tham gia chương trình Goodreads. Nó làm cho tôi cảm thấy như đã trở lại những ngày đi học”.

Đây là điều gây nhiều băn khoăn về mục tiêu đọc sách – chúng thực chất giống như bài tập về nhà mọi người tự giao cho mình. Mục tiêu đọc sách có thể mang lại cảm giác học hành và thành tích, hoặc cảm giác giống những việc bận bịu vô bổ đối với những người không có động lực đọc sách.

Đây cũng không chỉ là trò chơi về con số. Lướt qua diễn đàn “Thử thách đọc sách” của Goodreads năm nay, tôi nhận thấy nhiều thành viên, ngoài việc cam kết đọc một số sách nhất định, còn có những mục tiêu khác như muốn tự hoàn thiện bản thân hoặc muốn mở rộng tầm nhìn.

Một số muốn đọc thêm sách của các tác giả da màu hoặc các tác phẩm kinh điển. Một phụ nữ muốn đọc 100 tiểu sử và/hoặc hồi ký trước khi cô bước sang tuổi 40.

Các hình thức giải trí khác, như xem phim tài liệu, cũng có thể vừa mang tính giáo dục vừa vui nhộn, nhưng việc đọc sách dường như truyền cảm hứng cho việc trò chơi hóa, bài tập hóa và định lượng hóa đến một mức độ khác biệt.

Có lẽ điều này là do xã hội có xu hướng coi việc đọc sách là một lợi ích nội tại, trong khi các thể loại khác như phim truyền hình, tivi, Internet thường bị xem là lãng phí thời gian.

“Nhiều người cảm thấy họ tốn quá nhiều thời gian vào các phương tiện truyền thông, cho nên mục tiêu thường là hạn chế lại – Ayelet Fishbach, giáo sư ngành khoa học hành vi thuộc Trường Kinh doanh Booth tại Đại học Chicago, kể với tôi – Theo cách hiểu này, đọc sách là một thói quen tốt, vì vậy người ta muốn tăng cường việc đọc sách, trong khi xem tivi lại là một nhược điểm cố gắng hạn chế”.

Skyvara của Goodreads chia sẻ suy nghĩ tương tự, so sánh thử thách đọc với việc giảm cân. “Ngay cả khi không đạt được mục tiêu, người ta vẫn có thể đọc nhiều sách hơn so với khi không đặt mục tiêu – cô nói – Cũng giống như khi quyết định giảm cân với mục tiêu là 10kg mà bạn chỉ giảm được 7kg thôi – kết quả vẫn tốt hơn trước rất nhiều”.

Tất nhiên đọc sách hay giảm cân không có nghĩa là bạn đang theo đuổi một mục tiêu cao thượng, nhưng cả hai thường được xếp vào hình thức tự cải thiện bản thân hoặc một điều gì đó người ta cảm thấy nên làm. Chẳng hạn, cả hai hoạt động này đều là cam kết năm mới rất phổ biến.

Những người tôi trò chuyện cùng có vẻ hài lòng thử thách đọc sách nhất chính là những người dường như không quan tâm hoàn thành mục tiêu. Gosbee nghĩ rằng anh ấy sẽ không đạt được mục tiêu 25 cuốn sách trong năm nay, một phần vì khi đọc sách phi giả tưởng anh thường đọc chậm hơn để tiếp nhận thông tin.

Nhưng anh cho biết mục tiêu thực sự chỉ là dành thời gian tận hưởng đọc sách (Miller chỉ ra rằng nhiều người, như Gosbee, sẽ có được “sự tự nhận thức về bản thân như là một độc giả trong quá trình” thực hiện thử thách, ngay cả khi họ không hoàn thành thử thách).

Peters sử dụng chiến lược đọc vài cuốn sách cùng lúc để nếu chán một quyển nào hoặc không có hứng thú với thể loại đó nữa, cô có thể chuyển sang một cuốn khác. Khi không đặt ra mục tiêu của mình, cô cũng có một chút bực bội, nhưng đó không phải là vấn đề lớn: “Vào ngày 1-1, khi Goodreads hỏi bạn muốn đọc gì cho năm tới, tôi chỉ hít một hơi sâu và trả lời: Hãy thử lại”.

Theo : Zac Herman
Ảnh: Internet